Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Một đêm đi bắt cướp cùng ‘hiệp sĩ’ Sài Gòn


Đội "hiệp sĩ" gần chục thành viên, họ là những công chức trong ngành công an, ngân hàng, nhân viên kinh doanh, chủ cửa hàng, tài xế lái xe… có chung một chí hướng, tinh thần nghĩa hiệp. Họ đã thầm lặng phá hàng trăm vụ cướp giật trên đường phố Sài Gòn.


Mệt nhoài với 2 tên cướp cáo già


19h tối, trời Sài Gòn lất phất mưa, tôi ngồi lên sau xe Thượng sĩ Lưu Viễn Thuận (SN 1981, là cán bộ của Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an TP.HCM) và 7 thành viên khác trong nhóm "hiệp sĩ" bắt đầu cuộc hành trình đi truy bắt cướp.


Mặc dù không phải là lực lượng cảnh sát hình sự chuyên bắt cướp nhưng cứ đến 18h30 hàng ngày, các anh tập trung tại một điểm ở Q.Tân Bình, rồi bắt đầu chạy xe qua nhiều tuyến đường nóng về tệ nạn cướp giật thuộc các quận như Tân Phú, Phú Nhuận, 10, 3, Gò Vấp, Bình Tân…


Trên đường, "hiệp sĩ" tập trung quan sát kỹ những thanh niên lái các loại xe thay đổi kết cấu máy như xoáy nòng, đôn dên. Nếu thấy đối tượng khả nghi, các anh lặng lẽ bám theo, chờ chúng ra tay là ập vào bắt quả tang.











“Hiệp sĩ Sài Gòn" Khánh, Long, Nghĩa, Thuận, Tuân, Hùng, Hoàng trước giờ đi bắt cướp (từ trái qua).

Anh Thuận tâm sự: “Hồi nhỏ mình rất thần tượng các chiến sĩ làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Khi cô giáo ra đề tập làm văn nói về ước mơ, mình không ngần ngại viết rằng lớn lên sẽ trở thành chiến sĩ công an đi trấn áp tội phạm. Sau đó mình vào ngành công an nhưng lại làm công việc trái với uớc mơ khi nhỏ. Tuy vậy, mình vẫn không từ bỏ niềm đam mê bắt cướp".


Hễ cứ hết giờ làm việc ở cơ quan, hay có thời gian rảnh là anh xách xe chạy ra đường quan sát. Ban đầu là tập dần khả năng nhận diện tội phạm và rèn luyện khả năng chạy xe điêu luyện ở tốc độ cao.


Đang kể chuyện giữa chừng, anh phát hiện 2 đối tượng bên đường có dấu hiệu chuẩn bị "đá xế" (trộm xe). Anh và đồng đội quay ngược xe trở lại để bám theo. Hai tên cướp giật “cáo già” này đã nằm trong tầm ngắm từ trước nhưng vẫn chưa có cơ hội bắt quả tang.


Chạy dọc các tuyến đường từ 3/2, Cách Mạng Tháng 8, Sư Vạn Hạnh (Q.10), 2 tên cướp rảo xe quan sát. Thấy một chiếc xe Sirius dựng bên đường, chúng dừng xe ngắm nghía một lúc, nhưng dường như "mồi" này không có giá trị nên chúng lên xe tiếp tục kiếm chiếc khác đắt tiền hơn. Phát hiện có người bám theo, 2 đối tượng lạng lách đánh võng, kéo ga tìm cách "cắt đuôi".


Anh Thuận đành giảm ga lùi về phía sau ra hiệu cho đồng đội là anh Bùi Ngọc Hùng (SN 1985, là nhân viên marketing), anh Cao Xuân Mạnh Tuân (SN 1982, tài xế) và anh Lâm Hiếu Long (SSN 1990, nhân viên ngân hàng). Các "hiệp sĩ" này đi xe không đôn dên, xoáy nòng, ăn mặc như người dân đang lưu thông bình thường để không gây sự chú ý cho bọn cướp. Anh Hùng, Tuân, Long bám theo 2 tên cướp rồi báo hướng di chuyển cho đồng đội bằng bộ đàm.


Cuộc bám đuổi lòng vòng qua khắp các hang cùng ngõ hẻm từ Q.10, sang Q.3 rồi về Q.Tân Bình mất 2 giờ. Cuối cùng 2 tên cướp cáo già, ranh mãnh biến mất dạng.


Cuộc truy đuổi ngoạn mục


Vào khoảng 23h khuya cùng ngày, trong lúc đang "tuần tra", các "hiệp sĩ" thấy vụ tai nạn giao thông trên đường thì dừng xe hỏi tình hình bị thương của nạn nhân, cảnh báo nhiều đối tượng lợi dụng tai nạn móc túi rồi gọi công an phường tới giải quyết.











"Hiệp sĩ" Lưu Viễn Thuận một lần bắt cướp.

Trong lúc gọi công an phường thì phát hiện một đối tượng đi xe Wave màu xanh BKS 54S3, mặc áo đen nẹt pô, chạy với tốc độ kinh hoàng, lập tức các anh nổ máy đuổi theo. Khi gần đuổi kịp đối tượng, anh Thuận tri hô “cướp, cướp” để thử người này có phải cướp không. Có tật giật mình, tên cướp nghe truy hô lập tức ngoái đầu lại rồi ném mũ bảo hiểm vào xe anh Thuận và rồ ga bỏ chạy.


Bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, tên cướp lao đi như bay, vượt qua rất nhiều đèn đỏ ngã tư đường. Từ đường Trần Văn Đang (Q.3), đối tượng chạy bán sống bán sống chết ngược chiều vào đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ. Nhiều lúc tưởng chừng anh Thuận và anh Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 1985, chủ xưởng sản xuất đồ Inox) đã bắt kịp tên cướp, nhưng với khả năng chạy xe điêu luyện, tên cướp liên tục đảo xe, đánh võng, lạng lách, ép xe của 2 "hiệp sĩ" không cho vượt lên chặn đầu. Tốc độ chạy xe có khi lên tới 100km/h, tôi chỉ biết nhắm mắt, ôm cứng anh Thuận và cầu trời cho không ai bị tai nạn.


Tên cướp càng ngang ngược, lỳ đòn bao nhiêu thì anh Thuận và anh Nghĩa càng quyết tâm bắt bằng được. Vừa chạy, vừa truy hô “cướp cướp” nhưng nhiều người lưu thông trên đường vẫn mặc nhiên không hề quan tâm. Tới khi anh Thuận đuổi kịp lao lên chặn đầu, ép và chộp được tên cướp trên vỉa hè đường Đinh Bộ Lĩnh (P.26, Q.Bình Thạnh) thì nhiều người tập trung lại xem.


Kiểm tra người tên cướp, tổ hiệp sĩ phát hiện có 3 chiếc điện thoại, trong đó có một chiếc iPhone 4S, một CMND tên người khác. Lực lượng cảnh sát cơ động của Phòng cảnh sát cơ động Công an TP.HCM xuất hiện, hỗ trợ áp tải tên cướp cùng phương tiện về trụ sở công an P.26 để lấy lời khai.


Về công an phường, tên cướp nói đó là điện thoại của mình, nhưng khi hỏi các tin nhắn, danh bạ trong điện thoại thì hắn không thể trả lời. Khi công an hỏi tại sao khi nghe người phía sau truy hô “cướp” thì giật mình, rồi ném mũ bảo hiểm để cản đường, tên cướp "cứng họng" hết đường cãi.


Khi khai tên họ, đối tượng lúc khai là Phạm Tấn Hùng, lúc khai là Nguyễn Tuấn Hùng, SN 1987 tại Bình Phước. Thấy chiếc xe Wave có nhiều dấu hiệu khả nghi và lời khai có nhiều mâu thuẫn, ngay trong đêm, công an P.26 chuyển tên cướp lên Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội công an Q.Bình Thạnh. Sau khi được công an P.26 lấy lời khai và viết bản tường trình sự việc, chúng tôi nhìn lên đồng hồ lúc này đã 2h sáng.


Trên đường trở về, anh Thuận cho biết sau hơn 4 năm bắt cướp, từ lúc đơn lẻ một mình, dần dần có nhiều anh em khác tham gia thấy mình tự tin hơn. Tôi hỏi: "Các anh không phải là lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm bắt cướp chuyên nghiệp, lại không được trang bị vũ khí, khi đối mặt với những tên cướp nguy hiểm có sợ nguy hiểm đến tính mạng?". Anh Thuận nói: “Tất cả các anh em trong nhóm "hiệp sĩ" đường phố chưa bao giờ tính toán thiệt hơn trong chuyện bỏ tiền đổ xăng hay tự trang bị bộ đàm. Chúng tôi chỉ nghĩ tới làm sao để giành lại được tài sản cho người bị hại, bắt các tên cướp giao cho công an, để người dân ra đường cảm thấy được bình yên và an toàn".





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP