Giải mã hiện tượng hàng loạt vụ giết người phi tang xác
Đây được xem là tiếng chuông cảnh báo sau những hành vi phạm tội được các chuyên gia tội phạm học ví như đỉnh điểm của hành động man rợ.
Rúng động những hành vi man rợ phi nhân tính
Vụ án kinh hoàng xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) với hành vi phi tang xác nạn nhân chưa nguôi thì dư luận lại "dậy sóng" bởi sự vụ một phụ nữ đang tay giết chồng vì mâu thuẫn... tiền bạc. Nạn nhân được xác định là anh Dương Đình B. (44 tuổi), trú ở xóm Huống, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Xác anh B. được người dân vớt từ dưới sông lên trong tình trạng có nhiều vết đâm trên người, vào chiều ngày 14/11/2013.
Câu chuyện càng trở nên "lạnh người" hơn khi hung thủ không ai khác chính là người vợ bấy lâu nay "đầu gối, má kề" với anh B.. Tại cơ quan công an, Trương Thị Thưa (vợ anh B.) đã thừa nhận hành vi giết, phi tang xác chồng đầy độc địa. Cụ thể, tối ngày 10/11, sau khi đâm chết chồng, Thưa quấn thi thể anh B. trong vỏ chăn, nhét vào túi nilon, đặt trong cốp xe ô tô.
Không yên tâm, Thưa lấy xác chồng ra và cho vào chiếc thùng tôn dài 1,3m, đặt ở ghế sau chiếc ôtô 4 chỗ rồi lái xe lên gặp cậu họ là Nguyễn Văn Hồ ở Lạng Sơn nhờ phi tang giúp. Thưa nói với cậu họ là Nguyễn Văn Hồ rằng, chồng mình bị xã hội đen sát hại, do sợ chúng trả thù đến tận gốc, đào mộ lên lấy xác nên nhờ cậu chôn giúp. Thưa bỏ thùng giấu xác chồng tại quán của Hồ rồi quay về Thái Nguyên. Chiều tối, Hồ điện thoại, không đồng ý giúp và dọa báo công an nên Thưa tìm cách mang xác chồng về lại Thái Nguyên. Thưa nhờ người bạn thân thuê xe, nói dối với chủ xe, thùng tôn đựng thịt trâu cần chuyển về Thái Nguyên nhưng mục đích là đem xác chồng về để phi tang xuống sông.
Xác nạn nhân mà bác sỹ Tường (áo trắng, giữa) phi tang đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Thêm một vụ án khác đau lòng diễn ra tại Vĩnh Phúc, khi những người dân trong KCN Khai Quang bàng hoàng phát hiện một cẳng chân người nổi lập lờ trên mặt hồ nước thải. Thông tin này ngay lập tức được thông báo về công an tỉnh Vĩnh Phúc. Xác người chết lúc đó gần như đã bị phân hủy hết, cơ quan chức năng phải tiến hành mò và trục vớt các phần thi thể bị chìm dưới đáy hồ. Nạn nhân được xác định là Lê Thị Thúy N. (SN 1988), quê tại huyện Thanh Ba, Phú Thọ, nữ công nhân làm việc cho công ty của KCN. Sau hơn một tháng điều tra, công an đã xác định hung thủ gây ra cái chết của N. chính là Nguyễn Văn Diễn (SN 1988), quê gốc tại xã Diễn Xuân, Diễn Châu, Nghệ An.
Lệnh bắt được thực hiện, tại cơ quan công an, Diễn khai nhận, ngày 19/8, N. điện thoại cho Diễn hẹn đi chơi và đi xe máy qua nhà đón Diễn. Diễn đã chở N. ra khu vực hồ xử lý nước thải KCN Khai Quang để tâm sự. Trong khi tâm sự, Diễn hỏi vay tiền nhưng N. từ chối với lý do là không có tiền. Không vay được tiền, Diễn quay sang gạ gẫm mượn xe máy của chị N. để mang đi cắm vì trước đây khi còn yêu nhau Diễn đã từng cho chị N. 2 triệu đồng để mua xe máy.
Tuy nhiên, chị N. đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị của Diễn. Vì lý do này mà 2 người xảy ra cãi vã. Diễn đã tát chị N. rồi sau đó vòng ra sau lưng dùng tay siết cổ chị N. cho đến khi chị N. tắt thở. Biết chị N. đã chết, Diễn bê xác chị N. rồi vứt xuống mép hồ sau đó dùng cành cây khô phủ lên và chiếm đoạt chiếc xe máy, điện thoại, thẻ ATM và các giấy tờ chị N. mang theo. Lúc bị bắt, Diễn đã khai với các điều tra viên, sau ngày giết chị N., Diễn luôn bị ám ảnh có những hôm 1-2h sáng Diễn còn cầm nén hương từ chỗ trọ ra hiện trường để thắp cho chị N..
Hẳn đến giờ mọi người vẫn chưa thể quên vụ án mang tên Nguyễn Đức Nghĩa với hành vi chặt người yêu thành từng mảnh phi tang. Mặc dù mức án tử hành đã được dành cho y, nhưng không ít người phải rùng mình đặt câu hỏi, vì sao hành vi giết người rồi phi tang xác hết sức man rợ lại xảy ra liên tục trong những năm gần đây?
Tác động yếu tố xã hội và gia đình
Nhìn từ góc độ chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, ông Đặng Vũ Cảnh Linh (Hội Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng: Từ thực tiễn nhận thấy, tội phạm thường có một diễn biến tâm lý chung, đó là "lỡ" làm cái này thì phải làm cái khác. Như một số đối tượng "lỡ" thực hiện hành vi hiếp dâm, khi bị nạn nhân chửi bới, đe dọa tố cáo, vì sợ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, hung thủ giết nạn nhân để bịt đầu mối. Có thể ban đầu, ý định giết người không có trong đầu hắn.
Với diễn biến tâm lý đó, có thể suy đoán trong những sự việc, vì "lỡ" mở thẩm mỹ viện trái phép, "lỡ" phẫu thuật để bệnh nhân chết, nhận thấy nếu để xác bệnh nhân nằm đấy, nguy cơ bị phát hiện xử lý, đi tù là rõ ràng; rồi vì "lỡ" ngăn cản chồng không được, "lỡ" gây ra cái chết... Trong khoảng thời gian cực ngắn, các đối tượng này đã nảy sinh ý định ném xác phi tang để trốn tội. Hành động diễn ra trong tình thế quẫn bách, tâm lý sợ hãi cao độ, rõ ràng là mang tính chống chế đối phó.
Cũng theo ông Linh, tội phạm bạo lực có thể chia thành hai loại. Một loại là tội phạm hành động có kịch bản rõ ràng, bố trí kế hoạch thực hiện cụ thể và chi tiết. Hung thủ có đầu óc tỉnh táo, "ra tay" rất lợi hại. Loại này được mệnh danh là tội phạm bạo lực có tổ chức. Hai là loại tội phạm hành động tùy hứng, nghĩ gì làm đó, không cần chuẩn bị trước. Các nhà chuyên môn gọi chúng là tội phạm bạo lực và vô tổ chức.
Thực tế, ngoài hai loại tội phạm bạo lực nói trên, các chuyên gia tâm lý hình sự còn dùng một tên gọi riêng cho đối tượng thứ ba. Đó là tội phạm hỗn hợp. Điều này cho thấy, việc phân loại tội phạm chỉ mang tính tương đối. Thông thường, có 4 giai đoạn tâm lý trong quá trình phạm tội. Trong giai đoạn đầu, người phá án phải suy nghĩ về những sự việc trước khi hung thủ ra tay hành động.
Tiếp theo là giai đoạn chính thức phạm tội. Người phá án phải trả lời câu hỏi vì sao hung thủ chọn đối tượng và hành vi phạm tội này. Ngoài hành vi sát hại, hung thủ có thể lăng nhục, cưỡng dâm, hiếp dâm hay thực hiện những hành vi nào khác không? Ba là giai đoạn hung thủ "xử lý" thi thể nạn nhân và bốn là giai đoạn "hậu kỳ". Lúc này có hung thủ cao chạy xa bay, có tên vẫn có mặt ở hiện trường, xuất hiện trong tang lễ hoặc nơi huyệt mộ nạn nhân.
Thượng tá - Tiến sỹ Nguyễn Minh Đức, phó giám đốc trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, qua nghiên cứu từ số phạm nhân phạm tội giết người đang thụ án tại các trại giam cho thấy, tội phạm giết người, đặc biệt là số vụ án giết người có tính chất dã man như thời trung cổ có một phần xuất phát từ sự gia tăng của yếu tố bạo lực trong xã hội và các yếu tố tiêu cực từ gia đình.
Gia đình có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc hình thành nhân cách và các đặc điểm tâm lý cá nhân, đặc biệt đối với trẻ em và nhóm đối tượng ở độ tuổi vị thành niên. Những người phải chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình từ khi còn nhỏ thì khi lớn lên người ấy dễ mang tính bạo lực và sẽ dẫn đến có những hành vi lệch chuẩn. Đa số các vụ giết người mang tính bạo lực là bị ảnh hưởng của bạo lực gia đình hoặc một trong những người đó có lối sống thiếu lành mạnh. Sự ảnh hưởng này dẫn đến tư tưởng giải quyết mâu thuẫn bằng hành vi bạo lực, đặc biệt ở nhóm đối tượng là thanh niên, đã từng chứng kiến hành vi phạm tội và hành vi bạo lực trong gia đình.
Nghiên cứu khiến nhiều người giật mình "Qua nghiên cứu nhiều năm, chúng tôi thường gắn dạng hành động giết người rồi phi tang xác bằng những thủ đoạn man rợ với biến đổi gen. Người có biến đổi gen ở Nhiễm sắc thể số 23 (XY hoặc XYY) là những người nam tính rất mạnh. Hành động của họ ở một thời điểm không kiềm chế được bản thân là rất hung bạo và không "ghê" tay"- PGS.TS. Trương Công Am (trưởng bộ môn Tâm lý tội phạm - Học viện An ninh nhân dân). |
Trần Quyết
www.nguoiduatin.vn