Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Nỗi hoảng loạn của những đứa con kẻ mang án tử


Hàng ngày, em phải thay cả cha lẫn mẹ chăm lo cho hai đứa em thơ. Trâm cho biết, dù rửa chén bát tiền công không nhiều nhưng mỗi tối lại xin được cơm thừa bảo về cho chó ăn nhưng thực chất là ba chị em chia nhau sống qua ngày.


Đổi sự sống vì tiền

Sáng hôm ấy, TAND TP.HCM xét xử cùng lúc hai vụ án ma túy với số lượng rất lớn, khán phòng chất đầy người. Vụ án đầu tiên, một người phụ nữ bị tử hình, người còn lại bị tuyên phạt chung thân. Ngồi trong phòng lưu phạm, Nguyễn Thị Hoa (SN 1966, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) và đồng bọn là Trần Thị Phương Trinh (SN 1984, ngụ phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM) chết lặng. Cả hai chắp tay cầu khấn thần chết sẽ không chạm vào mình.



Hoa và Trinh khóc ròng khi bị dẫn giải về trại giam


Hai bị cáo trong vụ án đầu vừa được dẫn vào, Hoa và Trinh liền được thế chỗ trước vành móng ngựa. Hai người phụ nữ nhìn những vị trong HĐXX nghiêm nghị mà khuôn mặt trắng bạch như không còn chút máu nào. Hoa nghèn nghẹn khai nhận hành vi tội phạm của mình.

Trong một lần gặp lại người bạn cũ tên Minh (không rõ lai lịch), Hoa làm quen với Trinh. Sau lần đó, Trinh thường xuyên rủ Hoa đi uống cà phê, trò chuyện. Một lần, đang nhấp ngụm cà phê, Trinh bảo: “Em có mối chuyển áo quần ra nước ngoài chi phí cao lắm, nếu chị muốn thì em giới thiệu cho”. Thấy Hoa có vẻ ngờ ngợ, Trinh bồi thêm: “Chỉ cần đi chừng nửa tháng là có tiền công 2.000 USD”.


Là một người phụ nữ nghèo, từ trước đến nay có nghe đến tiền đô nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy, nhưng Hoa vẫn mường tượng ra 2.000 USD là rất nhiều. Cô nhanh chóng bị số tiền “khổng lồ” thu hút và hỏi đi hỏi lại chỉ vận chuyển áo quần thôi hay là gì nữa. Trinh khẳng định: “Xuất khẩu áo quần tiền lãi nhiều lắm nên họ mới trả tiền công 'hời' như thế”. Chỉ một lúc trò chuyện, Hoa đồng ý . Lúc đó, cô tưởng tượng khi nhận được tiền sẽ sửa lại căn nhà bị dột, mua ít thịt cho các con ăn đỡ thèm… Người phụ nữ hạnh phúc ngập mình trong niềm ao ước.


Đúng dự định, sáng 19.4.2012, Hoa cùng Trinh đi ô tô khách qua Campuchia rồi lấy vé máy bay và 1.000 USD đi Bờ Biển Ngà. Vừa bước xuống sân bay, nhìn mọi thứ xung quanh lạ lẫm, cô cảm thấy rờn rợn trong người. Khi tâm hồn xao đông cũng là lúc có một phụ nữ châu Phi cầm bảng hiệu ghi tên cô đứng đón. Giữa chốn xa lạ, có người đón, như chết đuối bắt gặp phao, cô thở phào nhẹ nhõm. Cô không biết rằng, có một cái bẫy lớn đã giăng sẵn cho mình.


Khoảng thời gian “nghỉ dưỡng” tại khách sạn, Hoa nhận được điện thoại của một người bạn tên Thu (nay đã bị công an Malaysia bắt) bảo: “Chị đang bị môi giới để đi vận chuyển ma túy đó”. Trong lòng hoảng sợ, nhưng cô vẫn cố tin tưởng vào Trinh. Tuy nhiên, nằm trong phòng vắng, càng nghĩ, cô càng cảm thấy bất an cho cuộc đời mình.


Vài hôm sau, người phụ nữ châu Phi đưa đến cho Hoa một chiếc va ly lớn, bên trong chứa rất nhiều áo quần. Khi người kia vừa quay lưng, cô liền xổ hết áo quần ra để xem bên trong có gì khác hay không. Cô chết lặng khi phát hiện chiếc va ly có đến hai đáy. Phân vân mãi, cuối cùng, cô quyết định không mở đáy thứ hai để giữ chút niềm tin là không có ma túy bên trong.


Ngày 30.4.2012, Hoa tiếp tục lên máy bay sang Philippin. Tuy nhiên, khi đến nơi, nhà chức trách không cho nhập cảnh vì vé máy bay có lỗi. Cô cuống cuồng nơi đất khách quê người. Trong lúc hoảng loạn, cô gọi điện cho Trinh và nhận được lời khuyên nên mua vé máy bay quay trở lại Việt Nam. Cô vơ vét hết tất cả tiền bạc trong người cũng vừa đủ mua chiếc vé hồi hương. Đến 4.5.2012, máy bay vừa hạ cánh, Hoa bị hải quan kiểm tra hành lý và bắt quả tang bên trong có chứa 5,15 kg chất rắn. Qua giám định, gói chất rắn bị bắt có chứa thành phần Methamphetamine (thường gọi là hàng đá).


Tại cơ quan công an, Hoa mong muốn sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật nên đã khai nhận chỗ ở của Trinh. Trinh thừa nhận, trước đây có quen với một người phụ nữ tên Lan nhờ chuyển áo quần từ châu Phi sang châu Á với tiền công hậu hĩnh. Đi được 5 lần thì Trinh phát hiện bên trong va ly có chứa ma túy nên quyết định không sang châu Phi nữa. Tuy nhiên, Trinh chấp nhận giới thiệu Hoa thay thế nhiệm vụ của mình với giá hoa hồng 3.250 USD.


Nước mắt mồ côi


Không dám đứng ở hàng ghế đầu tiên cho gia đình bị cáo, Trâm, con gái của Hoa, cứ thập thò ở bên ngoài phòng xử. Với dáng người to bè, đôi mắt ứ đầy nước, Trâm khiến những người dự khán phải ngoái nhìn. Có người gợi chuyện, Trâm nghèn nghẹn cho biết: “Con không dám nhìn mẹ đứng trước tòa”.



Trâm đứng sững người nhìn vào chiếc xe tù


Trâm là con đầu của Hoa, sau còn có thêm hai đứa em gái. Gia đình của em cũng từng hạnh phúc với những nụ cười rạng vỡ. Thế nhưng, mâu thuẫn giữa cha và mẹ ngày càng lớn. Nhiều lúc, em nức nở khi chứng kiến những lời chửi rủa nhau của người lớn. Khi em bước lên cấp ba cũng là lúc cha mẹ đường ai nấy đi. Thế rồi, cha em ra đi không một lời từ biệt trong một vụ tai nạn giao thông.

Hàng ngày, nhìn mẹ làm giúp việc cho chủ ngày được 3 triệu đồng lại vất vả nuôi ba đứa con ăn học nên Trâm xin nghỉ học. Ban đầu, Hoa không chấp nhận, nhưng những khoản tiền đóng ngày càng lớn nên cũng đành quệt nước mắt đồng ý. Sau khi ngừng học, em xin vào làm rửa chén trong một nhà hàng từ 13h đến 22h đêm mà chỉ được 2 triệu đồng mỗi tháng. Tiền lương không nhiều, nhưng em vẫn có thể giúp mẹ chăm lo cho hai đứa em ăn học.

Bốn mẹ con chắt chiu sống qua ngày trong căn nhà chỉ 25 m2, thế nhưng, thời gian trôi qua, mái nhà bị dột. Nhiều lúc, mưa lớn, bốn mẹ con lại dùng xoong, nồi hứng nước. Nhìn cảnh này, Hoa không kìm được nước mắt, ao ước có tiền sửa lại căn nhà cho con cái. Cũng vì thế, khi được Trinh giới thiệu chuyển hàng áo quần từ châu Phi về châu Á mới đồng ý. “Trước hôm đi, mẹ hãy còn bảo, sau khi mẹ chuyển áo quần về thì sẽ sửa lại mái nhà. Em nghe vậy cũng mừng lắm, nhưng không thể ngờ, đó là lần cuối cùng mẹ ở nhà cùng bọn em”, Trâm ngước nhìn ra xa cố giấu những giọt nước mắt.


Ngày hay tin mẹ bị bắt, Trâm khóc như mưa như gió, hoảng loạn vì không biết phải làm sao. Giọt nước mắt chưa khô, nhìn sang hai đứa em thơ, Trâm thắt lòng, hoang mang cho tương lai. Cũng từ đó, em gắng gượng đứng dậy, đóng vai cả cha lẫn mẹ chăm lo cho hai đứa em. Khi được hỏi: “Với số tiền 2 triệu, làm sao chăm lo cho các em?”, Trâm trầm tư: “Em đi làm, khuya lại xin cơm thừa về. Em chỉ nói là đem về cho chó, nhưng thực chất lại cho cả ba chị em ăn”. Khi nhắc đến tương lai, Trâm cũng không biết số phận sẽ như thế nào.


Từ hôm mẹ bị bắt, Trâm cùng hai em cũng vào thăm vài lần. Mỗi lần nhìn mặt nhau, cả bốn mẹ con đều khóc. Không ít lần, Hoa bảo rất hối hận, khuyên hai đứa con nhỏ phải nghe lời chị cả. Riêng về phần Trâm, Hoa lại động viên cố chăm sóc hai em. “Có lúc, mẹ dặn, sau này, khi không chịu được nữa thì có thể cho một trong hai đứa em nghỉ học. Em biết, mẹ nói vậy nhưng trong lòng rất buồn. Bởi, trước đây, dù thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng mỗi lần các em xin tiền nộp là mẹ lại chạy vạy. Mẹ cũng từng ao ước các con được học hành đến nơi đến chốn để sau này không chịu cảnh khổ cực như mẹ. Thế nhưng, bây giờ, em sợ mong ước đó mãi mãi sẽ không thể nào trở thành hiện thực”.


Cuộc trò chuyện đang nửa chừng, tiếng chuông reo báo hiệu giờ nghị án kết thúc, Trâm cố đứng ở phía sau nhìn lên với mong ước mẹ sẽ thoát khỏi án tử. Thế nhưng, HĐXX nhận định, chỉ vì lợi nhuận mà các bi cáo xem thường pháp luật, vận chuyển ma túy vào nước ngoài. Hành vi này rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến xã hội, gây nhiều tệ nạn cho xã hôi. Do đó, tòa quyết định tuyên phạt cả Hoa và Trinh mức án tử hình vì tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”. Lời chủ tọa vừa buông, Trâm không tin nổi vào tai mình, ngồi khịu xuống, nước mắt giàn dụa, môi mấp máy thảm thiết: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”.


Theo chân công an viện dẫn ra xe đặc chủng về trại giam chờ ngày thi hành án, Hoa ngước về phía sau nhìn đứa con gái dặn: “Con đừng buồn nhé! Dù sao mẹ cũng vậy rồi, cố gắng chăm lo cho hai em”. Trâm nuốt từng lời rồi ngã quị xuống sân tòa, ánh mắt nhìn về chiếc xe đang lăn bánh miệng lẩm nhẩm: “Mẹ ơi! Giờ con biết làm sao?”.


Theo Khôi Nguyên (Xzone/Tri Thức Thời Đại)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP