Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Nam, nữ 'từ đủ 18 tuổi trở lên' sẽ được kết hôn


Dự thảo Luật tập trung sửa đổi 16 nhóm vấn đề, trong đó đáng chú ý có nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện kết hôn; bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo đó, dự thảo quy định tuổi kết hôn của nam, nữ là đủ 18 tuổi trở lên; sửa đổi quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thành “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”, nhưng quy định cụ thể nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống giữa họ.


Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ: Việc sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu khách quan của đời sống hôn nhân và gia đình trong tình hình mới; bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam….



Ảnh minh họa


Dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật hôn nhân và gia đình còn nhiều bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành. Đồng thời, bổ sung một số quy định mới để kịp thời điều chỉnh những quan hệ hôn nhân và gia đình đã và đang phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được Luật hiện hành quy định hoặc quy định chưa cụ thể. Dự án Luật sửa đổi 64 điều, bổ sung mới 54 điều so với Luật hiện hành.


Về tuổi kết hôn, dự án Luật quy định điều kiện tuổi kết hôn là nam, nữ phải “đủ mười tám tuổi trở lên”. Đây là tuổi đã trưởng thành, đảm bảo về thể chất, trí tuệ và tâm, sinh lý đối với cả nam và nữ. Quy định này đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của Luật hôn nhân và gia đình trong hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền công dân không phân biệt nam, nữ đủ 18 tuổi là có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, đồng thời bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và sự tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành “Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên” mới được kết hôn, như vậy, tuổi kết hôn của nam theo Luật sửa đổi đã giảm xuống 2 tuổi.


Dự án Luật sửa đổi cũng bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tình, đồng thời khẳng định Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa họ và bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con… Trên cơ sở đồng tình với Ban soạn thảo, đại biểu Đặng Ngọc Tùng đề nghị cần tính tới một số vấn đề về như họ của đứa trẻ được nhận làm con của người cùng giới tính; việc đảm bảo quyền lợi của đứa trẻ khi người cùng giới không sống chung với nhau hoặc có người mất đi.


Dự thảo Luật nghiêm cấm việc mang thai hộ vì mục đích thương mại và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với các điều kiện ràng buộc cụ thể, quy định quyền, nghĩa vụ các bên có liên quan và việc giải quyết tranh chấp. Nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của nhiều cặp vợ chồng không có khả năng sinh con. Tuy nhiên đây là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên các quy định phải rất chặt chẽ, điều kiện phải rõ ràng, bảo đảm quyền cho các bên và nhất là đứa trẻ được sinh ra.


Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ mục đích của việc mang thai hộ là nhân đạo hay thương mại. Nếu vì mục đích thương mại thì pháp luật sẽ xử lý như thế nào, bằng chế tài gì cần được làm rõ. Đại biểu Đặng Ngọc Tùng đánh giá việc mang thai hộ là nhu cầu xã hội nên cần có quy định để đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ mang thai hộ và cả vợ chồng người nhờ mang thai hộ, làm căn cứ để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế.


Theo Quang Minh (Pháp luật Việt Nam)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP