Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Một tuổi không được làm chủ tịch hội đồng quản trị


Hữu là con trai của ông Huỳnh Uy Dũng, đang là chủ khu Du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương).


Cụ thể, trong tiệc thôi nôi, ông Huỳnh Uy Dũng cho biết ông có lập di chúc cho phép Hữu thừa hưởng toàn bộ tài sản của ông. Theo đó, kể từ ngày 21-9-2013, Hữu chính thức trở thành chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam với hơn 2.000 nhân viên. ông Dũng chỉ còn giữ lại chức tổng giám đốc; người vợ thứ hai của ông, tức là mẹ Hữu làm phó tổng giám đốc thứ nhất.


Trên một tờ báo, ông Dũng nói: “Trước mắt, vợ chồng ông và Hội đồng Giám sát gồm 10 người sẽ chỉ đạo mọi việc liên quan đến toàn bộ khối tài sản của Hữu. Đến khi tròn 18 tuổi, Hữu được tự quyết định số tài sản ấy theo di chúc của cha, mẹ để lại”.


Với tuyên bố của ông Dũng, nhiều người cho rằng Hữu là đại gia trẻ tuổi nhất Việt Nam khi mới một tuổi đã sở hữu khối tài sản khổng lồ là hàng loạt công trình, bất động sản như Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, khu dân cư trung tâm hành chính Dĩ An, KCN Sóng Thần 2, KCN Sóng Thần 3 v.v…, có tổng giá trị hàng chục ngàn tỉ đồng.



Ảnh minh họa


Tuy nhiên, theo TS Lê Minh Hùng, trưởng bộ môn Luật dân sự - Trường ĐH Luật TP.HCM, thì “không thể có việc như thế”. TS Hùng phân tích: “Vợ chồng chủ Khu du lịch Đại Nam có quyền lập di chúc để lại khối tài sản cho cậu con trai một tuổi. Thế nhưng nếu nói đứa con là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam thì điều này chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi lẽ cá nhân mới một tuổi là người không có năng lực hành vi dân sự, trong khi chủ tịch Hội đồng Quản trị là chức danh quản lý của công ty.


Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty cổ phần nếu được Hội đồng Quản trị bầu thì người đó phải là thành viên của hội đồng này và đương nhiên người đó phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tức đủ 18 tuổi trở lên. Như vậy, về pháp lý, tuy cậu bé có thể là chủ sở hữu phần vốn góp trong công ty nhưng bản thân cậu bé không thể tự mình định đoạt tài sản cũng như không có tư cách điều hành công ty. Lúc này, cậu bé phải có người đại diện hợp pháp (cha hoặc mẹ tùy theo thỏa thuận) làm người đại diện chủ sở hữu phần vốn góp để tham gia vào Hội đồng Quản trị. Ngoài ra, cần lưu ý, chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ được Hội đồng Quản trị bầu ra theo quy định của điều lệ chứ không phải theo ý chí của cá nhân ông Huỳnh Uy Dũng”.


Trao đổi thêm về việc này, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Theo khoản 1 Điều 667 Bộ luật Dân sự thì “di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế”, tức sau khi người để lại di chúc qua đời. Di chúc của ông Dũng để lại toàn bộ tài sản cho con trai một tuổi chỉ thể hiện ý chí của ông tại thời điểm ông lập di chúc. Theo Điều 664 BLDS thì di chúc vẫn có thể bổ sung, sửa đổi, thay thế, hủy bỏ bất cứ lúc nào. Vậy nên tuyên bố của ông Dũng để lại khối tài sản cho con trai hiện vẫn rất mong manh, trừ khi thay vì viết di chúc thì ông làm hợp đồng tặng cho.


Theo PHAN THƯƠNG (Pháp luật TP HCM)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP