Ông Chấn tiết lộ về việc bị 'đầu gấu' hành hạ trong tù
Hồng "hiển' bắt tôi làm đủ kiểu
Sau 10 năm ở tù, ông Chấn vẫn sợ hãi khi gặp người lạ, khuôn mặt phờ phạc, hốc hác. Ông không muốn nhớ đến những ngày ở trong tù, bởi với ông, đó là những ngày kinh hãi hơn địa ngục.
Ông Chấn nói: "Khi tôi bị bắt, bị đánh đập, bắt phải nhận tội, bản thân tôi từ bé mất bố, không có bố bảo vệ nên không am hiểu lắm, cứ phải nhận theo, họ không cho ngủ, không cho ăn mà cho ăn cũng không ăn được.
Khi đó, ép cung tôi là Nguyễn Duy Tân, Trần Nhật Luật, Ngô Đình Dung, Nguyễn Văn Dũng... Riêng Nguyễn Văn Dũng là người trực tiếp viết giấy triệu tập lần 2, khi tôi bảo cán bộ Dũng là sao chưa có giấy triệu tập lần 1 mà đã có lần 2 thì cán bộ Dũng bảo là nhầm".
Sau 10 năm tù, ông Chấn thấy sợ hãi khi gặp người lạ.
Ông Chấn kể tiếp: “Khi tôi bị bắt thì cán bộ Luật cầm búa bảo là tao cho mày cái búa vào đầu cho mày chết đi, cán bộ cứ dọa dẫm nên tôi sợ hãi phải nhận để khi ra tòa tôi kêu oan, nhưng không hiểu thế nào tòa lại xử như thế. Khi tôi phát biểu tại tòa thì người dân đến dự ở phiên tòa cứ cười um lên, người ta không tin, còn bảo là ai lại giết người kiểu ấy".
“Đến khi tôi vào trong trại thì bị chuyển một đêm 3 buồng, khi chuyển vào buồng G6, sau mới biết là Phạm Duy Hồng (tức Hồng “hiển”) bắt tôi làm đủ kiểu để hành hạ, bắt làm thế nào thì tôi phải làm theo, thôi nói điều ấy ra thì không tiện”- ông Chấn buồn bã nói.
Theo ông Chấn, trong suốt quá trình 10 năm ở trại giam ông liên tục viết đơn kêu oan gửi tới các ban ngành ở trung ương nhưng không hiểu sao cứ bặt vô âm tín.
'Hành trình' vụ án oan
Sáng nay, 4/11 Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn bản chính thức về việc kháng nghị tái thẩm và tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân về tội Giết người, sau 10 năm kể từ ngày phạm nhân Chấn thụ lý án tại trại giam.
Theo thông báo chính thức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cách đây hơn 10 năm, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp … dẫn đến tử vong.
Ngày 26/3/2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân; bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo. Ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm.
Ông Chấn được trở về nhà sau 10 năm tù oan.
Trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan. Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có viện KSND tối cao và TAND tối cao xem xét. Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ của phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn cũng có đơn kêu oan cho chồng.
Ngày 4/11/2013, viện trưởng viện KSND tối cao Nguyễn Hoà Bình đã ký quyết định số 01/QĐKNTT-VKSNDTC kháng nghị tái thẩm bản án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Cùng ngày, phó viện trưởng viện KSND tối cao Lê Hữu Thể ký quyết định số 04/QĐTĐCTHA tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.
Theo thông tin chính thức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 15/10/2013 đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15/8/2003 để cướp tài sản.
Được biết Lý Nguyễn Chung, thường trú ở thôn Me, xã Nghĩa Chung, Việt Yên, Bắc Giang. Sau 10 năm gây án Chung đã thấy dằn vặt, sống không yên nên đã ra đầu thú.
Ngọc Trinh (tổng hợp)
www.nguoiduatin.vn