Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Góp ý sửa đổi BLHS: Phi hình sự hóa nhiều tội


Những tội dự kiến được loại bỏ gồm tội kinh doanh trái phép, tội cho vay nặng lãi, tội làm tem giả, vé giả, tội buôn bán tem giả, vé giả...


Nên bỏ cả tội đưa hối lộ


Nguyên vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quốc Việt đề nghị phi hình sự hóa thêm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo ông Việt, tội này không đáp ứng yêu cầu vận dụng BLHS công khai, minh bạch vì cấu thành không rõ ràng, ranh giới giữa có tội hay không rất mơ hồ, gây lo ngại cho giới kinh doanh. Ông Việt cho rằng trên thực tế, tội này chỉ là “cái túi” để chứa đựng tất cả hành vi mà không thể xử được về các tội khác.


“Năm 1999, Ban soạn thảo BLHS sửa đổi khi đó đã mời các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà làm thực tiễn đến họp, cho ý kiến với tinh thần cố gắng liệt kê hết các hành vi phạm tội bị coi là cố ý làm trái... Kết quả là không ai liệt kê hết được” - ông Việt kể. Cũng theo ông Việt, khi thông qua BLHS 1999, Quốc hội đã biểu quyết về vấn đề giữ hay bỏ tội này. Kết quả, chỉ với hai lá phiếu nhiều hơn, tội này đã được giữ lại.



Nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế cho biết vừa qua trên nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo, kể cả ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị bỏ tội đánh bạc, tội chứa mại dâm, thậm chí cả tội đưa hối lộ để gỡ bỏ rào cản cho những người tố cáo tham nhũng. “Ban soạn thảo nên đưa vấn đề này vào báo cáo để trao đổi” - ông Quế nói.


Song song đó, Ban soạn thảo cũng nghiên cứu đề xuất hình sự hóa một số hành vi nguy hiểm cho xã hội thường xảy ra trong thời gian qua: Bóc lột, lạm dụng lao động trẻ em, đối xử tàn tệ để bóc lột sức lao động trẻ em; thành lập hoặc tham gia vào tổ chức tội phạm; chiếm đoạt, mua bán trái phép mô tạng, các bộ phận cơ thể người, thai nhi; một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội...


Thu hẹp khung hình phạt?


Một vấn đề lớn khác, dự thảo báo cáo của Bộ Tư pháp nhận định BLHS quy định khung hình phạt quá rộng, mặt khác trong nhiều khung hình phạt lại có nhiều loại hình phạt. Bất cập này khiến cho việc lựa chọn loại hình phạt hoặc quyết định mức hình phạt thiếu chính xác, thậm chí không công bằng giữa các trường hợp phạm tội tương tự nhau về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Đó là chưa kể đến việc áp dụng thiếu thống nhất, thậm chí còn tùy tiện của các cơ quan tố tụng.


Vì thế, Bộ Tư pháp đề xuất cần nghiên cứu thu hẹp khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa trong một số điều luật có khoảng cách hình phạt tù quá rộng để tạo điều kiện cho các cơ quan tố tụng vận dụng dễ dàng, chính xác. Theo đó, khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa trung bình là từ ba năm tù đến năm năm tù.


Đồng tình, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Minh Tâm phân tích việc áp dụng khung hình phạt đối với hành vi cụ thể thông qua lăng kính rất cá nhân của từng thẩm phán. Hơn nữa, “với tính nghiêm minh của hình phạt thì BLHS không thể dùng rất nhiều từ “có thể” như hiện nay được” - ông Tâm nói.


Tuy nhiên, Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ lại có cái nhìn khác: “Quy định về tội phạm mang tính khái quát chung trong khi tội phạm trên thực tế vô cùng phong phú. Vì vậy, tính tùy nghi, tính lựa chọn trong quy định và áp dụng pháp luật hình sự là cần thiết. Mọi cố gắng thu hẹp khả năng tùy nghi, phạm vi lựa chọn trong quy định và áp dụng chế tài của luật hình sự là trái quy luật, có thể gây ra những bất cập không đáng có”. Ông Độ đề xuất: “Thay cho việc thu hẹp bất hợp lý khả năng tùy nghi, phạm vi lựa chọn trong pháp luật hình sự thì cần xây dựng được đội ngũ cán bộ áp dụng pháp luật đủ năng lực”.


Sửa chế định “xử dưới khung”


Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), các thẩm phán rất trăn trở khi xét xử dưới khung hình phạt với những bị cáo có vai trò hạn chế trong chế định đồng phạm, nhất là ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS). Các bị cáo chủ mưu thường lợi dụng sự phụ thuộc của người khác hoặc chỉ cần chi một khoản tiền rất nhỏ cho người có hoàn cảnh khó khăn (chạy xe ôm, làm thuê, không có gia đình, không nơi nương tựa). Họ được bị cáo đầu vụ cho đứng tên giấy tờ nhà đất, giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp… giả mạo để bị cáo đầu vụ thực hiện hành vi lừa đảo.


“Khi đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của các bị cáo đồng phạm trong vụ án lừa đảo thì thấy vai trò của họ rất hạn chế nhưng theo quy định tại Điều 47 BLHS thì mức xử phạt phải trong khung liền kề nhẹ hơn. Do vậy nếu bị cáo đầu vụ bị xử tù chung thân thì đồng phạm thấp nhất cũng phải bảy năm tù. Bảy năm tù với họ vẫn là quá nặng nhưng nếu xử dưới khung nữa thì bản án có thể bị kháng nghị bất cứ lúc nào” - Thẩm phán Hùng kể.


Ông Đinh Văn Quế cho hay chế định trên được đưa vào BLHS do yêu cầu của thực tiễn xét xử đặt ra. “Nhiều trường hợp tòa áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt tùy tiện, từ khoản 3 vọt xuống tới tận khoản 1, thậm chí dưới cả mức thấp nhất của khoản 1” - ông Quế nói.


Tuy nhiên, cũng theo ông Quế, thực tiễn xét xử cũng có những trường hợp tòa phải “xé rào”. Do vậy, BLHS sửa đổi cần quy định thêm trường hợp đặc biệt có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhẹ hơn liền kề; đồng thời sửa đổi, bổ sung phần các tội phạm để việc áp dụng Điều 47 được thuận lợi.









Xem lại mục đích của hình phạt


Đã đến lúc cần xem lại quan điểm coi trừng trị là mục đích đầu tiên, cao nhất của hình phạt và từ đó là tác dụng răn đe của hình phạt. Quan điểm này sai lầm khi cho rằng hình phạt càng nghiêm khắc thì tính răn đe càng cao, hiệu quả phòng, chống tội phạm càng cao. Quan điểm này dẫn đến “khốc liệt hóa” hệ thống hình phạt cũng như áp dụng hình phạt trên thực tế.


Chúng tôi cho rằng mục đích của hình phạt phải là giáo dục người lầm lỗi trở thành người có ích cho xã hội. Giam hãm con người trong nỗi sợ hãi và đóng sập cánh cửa cho việc hoàn lương đối với người phạm tội… đều không thể có ý nghĩa phòng ngừa tích cực.


Ông TRẦN VĂN ĐỘ, Phó Chánh án TAND Tối ca



Theo Đức Minh (Pháp luật TP HCM)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP