Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

'Ôm tiền' đi kiện vì tranh chấp trâu, bò, lợn, gà


Bỏ tiền triệu nhờ luật sư theo kiện vì con gà


Khoảng giữa tháng 9/2008, bà Trần Thị Thọ đem đến nhà bà Quận một con gà trống cân nặng 2,1 kg. Nhìn vẻ ngoài oai vệ của nó, bà Quận ưng bụng, chấp nhận mua với giá 115.000 đồng. Tuy nhiên, sở hữu con gà này được vài hôm, bà Quận gặp nhiều rắc rối bởi sự tranh chấp quyết liệt của hai bà hàng xóm.


Trong khi đó chị Vân (cùng xóm với bà Quận) bỏ công đi tìm con gà trống đã 3 ngày không về chuồng. Thấy con gà bà Quận mua giống con gà của mình bị mất, chị Vân xin bà Quận cho phép vào nhà xem. Xem xong chị Vân khẳng định đây là gà của nhà mình.


Qua nhiều lần giằng co đi, giằng co lại, con gà về nhà này, rồi lại về nhà kia. Cuối cùng con gà cũng chết.


Tháng 12/2008 bà Thọ khởi kiện chị Vân tại TAND huyện Tân Trụ, yêu cầu bồi thường thiệt hại con gà cồ mà bà đã bán cho bà Quận. Ngày 17/4/2009 TAND huyện Tân Trụ đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm.


Tại phiên tòa, chị Vân không chấp nhận bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của bà Thọ vì cho rằng đó là con gà của mình đi lạc sang nhà bà Thọ và bị bắt đem bán. Còn bà Thọ khẳng định con gà đó là của mình, nhưng chị Vân bắt làm thịt, phải bồi thường thiệt hại.


Điều đáng nói trong vụ án này, phía chị Vân đã bỏ ra tiền triệu để thuê luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình, mặc dù tài sản tranh chấp chỉ có con gà trị giá hơn 100.000 đồng.


Heo nái xổng chuồng, kiện tới tối cao


Câu chuyện kiện nhau vì con heo nái xổng chuồng đã nổi tiếng cả một vùng bởi vì vụ việc đã được đưa tới cả tòa án tối cao để được làm rõ.


Bà Đỗ Thị Gái (SN 1964, giáo viên tiểu học, tỉnh Đắk Lắk) có nuôi một con heo nái. Thương bà hiền lành chịu khó, mỗi khi bà bận công tác, láng giềng tốt bụng lại chăm heo giùm


Lứa heo con đầu tiên vừa được bà Gái bán hết thì khuya 5/5/2012 heo mẹ động cỡn nhảy khỏi chuồng. Bốn giờ sáng bà Gái dậy tìm heo, hốt hoảng vạch từng bụi cây, góc vườn. Hàng xóm động lòng sốt sắng tỏa ra tìm giúp. Đặc điểm nhận dạng con heo xổng được chuyền tai nhau thuộc lòng: Heo nái da trắng có đốm đen gần tai, lưng gẫy, chân nhỏ, bụng sệ, nặng cỡ một tạ …



Bà Gái và cái chuồng lợn mất con heo nái


Nửa tháng sau, có người mách: “Em thấy con heo của chị trong chuồng heo bà Thọ”. Bà Gái vội sang nhà bà Nguyễn Thị Thọ cách vài căn phía đối diện, thấy trong chuồng có 3 heo nái, con trong cùng y hệt con heo lạc của bà, nhưng bà Thọ khăng khăng bảo đó là heo bà Thọ. Năn nỉ bà Thọ trả heo không được, bà Gái trình báo sự việc lên chính quyền.


Ngày 27/9/2012, TAND huyện Lắk mở phiên xét xử công khai vụ án tranh chấp quyền sở hữu tài sản, nguyên đơn bà Đỗ Thị Gái, bị đơn bà Nguyễn Thị Thọ, 20 nhân chứng đôi bên có mặt, hơn trăm người dân đến theo dõi phiên tòa.


Tòa sơ thẩm tuyên bà Thọ thua kiện, bà Thọ phải trả án phí, bồi thường cho bà Gái 4,1 triệu đồng trị giá con heo và 600 nghìn đồng chi phí định giá. Bà Thọ chống án lên tòa tỉnh, dù không được mời nhiều nhân chứng vẫn phóng xe máy năm chục cây số lên tỉnh để cổ vũ bà Gái.


Bản án phúc thẩm ghi do “cấp sơ thẩm không yêu cầu cơ quan thú y xác định heo đã có thai hay chưa, thuộc loại heo lai gì, có bao nhiêu vú…”, nên căn cứ xét xử “không có cơ sở vững chắc”; tuyên bác đơn khởi kiện của bà Gái.


Dân chúng phẫn nộ ký tên chi chít dưới những lá đơn khiếu nại của bà Gái gửi cơ quan báo chí, và ủng hộ bà Gái kiến nghị lên cấp Tối cao yêu cầu xử Giám đốc thẩm vụ này. Tháng 1/2013, Tòa Dân sự TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao hồi âm đã nhận được đơn, cho bà Gái biết vụ tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Vụ 5-Viện KSNDTC.


Trộm trâu trở thành tranh chấp trâu


Câu chuyện trộm trâu trở thành tranh cấp trâu được người dân ở xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam kể cho nhau nghe như một câu chuyện hài.


Ngày 6/2/2013, như thường lệ ông Hoàng (Nghĩa Phương, Lục Nam) vào rừng Đá Vách- Suối Mỡ để chăn trâu, thì nhận được điện thoại của ông Nguyễn Văn Nam ở thôn Tó, Nghĩa Phương, Lục Nam thông báo, trâu của ông Hoàng đang được Đỗ Văn Núi giao bán cho Nam, nhưng anh này không mua mà đã gọi thông báo cho ông Hoàng.


Nhận được thông báo, ông Hoàng tức tốc ra địa điểm mà anh Nam đã nói, nhưng lúc này con trâu đã được chuyển đến nhà anh Vụ tại thi trấn Đồi Ngô, Lục Nam để bán.


Tiếp tục cuộc hàng trình đi tìm lại trâu, ông Hoàng đã tìm đến nhà anh Vụ thì nhận thấy con trâu thông báo đó vẫn ở trên ô tô và đang được chuẩn bị bán cho anh Vụ. Sau khi nhận ra con trâu trên thùng xe ô tô là trâu nhà mình ông Hoàng đã yêu cầu lái xe là anh Hùng và anh Nùi đánh xe về nhà anh Hoàng. Tại đây ông Hoàng cũng được biết người trộm trâu của mình là anh Trọng.


Ngay sau đó, ông Hoàng Trình báo lên công an xã. Tại đây, phía công an xã đã lập biên bản vụ việc và đưa ra quyết định tạm thời giao con trâu trên cho gia đình nhà ông Hoàng trông nom từ ngày 6/2/2013 đến ngày 8/2/2013. Sáng ngày 8/2 phía công an xã đã yêu cầu ông Hoàng mang con trâu ra UBND xã để giải quyết. Khi vụ việc chưa được giải quyết xong thì phía gia đình nhà ông Trọng đã huy động một lực lượng khá đông người đến UBND xã uy hiếp, “cướp” lại con trâu, mang về.


Sau khi tang vật vụ án bị “cướp” tại UBND xã, ông Hoàng đã nhiều lần yêu cầu phía công an xã vào cuộc xác minh và bắt kẻ trộm trâu. Và phía công an xã Nghĩa Phương cho rằng ông Hoàng nên khởi kiện ra Tòa án để đòi trâu. Phía công an đã hướng dẫn gia đình ông Hoàng đem đơn ra tòa án huyện Lục Nam – Bắc Giang để giải quyết.


Đến nay ông Hoàng vẫn tiếp tục theo kiện để được đòi lại con trâu của mình. Ông Hoàng cho biết: Dù phải bỏ ra số tiền lớn hơn con trâu đó để theo kiện ông vẫn sẵn sàng, bởi cái ông cần chính là sự công bằng và danh sự của bản thân.


Băng Tâm (tổng hợp)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP