Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

'Ông Nguyễn Thanh Chấn chưa được coi là bị oan'


Trong buổi trao đổi với phóng viên báo Nguoiduatin.vn, thạc sỹ luật học Võ Xuân Đạt, phó giám đốc công ty Luật Inteco đã có những chia sẻ dưới góc độ pháp lý liên quan đến nghi án oan Nguyễn Thanh Chấn.


PV: Thời gian gần đây các cơ quan báo chí và dư luận đang bàn tán xôn xao về việc ông Nguyễn Thanh Chấn bị “oan” và đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại cho người bị “oan”, vậy theo quy định của pháp luật trong trường hợp này ông Chấn đã được coi là bị “oan” chưa thưa ông?



Thạc sỹ luật học Võ Xuân Đạt.


Trên thực tế có thể hiểu rằng trong trường hợp này ông Chấn được coi là bị “oan”, tuy nhiên theo quy định của pháp luật và thực tế đến thời điểm hiện tại thì ông Chấn chỉ mới có quyết định tạm đình chỉ thi hành án và Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mới ra quyết định hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại vụ án.


Do đó, để được coi là bị “oan” cần có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định ông Chấn không thực hiện hành vi phạm tội. Vấn đề bồi thường thiệt hại cho ông chấn cũng sẽ được xem xét khi có bản án hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định ông Chấn không thực hiện hành vi phạm tội.


PV: Giả sử, Lý Nguyễn Chung có đủ yếu tố để cấu thành hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản” thì anh ta phải đối diện với mức án như thế nào?


Nếu như vậy thì tại thời điểm anh ta thực hiện hành vi phạm tội anh ta dưới 16 tuổi (14 tuổi 8 tháng) như vậy phải áp dụng những quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) về người chưa thành niên phạm tội. Theo quy định về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội tại Điều 69 BLHS năm 1999 thì “Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng”.


Theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 BLHS năm 1999 quy định về hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên thì: “Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định”.


Như vậy, mặc dù giả sử trong trường hợp đối tượng Chung phạm vào hai tội có mức cao nhất của khung hình phạt đều là tử hình nhưng áp dụng các quy định của Điều 74 và Điều 75 của BLHS năm 1999 thì đối tượng chung chỉ có thể chịu mức hình phạt cao nhất là không quá 12 năm tù.


Như báo Nguoiduatin.vn đã có loạt bài phản ánh về vụ việc cách đây hơn 10 năm, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp … dẫn đến tử vong.


Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự để tiến hành điều tra. Từ một số thông tin ban đầu, ngày 30/8/2003, Cơ quan điều tra đã mời ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me) đến trụ sở làm việc để lấy lời khai.


Căn cứ tài liệu điều tra ban đầu ngày 28/9/2003, Cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giữ với ông Nguyễn Thanh Chấn; tiếp đó, ngày 29/9/2003, đã ra Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam với Ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh giết người.


Ngày 3/12/2003, cơ quan điều tra đã ra bản kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ để nghị Viện kiểm sát truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người. Ngày 10/2/2004, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ra bản Cáo trạng – quyết định truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người theo quy định tại điểm n, khoản 1, điều 93 Bộ Luật Hình sự.


Đến ngày 26/3/2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân; bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo. Ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm.


Trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan. Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có viện KSND tối cao và TAND tối cao xem xét. Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ của phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn cũng có đơn kêu oan cho chồng.









Ngày 6/11, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra xét xử theo trình tự tái thẩm vụ án giết người xảy ra hơn 10 năm trước tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định chấp nhận kháng nghị của viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm tuyên án tù chung thân về tội giết người đối với ông Nguyễn Thanh Chấn để điều tra lại vụ án. Một trong những căn cứ để Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đưa ra xem xét đó là sự việc ngày 25/10/2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung (cùng trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối 15/8/2003 để cướp tài sản, đây được coi là tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án.


Trước đó, ngày 29/10/2013 VKSNDTC đã có Quyết định khởi tố vụ án số 17/QĐ-VKSTC-C6 ngày 29/10/2013, quyết định khởi tố vụ án hình sự “Giết người” và “Cướp tài sản” xảy ra tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang, quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam bị can đối với Lý Nguyễn Chung (Sinh năm 1988, tại xã Nhượng Bạn, Lọc Bình, Lạng Sơn, nơi đăng ký nhân khẩu thường trú và chỗ ở tại thôn Đoàn Kết, xã Eaka Mút, huyện Eakar, Đắc Lắc) về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Như vậy đối tượng Lý Nguyễn Chung đang phải đối diện với hai tội danh đặc biệt nghiêm trọng

Băng Tâm (ghi)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP