Nên tính việc 'bồi thường tuổi xuân' cho phụ nữ khi ly hôn?
Nên có quy định điều kiện sống tối thiểu
Chị Thu H (TP HCM) có tâm sự rằng, trước khi qua đời, cha mẹ chị đã di chúc để lại cho chị tài sản là căn nhà và đất tọa lạc tại phường T. Trong quá trình sử dụng, căn nhà bị hư hỏng, chị xin giấy phép sửa chữa lại và có xây thêm một phòng trên sân thượng. Tiền sửa chữa và xây dựng do chị bỏ ra, còn chồng chị không có việc làm, chỉ đảm nhiệm trông nom thợ. Sau khi sửa chữa, vì có phát sinh diện tích xây dựng mới, chị phải làm lại chủ quyền nhà và được giải thích là đã lập gia đình nên có ghi tên đồng sở hữu của vợ chồng trên giấy tờ.
Do tình trạng vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng, chị đã làm đơn xin ly hôn. Chị uất ức cho biết: “Nhìn hồ sơ, cán bộ tòa án nói rằng tài sản chung theo luật là chia đôi. Tôi có trình bày nguồn gốc tài sản thì tòa bảo rằng có thể chia theo công sức đóng góp “một chín, một mười”, chứ không thể không chia cho chồng được. Tôi tranh luận thì tòa nói “Chứng cứ đã như thế, do khi làm lại giấy tờ nhà chị đưa tên chồng vào, xem như là sáp nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng rồi!”.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định, vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; đồ dùng, tư trang cá nhân… Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung. Trong trường hợp của chị Thu H, chị đã nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng nên về nguyên tắc phải chia đôi.
Đây cũng chính là một trong những bất cập của các quy định hiện hành về tài sản chung của vợ, chồng được nêu tại hội thảo góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình do Bộ Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức vào hôm qua – 17/7. Đại diện Hội còn chỉ ra một số điểm chưa hợp lý cần sửa đổi của các quy định này, trong đó có quy định liên quan đến người đứng tên và các thành viên khác có quyền và nghĩa vụ liên quan trong gia đình.
Phó Chủ tịch Hội Trần Thị Hương cho rằng: Theo logic tự nhiên, một cặp vợ chồng trẻ cần nhà để ở, cần phương tiện đi lại, cần phương tiện làm nghề, đa phần chưa thể tự tạo dựng được ngay sau khi kết hôn, trừ trường hợp tái hôn hoặc kết hôn muộn khi đã có thu nhập ổn định, mà cần có sự hỗ trợ của hai bên gia đình.
Vì vậy, bà Hương kiến nghị, Dự thảo Luật sửa đổi nên có quy định xác định tài sản được hai bên gia đình cho trước và trong vòng 5 năm đầu sau kết hôn là điều kiện sống tối thiểu của cặp vợ chồng (thực chất là tài sản chung) để bảo đảm duy trì cuộc sống và cũng sẽ là “cơ sở để phân chia tài sản không quá bất lợi đối với một bên nếu hôn nhân không bền vững phải ly hôn”.
Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới
Tuy nhiên, khác với hoàn cảnh của chị Thu H nêu trên thì việc chia tài sản khi ly hôn, người chịu thiệt thòi phần lớn là phụ nữ bởi họ bị phụ thuộc tài chính vào người chồng, mặc dù Luật quy định “lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập” và đi liền với việc chia tài sản khi ly hôn. Thực tế giải quyết các vụ ly hôn cho thấy, phụ nữ bị bất bình đẳng rất nhiều so với nam giới mỗi khi “đụng” tới việc tính toán giá trị lao động của vợ, chồng trong gia đình.
Nhìn từ góc độ giới, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lương Phan Cừ nhận định: Việc đánh giá lao động của vợ, chồng như vậy chưa đủ, chưa phản ánh hết vấn đề giới trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Ngoài giá trị vật chất tài sản, người phụ nữ khi ly hôn còn phải chịu nhiều tổn thất về tinh thần, về tuổi thanh xuân và nhiều bất lợi khác so với nam giới.
Theo ông Cừ, để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong hôn nhân và gia đình, nhất là quan hệ khi có tình huống ly hôn, ly thân, bên cạnh việc xác định giá trị lao động của vợ, chồng trong phân chia tài sản thì cũng cần tính đến việc “bồi thường” về mặt tinh thần, về tuổi thanh xuân cho phụ nữ.
Theo Thục Quyên (Pháp luật Việt Nam)
www.nguoiduatin.vn