Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Khăn tang phủ trắng phiên tòa không có bị hại


Ở tuổi 60, người phụ nữ ấy vẫn ngày ngày cầm đơn đi kêu oan hết nơi này đến chốn khác cho một lỗi lầm mà theo bà là mình hoàn toàn không gây ra gần 20 năm về trước. Giờ đây, gần 10 năm sau khi hình phạt 5 năm 6 tháng tù đã chấp hành xong, chồng bà đã tự vẫn vì bất lực trước cảnh tù oan của vợ, 4 trong 5 người con đều vướng vòng lao lý và 1 đang mắc HIV giai đoạn cuối. Song điều bất ngờ hơn tất cả là các bị hại của vụ án năm nào bỗng xuất hiện và sẵn sàng ra tòa đối chất để chứng minh bà Hằng hoàn toàn vô tội…


Tháng 3/1998, bị cáo Đỗ Thị Hằng (SN 1953, trú tại phường Mỹ Độ, TP. Bắc Giang) gần như quỵ ngã trong vành móng ngựa khi nghe HĐXX tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “mua bán phụ nữ” và “lừa đảo chếm đoạt tài sản của công dân” sau khi đã dành phần lớn thời lượng được phép nói để kêu oan và “tố” bị ép cung. Khi được nói lời cuối, người phụ nữ này đã không khóc nữa mà quyết định nhìn thẳng vào mắt những người đang ngồi ở tầng ghế trên để đọc một bài thơ ngắn, nói về số kiếp cay đắng của mình. Ở hàng ghế dưới, 5 người con nhỏ của bị cáo trong những tấm khăn xô, khóc thương mẹ, xót bố (người bố vừa qua đời trước đó chỉ 1 ngày). Cả 3 bị hại, gồm chồng của người phụ nữ bị bán và 2 người được cho đã bị Hằng chiếm đoạt tiền đều vắng mặt...



Bà Hằng lên Hà Nội, nhờ cậy luật sư và báo chí để tìm công lý.


Lại 1 người Bắc Giang kêu bị tù oan


Tôi vẫn quyết định đến quán cà phê nhỏ cuối đường Láng (Hà Nội) theo lời hẹn gặp của luật sư, thạc sỹ Phạm Thanh Bình (Giám đốc công ty luật Bảo Ngọc – đoàn Luật sư TP. Hà Nội) mặc dù trước thời điểm hẹn gặp chỉ 15’, vị luật sư này báo có việc bận đột xuất không thể có mặt và để lại trong máy di động của tôi một dòng tin nhắn: “Em gọi cho bà Hằng án oan, số điện thoại: 09xxxxxxxx, bà ấy chờ sẵn ở đấy rồi”. Tin nhắn khiến tôi khá bất ngờ vì khi hẹn gặp, luật sư Bình không hề đề cập đến công việc liên quan đến người thứ 3.


Tôi bước chân vào quán khi đã quá giờ hẹn gần 10’. Quán vắng tanh, không một bóng người. Tôi bấm máy theo số điện thoại được cho và đưa mắt đảo quanh thì thấy từ một gốc cây cách quán chừng 20m, một người phụ nữ dáng người nhỏ thó, lật đật ngồi dậy rồi tất tả chạy về phía quán. Người phụ nữ ấy là Đỗ Thị Hằng. Một lúc sau, khi đã yên vị trên chiếc salon khổ lớn, tôi mới có dịp quan sát kỹ hơn người phụ nữ đến từ Bắc Giang. Trước mặt tôi, bà Hằng vẫn đội xùm xụp một chiếc mũ vải cũ kỹ, ăn mặc tuềnh toàng, gương mặt đen đúa, khắc khổ nhưng bù lại là một đôi mắt sáng.


Bà Hằng mở đầu câu chuyện bằng một số thông tin mới, gương mặt bà thoáng tươi hơn: “Sáng 20/11, tôi đã lên Cục điều tra, VKSND Tối cao để nộp bổ sung một số hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan này, đồng thời tôi cũng đã nộp đơn kêu oan tới Văn phòng Chủ tịch nước. Trước đó, đã có 2 cán bộ thuộc VKSND Tối cao về tận nhà tôi ở Bắc Giang để làm việc rồi. Hy vọng lần này sẽ được suôn sẻ”. Tôi lờ mờ hiểu, có lẽ người phụ nữ này lên Hà Nội gặp luật sư Bình và tôi, PV báo ĐS&PL, để kêu oan.


Trong xấp tài liệu cả trăm trang giấy, tôi nhận ra bản án số 72/HSST ngày 24/3/1998 của TAND tỉnh Bắc Giang do Thẩm phán Nguyễn Tư Khoa làm chủ tọa, tuyên phạt bà Hằng 5 năm 6 tháng tù, có nội dung chính như sau:


“Chị Dương Thị Liễu ở thôn Vạn Thạch, xã Hoàng Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang kết hôn cùng anh Nguyễn Tuấn từ năm 1983 và đã có 2 con. Ngày 13/9/1994, do mâu thuẫn với chồng, chị Liễu bỏ nhà đi đến khu vực kè Gia Tư thì gặp và làm quen với 1 người phụ nữ tên là Hoàng Hồng ở thôn Bảo An, xã Hoàng An. Thấy Liễu ngỏ lời nhờ giúp đỡ việc làm ăn, Hồng bảo Liễu còn để hỏi xem và sau đó mời Liễu về nhà chơi. Do quen biết Phạm Văn Ngọ ở Chi Ly, Bắc Giang từ trước và biết người đàn ông này có đường dây buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc nên Hồng đã quyết định lên nhà Ngọ để bàn bạc kế hoạch bán chị Liễu sang Trung Quốc.


Sáng 14/9/1994, sau khi bàn bạc, Hồng thống nhất giá bán chị Liễu là 800.000đ (số tiền này mua được gần 2 chỉ vàng thời điểm đó). Ngọ sau đó sang nhà Đỗ Thị Hằng ở Mỹ Độ (2 nhà chỉ cách nhau 1 đoạn đường ngắn– PV) tiếp tục bàn bạc kế hoạch đưa chị Liễu đi Trung Quốc.


Về phần Hồng, sau khi ở nhà Ngọ về, tối 14/9/1994, Hồng đưa chị Liễu xuống nhà Ngọ. Sau đó Ngọ sang nhà Hằng rồi thống nhất kế hoạch: 5h sáng hôm sau hẹn gặp ở cửa hàng Bách hóa tổng hợp thị xã Bắc Giang (thời điểm ấy chưa lên thành phố - PV) để lên đường. Đúng hẹn, Ngọ đưa Liễu ra gặp Hằng và cả 3 lên Lạng Sơn, qua cửa khẩu Tân Thanh, sau đó đi sâu vào Trung Quốc khoảng 100km vào nhà một phụ nữ Việt Nam cũng tên là Hằng lấy chồng Trung Quốc để tìm cách bán Liễu. Khoảng 8 ngày sau, người phụ nữ này đã giúp Ngọ và Đỗ Thị Hằng bán chị Liễu cho một người đàn ông Trung Quốc được 1.000 tệ. Sau khi bán Liễu xong, Hằng và Ngọ về Tân Thanh đổi tiền và chia nhau. Sau khi vụ án bị phát hiện, Hằng bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã”.



Xấp đơn kêu oan của bà Đỗ Thị Hằng.


15 năm và hy vọng vào “tờ giấy giải oan”


Ngoài tội buôn bán phụ nữ, bản án cũng buộc Đỗ Thị Hằng thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi lợi dụng mối quan hệ bạn bè, làng xóm để chiếm đoạt tổng cộng 700.000đ và 20kg gạo nhưng sau đó lẩn tránh không trả. Bản án cũng ghi rõ thái độ của người phụ nữ này tại phiên tòa hôm đó là “chối tội”, “không thừa nhận cùng Ngọ đưa chị Liễu đi Trung Quốc bán”, “không thừa nhận lừa đảo” và “kêu bị ép cung” nhưng sau đó đều bị gạt đi bởi lý luận của HĐXX: “Xem xét lời khai của Đỗ Thị Hằng tại phiên tòa hôm nay, HĐXX thấy không chấp nhận được bởi lẽ: Thị Hằng là một người có văn hóa lại từng trải việc đời, thị không thể thờ ơ, nhắm mắt mà ký vào các bản cung ở cơ quan điều tra chính thị đã thừa nhận thị cùng Ngọ đưa chị Liễu sang Trung Quốc bán và được hưởng 400.000đ”.


Về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tôi chỉ thấy bản án ghi nhận lời khai của Hằng và các con là đã trả hết nợ cho anh Phương, chỉ còn nợ chị Mỹ và hoàn toàn không có ý định lừa đảo nhưng không thấy chi tiết gì được ghi thêm về tội danh này. Hỏi ra được biết, tại phiên tòa hôm đó, cả anh Phương lẫn chị Mỹ đều không có mặt để đối chất nên HĐXX cứ “mặc định” theo lời khai của chị Hằng để tuyên phạt.


Trầm ngâm một lúc bà Hằng run run nói: “Nay tôi có “cái này”, rất mong anh và Tòa soạn xem xét để giải oan cho tôi”.


Nói đoạn, người phụ nữ đưa cho tôi 2 tờ giấy viết tay, bản gốc, có chữ ký và dấu đỏ của địa phương. Một tờ có nội dung chị Dương Thị Liễu khẳng định chị Hằng không phải là người bán chị đi Trung Quốc. Tờ còn lại, chị Khổng Thị Mỹ khẳng định chưa bao giờ kiện cáo chị Hằng. Khoản tiền vay từ năm nào là xuất phát từ tình chị em đùm bọc nhau lúc khó khăn. Cả hai đều cam kết sẵn sàng ra tòa làm chứng cho chị Hằng...









Ra tù, dọn bàn thờ mới biết chồng tự vẫn


“Lúc tôi bước chân khỏi xe thùng để vào phòng xét xử, thấy 5 đứa con tôi mặc áo xô chạy ùa ra khóc lóc mới biết tin chồng tôi vừa chết trước đó đúng 1 hôm, các con bảo chồng tôi bị ngã xuống ao chết đuối. Tại phiên tòa, cả 3 bị hại gồm anh Tuấn (chồng chị Liễu), anh Phương và chị Mỹ đều không có mặt. Tôi đòi phải có đủ các bên mới xử nhưng bị gạt đi và vẫn tuyên phạt tôi hoàn toàn dựa vào bản cung tôi ký. Nhà nghèo tôi đành chấp nhận đi tù, khi ra tù lúc dọn bàn thờ mới biết chồng tôi tự vẫn chứ không phải bị ngã.



Long Nguyễn





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP