Chịu thua nạn giật hụi?
Mấy ngày qua, người dân ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An bàng hoàng trước tin bà Dung Tá, “con phường hụi” của bà Dương Thị Phượng, “ôm” nợ hàng tỉ đồng bỏ trốn dẫn đến việc vỡ hụi. Chuyện vỡ hụi năm nào, địa phương nào cũng có, truyền thông đưa tin đã nhiều nhưng người dân vẫn lao vào chơi và rủ thêm hàng loạt người thân vào dây hụi vì cái lợi trước mắt.
Một số nạn nhân trong vụ chủ hụi Trương Thị Thùy Linh (SN 1971, ngụ đường Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3, TP HCM) ôm tiền bỏ trốn hồi cuối tháng 12-2012 ảnh: Phạm Dũng
Được vạ má đã sưng
Thực tế, điều 479 Bộ Luật Hình sự (BLHS) có quy định về hụi, họ, biêu, phường nhưng còn rất sơ sài. Văn bản dưới luật có Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27-11-2006 hướng dẫn và đó cũng chỉ là các chế định về trách nhiệm dân sự trong giao dịch này. Còn văn bản quy định cụ thể cách xử lý các vụ việc liên quan đến hụi có dấu hiệu hình sự thì chưa có. Đối với các vụ vỡ hụi lớn, chủ hụi không có khả năng chi trả thường bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 140 BLHS, trong đó dấu hiệu bắt buộc phải là bỏ trốn sau khi chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành tội phạm này đối với chủ hụi thường rất yếu. Một phần do chủ hụi và hụi viên đều thỏa thuận với nhau bằng miệng, khi xảy ra vỡ hụi không có giấy tờ, biên lai chứng minh. Chưa kể, khi vỡ hụi, chủ hụi hứa hẹn sẽ hoàn trả và không thể hiện ý định bỏ trốn. Vì thế, các cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự.
Đối với việc xác định hành vi có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, phải chứng minh được chủ hụi có dấu hiệu lừa dối ngay từ đầu để chiếm đoạt tài sản mới có thể khởi tố theo điều 139 BLHS. Trong thực tế, ít có cơ sở xác định ngay từ đầu chủ hụi đã có dấu hiệu gian dối.
Nếu nạn nhân khởi kiện dân sự, quá trình xử lý cũng nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề lãi suất. Bởi khác với cho vay trong hợp đồng vay tài sản (do người vay áp đặt lãi suất), lãi suất trong hụi họ do người đi vay tự nguyện đặt ra. Khi giải quyết, nếu tính lãi suất theo điều 476 Bộ Luật Dân sự, nhiều trường hợp lại gây thiệt hại cho những người cho vay khác, trong khi việc quy định lãi suất là sự tự nguyện, có sự thống nhất giữa các thành viên tham gia hụi. Từ đó, một số người lợi dụng bỏ lãi cao để hốt hụi, sau đó không thực hiện nghĩa vụ đóng hụi chết và nếu những người bị vi phạm đi kiện thì chính người bỏ lãi lại có lợi bởi lúc đó tòa án giải quyết theo mức lãi quy định ở điều 476 này.
Những nạn nhân bị giật hụi trong vụ vỡ hụi tiền tỉ xảy ra ở TP Đà Nẵng mới đây. Ảnh: HOÀNG DŨNG
Cần phải làm gì?
Với nhiều nạn nhân, số tiền bị giật hụi có khi là cả gia tài hoặc vay mượn nhiều người khác, việc bị chiếm đoạt tiền đã gây cho họ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đứng trước việc này, nạn nhân cần tập trung các chứng cứ chứng minh được họ có tham gia dây hụi với người chủ hụi và các thành viên khác, ít nhất là các chứng cứ bằng giấy tờ thể hiện giao dịch, xác định cụ thể số tiền đã đóng...
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi việc vỡ hụi xảy ra, những người đang và sẽ chơi hụi nên lưu ý: Lập sổ tay ghi chép việc chơi hụi, giấy tờ có chữ ký hai bên về việc giao nhận tiền; chụp hình, ghi âm những lần giao dịch, các cuộc họp giữa các thành viên chơi hụi với chủ hụi...
Đối với cơ quan bảo vệ pháp luật, cần xác định rõ sự vi phạm và ý chí chủ quan của người vi phạm là chủ hụi. Không hình sự hóa quan hệ dân sự nhưng cũng không dân sự hóa quan hệ pháp luật hình sự. Để chứng minh sự vi phạm hình sự không quá khó khi có dấu hiệu chủ hụi dùng hành vi hốt hụi thay cho các thành viên và gian dối trong việc công bố người hốt hụi. Dù chủ hụi không bỏ trốn, hành vi cũng đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139 BLHS. Nếu chủ hụi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản đã đủ dấu hiệu cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điều 140 BLHS.
Giải pháp cho tình hình này cần thiết phải xác định giao dịch hụi có bản chất là ngành kinh doanh có lãi, không đơn thuần chỉ tương trợ nhau của một nhóm người. Cần xác định lãi suất ở mức độ phù hợp với thông lệ chứ không thể theo quy định tại điều 476 Bộ Luật Dân sự, bởi quá thấp sẽ không khả thi, trong khi xã hội không thể không có giao dịch này.
Ngoài ra, nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động hụi qua thủ tục đăng ký và nộp phí đối với loại giao dịch hụi có lãi. Phải có chế tài khi vi phạm các hoạt động của hụi để răn đe và phòng ngừa chung, đồng thời xử lý rất cụ thể các trường hợp vi phạm, tránh sự lách luật gây thiệt hại cho cộng đồng. Quy mô của dây hụi từ 10 người trở lên với mức đóng 2 triệu đồng/tháng phải có văn bản xác nhận với nhau; dây hụi từ 20 người trở lên với mức đóng 10 triệu đồng/tháng phải công chứng.
Quy định lãi suất trần phù hợp sẽ hạn chế được việc bỏ dây hụi khi người chơi bỏ lãi quá cao để hốt hụi rồi không đóng hụi chết dẫn đến vỡ hụi. Mức 15%-20% trần là phù hợp. |
Biết đâu mà tìm? Đã hơn nửa năm trôi qua, nạn nhân trong vụ chủ hụi Trương Thị Thùy Linh (SN 1971, ngụ đường Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3, TP HCM) ôm tiền bỏ trốn vào cuối năm 2012 vẫn mòn mỏi trông chờ công an giải quyết. Bà M.D (62 tuổi) cho biết: “Tháng 2-2013, công an quận có mời tôi lên ghi lời khai và nói sẽ sớm giải quyết rốt ráo vụ việc nhưng đến giờ, vụ việc vẫn giẫm chân tại chỗ, chủ hụi không biết ở phương trời nào...”. Cũng giống như bà D., chị T. (bán bún thịt nướng) nghẹn ngào: “Tại mình tin người quá, đều đặn mỗi ngày đem mấy chục ngàn đồng kiếm được từ gánh bún đến giao cho chủ hụi, nghĩ có thêm chút tiền lời, giờ biết đâu mà tìm...?”. Theo chị T., một số nạn nhân vì sợ gia đình biết chuyện và người ngoài gièm pha nên phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không dám đứng ra tố cáo; một số khác không còn vốn làm ăn đã dọn đi nơi khác sinh sống. Ph.Dũng |
www.nguoiduatin.vn