Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Mang thai hộ: Ngoài mẹ đẻ con sẽ có thêm mẹ ruột


Chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo sửa đổi Luật hôn nhân gia đình đang được khá nhiều người ủng hộ và nhiều khả năng quy định về mang thai hộ sẽ chính thức được đưa vào luật trong thời gian tới.


Ngoài việc sẽ phải thay đổi một số quy định trong luật hôn nhân gia đình về xác định quan hệ cha mẹ con, vấn đề khai sinh, hộ tịch thì việc thừa nhận vấn đề mang thai hộ sẽ dẫn đến những thay đổi khác trong Bộ luật dân sự.


Cụ thể liên quan đến vấn đề thừa kế, Bộ luật dân sự quy định hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Tuy nhiên, khi chế định mang thai hộ được đưa vào luật chắc chắn phải định nghĩa lại thế nào là cha đẻ, mẹ đẻ.



Ảnh minh họa


Bởi lẽ, hiểu theo nghĩa đen thì người đẻ ra đứa trẻ do mang thai hộ không có quan hệ huyết thống hay nuôi dưỡng với đứa trẻ nên sẽ không thuộc trường hợp được thừa kế. Trong khi đó Bộ luật dân sự chưa có một thuật ngữ nào dạng như cha ruột, mẹ ruột hay cha cùng huyết thống, mẹ cùng huyết thống.


Hiện tại thuật ngữ cha đẻ, mẹ đẻ trong bộ luật dân sự vẫn gắn liền với ý nghĩa là người sinh ra đứa trẻ và có cùng huyết thống với đứa trẻ.


Thuật ngữ cha đẻ, mẹ đẻ cũng được ghi nhận trong Bộ luật dân sự khi nói về quyền thay đổi họ tên, quyền xác định dân tộc…


Chẳng hạn, đối với việc xác định dân tộc, điều 28, Bộ luật dân sự 2005 quy định: "Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của người con được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ…”.


Khi vấn đề mang thai hộ được thừa nhận, đứa trẻ sinh ra được giao cho người nhờ mang thai hộ thì những vấn đề như dân tộc, dòng họ dĩ nhiên sẽ theo người nhờ mang thai hộ. Nhưng thực tế thì người mang thai hộ lại không phải là mẹ đẻ ra đứa trẻ (hiểu theo nghĩa đen).


Do đó, những quy định nói trên của Bộ luật dân sự sẽ “lỗi thời” nếu như vấn đề mang thai hộ được đưa vào luật hôn nhân gia đình. Người sinh ra đứa trẻ sau 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau sẽ được gọi là người mang thai hộ hay là mẹ đẻ của đứa trẻ vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.


Rõ ràng cần phải có một quy định cụ thể, hướng dẫn chi tiết thế nào là cha đẻ, mẹ đẻ thế nào là cha ruột, mẹ ruột. Và rất có thể một đứa trẻ khi sinh ra sẽ có cả mẹ đẻ và mẹ ruột.









Điều 27. Quyền thay đổi họ, tên


1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:


a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;


b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;


c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;


d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;


đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;


e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;


g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.


2. Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.


3. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.


Điều 28. Quyền xác định dân tộc


1. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của người con được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ.


2. Người đã thành niên, cha đẻ và mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong các trường hợp sau đây:


a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ, nếu cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;


b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ trong trường hợp làm con nuôi của người thuộc dân tộc khác mà được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi do không biết cha đẻ, mẹ đẻ là ai.


3. Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên yêu cầu xác định lại dân tộc cho người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều này thì phải được sự đồng ý của người chưa thành niên đó.



Tạ Giang





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP