Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bồi thường 350 triệu, bệnh viện vẫn phải chịu trách nhiệm?


Tối ngày 4/9 chị Nguyễn Thị Vinh (SN 1989, trú tại xóm 4, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) được người thân đã đưa đến Bệnh viện ĐK TP.Vinh để sinh. Sau khi làm các thủ tục nhập viện, các bác sỹ cấp cho 1 vỉ thuốc 6 viên Cloximox 500 dặn uống 3 viên và khoảng 1 tiếng sau uống 3 viên còn lại.


Tuy nhiên, chị Vinh vừa uống 3 viên đầu được 1 lát thì đột nhiên xuất hiện các triệu chứng: Tái mặt, lên cơn co giật, sùi bọt mép. Sáng ngày 5/9 gia đình sản phụ nhận đươc tin từ phía các bác sỹ tại Bệnh viện ĐK TP.Vinh cho biết cả hai mẹ con chị Vinh đã tử vong mà không cho biết nguyên nhân tử vong.


Qua đàm phán trao đổi phía Bệnh viện đa khoa TP.Vinh đã đồng ý bồi thường cho gia đình sản phụ Vinh lên đến 350 triệu đồng. Về phía gia đình sản phụ Vinh cũng cam kết không khiếu nại lên cơ quan chức năng về vụ việc trên. Tuy nhiên, trong biên bản bồi thường cho gia đình sản phụ Vinh cũng không ghi rõ nguyên nhân tử vong của sản phụ này.


Bồi thường liệu có rũ bỏ được trách nhiệm


Pháp luật hình sự chỉ ghi nhận những trường hợp nhất định cho phép hai bên đàm phán và giải quyết vụ việc mà theo đó vụ việc sẽ không bị khởi tố. Tuy nhiên, đó là những trường hợp ít nghiêm trọng quy định tại Điều 105, Bộ luật Tố tụng hình sự (chẳng hạn như trường hợp cố ý gây thương tích thuộc khoản 1, Điều 104, Bộ luật Hình sự). Như vậy, ngoài các trường hợp quy định tại Điều 105, Bộ luật tố tụng hình sự thì mọi trường hợp khác sẽ bị khởi tố bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người gây ra tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự mà không phụ thuộc vào việc thương lượng giải quyết với phía bị hại.


Bồi thường 350 triệu, bệnh viện vẫn phải chịu trách nhiệm?


Giấy tờ, biên bản làm việc giữa gia đình nạn nhân và bệnh viện


Trở lại với vụ việc sản phụ tử vong khi sinh: Nếu nguyên nhân cái chết do sự tắc trách của các y, bác sĩ thì dù phía bệnh viện và gia đình nạn nhân đã đàm phán thống nhất mức bồi thường 350 triệu đồng, gia đình nạn nhân cũng cam kết không tố cáo lên cơ quan có thẩm quyền, vụ việc vẫn được điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc đàm phán đó không có ý nghĩa xóa bỏ trách nhiệm của các lương y.


Theo thông tin ban đầu, trước khi sinh chị Vinh được cho uống 6 viên thuốc kháng sinh liều cao, xuất hiện những biểu hiện lạ sau khi uống thuốc cũng như cơ thể bầm tím bất thường lúc khâm liệm. Nguyên nhân cái chết vẫn đang được làm rõ. Tuy nhiên, nếu lỗi thuộc về phía bệnh viện thì những bác sĩ, y tá có liên quan không thể tránh khỏi bị khởi tố hình sự về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác quy định tại Điều 242, BLHS với mức án lên tới 5 năm tù. Những đối tượng này có thể bị cấm đảm nhận chức vụ, cấm hành nghề trong một khoảng thời gian nhất định.









Điều 242, Bộ luật hình sự


1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.


2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.


3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.


4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.



Hoài Thương





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP