Hiệu trưởng đánh bạc và trách nhiệm pháp lý
Hiệu trưởng và cả giáo viên cũng tham gia đánh bạc
Tối ngày 20/8, Công an huyện Tiên Lãng bất ngờ ập vào nhà ông Vũ Văn Long (SN 1964, cán bộ xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng) bắt quả tang 4 người, trong đó có ông Phạm Đức Hùng (SN 1975, hiệu trưởng Trường THCS Tiên Minh, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng) cùng Trần Xuân Khiệm (SN 1962, giáo viên Trường THCS Tiên Minh); Phạm Văn Tuấn (SN 1978) và Nguyễn Đức Ngà (SN 1964), đều trú tại xã Tiên Minh đang sát phạt nhau dưới hình thức đánh “tá lả” ăn tiền.
Tại chiếu bạc, ngoài bộ bài tú lơ khơ, lực lượng công an đã thu giữ hơn 5 triệu đồng là phương tiện, tang vật phục vụ cho hành vi cờ bạc ăn tiền.
Ảnh minh họa
Công an huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng) đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý nhóm đối tượng, trong đó có một số là giáo viên có hành vi đánh bạc ăn tiền.
Hiện cơ quan công an ra quyết định tạm giữ 4 con bạc cùng chủ nhà.
Trước đó vào tháng 8/2013, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đã ký và ban hành chỉ thị số 17 nghiêm cấm cán bộ đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức.
Ông Phạm Đức Hùng mới nhận chức hiệu trưởng trường THCS Tiên Minh. Ông cũng là đối tượng cán bộ tham gia đánh bạc bị bắt đầu tiên sau chỉ thị 17 của chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng về việc nghiêm cấm cán bộ đánh bạc được ban hành.
Từ sự việc này nhiều vấn đề về trách nhiệm pháp lý của giáo viên khi tham gia đánh bạc và câu chuyện về đạo đức nhà giáo cũng được đặt ra.
Câu chuyện pháp lý khi nhà giáo đánh bạc?
Giáo viên với tư cách là một viên chức khi tham gia đánh bạc, ngoài việc bị xử lý trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn bị xử lý theo quy định của Luật viên chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Về mặt hình sự, khi tham gia đánh bạc với giá trị thu giữ tại chiếu bạc trên 5 triệu đồng đối với vụ việc trên đã đủ yếu tố cấu thànhTội đánh bạc được quy định tai Điều 248 Bộ luật hình sự. Theo đó: “1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm…”.
Tuy nhiên, khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét.
Đối chiếu với quy định trên thì vị Hiệu trưởng và giáo viên tham gia đánh bạc trong vụ việc trên rất có thể bị khởi tố và kết án với mức án cao nhất đến ba năm tù và phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Về kỷ luật viên chức, giáo viên là viên chức do đó phải chấp hành các nghĩa vụ chung đối với viên chức. Theo quy định tại Điều 16 Luật Viên chức thì viên chức phải có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thực hiện rèn luyện đạo đức nhưng vị Hiệu trưởng và giáo viên nói trên lại đi đánh bạc- hành vi được coi là vi phạm đạo đức và lối sống thiếu lành mạnh.
Mặt khác, Ông Hiệu trưởng trên nếu bị kết án sẽ bị mất chức vụ hiện tại theo Điều 57 Luật viên chức về Quy định đối với viên chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định này trường hợp viên chức giữ vai trò quản lý bị Tòa án tuyên phạm tội thì đương nhiên thôi giữ chức vụ quản lý, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra, nếu là Đảng viên các giáo viên trên sẽ phải chịu các hình thức xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam vì họ đã vi phạm vào điều cấm Đảng viên không được thực hiện, vi phạm tư cách đảng viên. Điều này đã gây dư luận xấu, làm giảm uy tín với cơ quan, đơn vị nơi công tác và mất niềm tin với quần chúng nhân dân.
Nguyễn Sen
www.nguoiduatin.vn