Những vụ ngoại tình chấn động thời Lê sơ
Hai năm sau, chính sử tiếp tục ghi nhận một trường hợp nặng hơn khi con rể thông dâm với mẹ vợ: "Đinh Tỵ (1437) tháng 8, Hàn lâm viện đãi chế Vũ Văn Phỉ thông dâm với mẹ vợ là Nguyễn Thị, chuyện bị phát giác" (Theo Đại Việt sử ký toàn thư).
Với tội này, áp dụng chương Thông gian (ngoại tình có đi lại với nhau) trong Quốc triều hình luật, tội của viên quan Vũ Văn Phỉ ứng với Điều 1: "Gian dâm với vợ người khác thì xử tội lưu hay tội chết" và Điều 5: "Thông gian với vợ người thì bị xử phạt 60 trượng, biếm hai tư, bắt nộp tiền nhiều ít theo bậc cao thấp của người đàn bà, nếu sang hèn cách xa thì lại xử khác", lại ứng với "Lệnh cấm đàn bà phản bội chồng, đàn ông gian dâm với vợ người khác" trong Thiên Nam dư hạ tập: "Gian dâm với vợ người thì xử lưu hoặc tử hình".
Nhưng cụ thể và rõ ràng nhất thì tội của Phỉ được áp vào Điều 11 của Hồng Đức thiện chính thư: "Con rể thông dâm với mẹ vợ là việc đồi bại làm tổn hại đến luân thường đạo lý, theo luật phải xử chém". Tổng hợp lại những quy định ấy, tội của Vũ Văn Phỉ sau đó được tuyên là "phải xử tội chém". Tuy nhiên, chính sử cho hay, Vũ Văn Phỉ "xin được chuộc tội, cuối cùng bị đày ra châu xa".
Đến năm Mậu Thìn (1448), khi vua Lê tổ chức thi Hội, rồi thi Đình chọn học vị Tam khôi, danh hiệu Trạng nguyên đã thuộc về Nguyễn Nghiêu Tư "Người làng Phù Lương, huyện Võ Giàng" (Theo Đại Việt Lịch triều đăng khoa lục, tức huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Điều đáng nói là Nghiêu Tư từng thông dâm với mẹ vợ. Việc ấy dân quê ông đều biết. Nhưng khi ông giành học vị cao nhất của khoa cử, thì thiên hạ ai ai cũng hay.
Thế mới có chuyện nhiều người đã nhân đó mà báng bổ tân trạng nguyên họ Nguyễn. Có người ghi vào chuồng lợn là "Phường trạng nguyên", có người hát ở đường cái rằng: "Trạng nguyên trư, Nguyễn Nghiêu Tư" để chế giễu. Tuy nhiên, trường hợp của vị Trạng Lợn Nghiêu Tư lại không thấy chính sử đề cập đến việc ông bị phạt chuộc tội hay bị xử tội chém mà được tha. Nhưng thiết nghĩ, tòa án lương tâm và miệng lưỡi thế gian còn ghê gớm gấp trăm nghìn lần cái án chém mà luật nước có thể xử ông.
Luật nay: Việc xác định hành vi vi phạm không dễ dàng
Thời xưa, những quy định về tội ngoại tình (tội thông dâm-PV) đã rất rõ ràng. Hình thức xử phạt cũng nghiêm khắc. Người phạm tội có thể phải chịu mức án cao nhất là bị xử chém.
Tuy nhiên, các hành vi đó nếu xảy ra vào thời nay thì lại được xem xét một cách giảm nhẹ hơn. Người phạm tội cùng lắm chỉ bị xử phạt hành chính... Đành rằng pháp luật hình sự của Việt Nam quy định rằng việc ngoại tình hay còn gọi là hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng cũng là một tội nhưng dường như trong lịch sử tố tụng nước ta, ít có người nào bị xử lý hình sự vì tội danh ngoại tình.
Điều 147 Bộ luật Hình sự Việt Nam có quy định tội danh vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Theo điều luật này, chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự khi hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể hiểu theo nghĩa: Làm cho gia đình của một bên hoặc cả hai bên tan vỡ, dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng con vì thế mà tự sát... Cũng có thể xử lý hình sự nếu như người vi phạm chế độ một vợ một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Thế nhưng, việc xác định hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng là cả một... chặng đường không dễ dàng.
Trước hết, nói về điều kiện "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm", ở góc độ pháp lý, theo Thông tư liên tịch 01 ngày 25/9/2001 của bộ Tư pháp, bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao thì việc chung sống như vợ chồng phải được chứng minh bằng việc có con chung, có tài sản chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó... Thế nhưng, trong nhiều vụ việc, rõ mười mươi là ngoại tình, bắt tại trận nhưng cơ quan chức năng đành bó tay không xử phạt hành chính vì tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng được vì họ không có con chung, tài sản cũng không, cơ quan, láng giềng ai cũng biết đó chỉ là chuyện bồ bịch. Mà chuyện bồ bịch, pháp luật đâu có chế tài. Không có xử phạt hành chính lần một về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì lấy đâu căn cứ để xử lý hình sự?
Theo luật, nếu việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự. Điều đáng nói là hậu quả nghiêm trọng ở đây được hiểu theo cách vật chất như làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ, ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát... Nhưng về thực chất, đó đâu phải là cách hiểu đầy đủ nhất về "hậu quả nghiêm trọng" do hành vi ngoại tình gây ra, mà còn rất nhiều vấn đề khác nữa.
TƯỜNG LINH
www.nguoiduatin.vn