Chuyện bất ngờ tại phiên tòa phúc thẩm
Hai ông bà đã có với nhau hai mặt con. Hơn 20 năm, cuộc sống vợ chồng họ ở cái xóm nhỏ ngoại ô, trải qua biết bao cơ cực, cùng nhau gặt mướn, làm cỏ lúa, đắp bờ. Rồi họ mua được mấy công đất, hằng ngày hai vợ chồng cặm cụi nhổ từng gốc cỏ, cuốc từng giồng đất. Rồi dưa trổ nụ, rồi cà đơm bông, cuộc sống gia đình diễn ra đằm thắm. Đến khi con cái lần lượt ra đời, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Để trang trải, ông kiếm kế mưu sinh thêm bằng công việc thầu xây dựng những công trình xa nhà...
Một ngày bà tìm đến tôi, nhờ bảo vệ quyền “được ly hôn” tại các cấp tòa. Đắn đo hoài, cuối cùng bà mới kể những chuyện riêng tư, sâu kín. Bà kể cuộc sống trở nên ngột ngạt khi vợ chồng qua tuổi tứ tuần, ông sanh tật mê nhậu, về nhà lớn tiếng quát vợ rầy con. Ban đầu bà ráng chịu đựng cho qua chuyện nhưng về sau bà phản ứng bằng cách… không cho ông ngủ chung phòng, mặc cho ông la lối um sùm, phá đồ đạp cửa. Rồi ông lên cơn ghen, tưởng tượng đủ thứ chuyện…
Ảnh minh họa
Nguyên tắc nghề nghiệp của tôi là với án ly hôn, tôi luôn tìm cách hàn gắn vết rạn hôn nhân trước khi đương sự nhất quyết lôi nhau ra tòa. Vì vậy, dù yêu cầu của đương sự là muốn tôi, với tư cách luật sư, thúc đẩy vụ ly hôn cho nhanh (và bảo vệ quyền lợi cho họ) nhưng tôi luôn hòa giải theo cách riêng của mình.
Trong vụ này, sau khi nghe bà tâm sự xong, tôi khuyên bà hãy nói những mắc mứu trong lòng với ông nhà và “gia hạn” cho ông thời gian để thay đổi. Bà hỏi lại tôi: “Nhưng mà chờ tới chừng nào lận?”. Nghe bà hỏi, tôi cảm nhận dường như bà đã cương quyết ly hôn lắm rồi.
Tại tòa sơ thẩm, ông thì bảo: “Vợ chồng cự nự, mới dăm ba câu hàng xóm đã phiền nên họ gọi công an đến lập biên bản chớ tui có đánh bả hồi nào đâu. Tui thương bả còn hơn thương tui nữa mà. Cái tính tui thiệt thà, nóng tính vậy chớ hễ thương là thương hoài”. Nhưng rồi tòa vẫn hòa giải không thành vì bà nhất quyết ly hôn. Vì vậy, tòa xử chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà.
Với suy nghĩ còn nước còn tát, ông bèn làm đơn kháng cáo.
Dù mong muốn hàn gắn cuộc hôn nhân của họ nhưng ở góc độ nghề nghiệp, tôi vẫn phải làm tròn phận sự của mình: Chuẩn bị bản luận cứ với đầy đủ lý lẽ để bảo vệ quyền lợi cho bà, trong đó quan trọng nhất là thuyết phục tòa phúc thẩm cho bà được ly hôn. Những chứng cứ chứng minh việc ông say xỉn, đánh vợ chửi con, ghen tuông vô cớ… tôi đã thủ sẵn trong hồ sơ, chỉ chờ đến lượt phát biểu trước tòa. Nhưng rồi, diễn biến phiên tòa sau đó đã khiến tôi nhẹ nhõm vì không cần phải thực hiện cái “chức phận nghề nghiệp” theo bản hợp đồng với thân chủ: Bà rút lại yêu cầu ly hôn.
Trong nỗ lực hòa giải, tòa nói rằng cả hai đều có lỗi nên cần bỏ qua cho nhau và phân tích điều hơn lẽ thiệt. Khi thấy không khí dịu lại, cơ hội “chốt hạ” đã đến, tòa quay về phía bà, hỏi: “Bà có đồng ý cho ông một cơ hội để sửa đổi không?”. Thật bất ngờ, bà gật đầu rồi… im lặng. Lúc này, đứng bên cạnh, ông rưng rưng nước mắt và hứa sẽ bớt nhậu và quan tâm đến vợ nhiều hơn. Đây quả là chuyện hiếm, bởi thông thường chuyện đoàn tụ hầu như chỉ xảy ra ở giai đoạn sơ thẩm. Cho nên, khi tòa hỏi luật sư có ý kiến gì không, tôi đứng lên ngắn gọn: “Thưa tòa, không” mà lòng vui tràn ngập.
Phiên tòa kết thúc, ông không dám lại gần vợ mà luống cuống hỏi tôi: “Giờ sao, luật sư?”. Tôi cười: “Thì chạy theo bả đi chứ còn sao nữa!”. Khi cái bóng nhỏ nhắn của chồng kịp song hành với vợ, tôi chỉ còn kịp nghe họ nói với nhau: “Bà, bà biết tui thương bà nhiều mà bà làm khổ tui chi vậy!”. “Mùa mưa tới rồi, kiếm miếng ăn vất vả cho mà coi!” - tiếng bà trả lời.
Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Theo Pháp luật Tp HCM
www.nguoiduatin.vn