Luật sư ‘tranh luận’ về giết con mới đẻ hay giết người
Tội Giết con mới đẻ (điều 94 Bộ luật hình sự) về bản chất khác nhiều so với tội Giết người (điều 93 Bộ luật hình sự). Chế tài hình phạt của hai tội này cũng hoàn toàn khác nhau. Đối với tội Giết người nếu nạn nhân là một đứa trẻ thì người phạm tội phải gánh chịu khung hình phạt rất cao, thậm chí lên đến tử hình. Thế nhưng, nạn nhân cũng là đứa trẻ, song rơi vào trường hợp cấu thành tội Giết con mới đẻ thì người phạm tội chỉ phải chịu hình phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Khi vấn đề mang thai hộ có thể sẽ được thừa nhận trong Luật hôn nhân và gia đình thì một đứa trẻ sinh ra không phải là con ruột của người mang thai hộ nếu người này giết đứa bé thì sẽ mang tội giết con mới đẻ hay giết người?
Ảnh minh họa
Chia sẻ với phóng viên báo Nguoiduatin.vn luật sư Phạm Thị Hương cho rằng: “Vấn đề mang thai hộ, nếu được ghi nhận trong Luật hôn nhân gia đình sửa đổi thì sẽ có quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về quan hệ pháp luật có liên quan đến vấn đề này.
Về tội Giết con mới đẻ, sở dĩ hình phạt nhẹ là do mối quan hệ đặc biệt giữa người phạm tội và nạn nhân và nguyên nhân chính là do xem xét đến yếu tố tâm, sinh lý đặc thù của người phạm tội, kết quả nghiên cứu và thực tế đã khẳng định phụ nữ sau sinh thường có tâm lý không ổn định, dễ bị tổn thương nên dễ có những hành vi ngoài tầm kiểm soát.
Chính vì vậy, mặc dù không phải là mẹ đẻ nhưng người mang thai hộ cũng phải trải qua thời kỳ mang thai và quá trình sinh nở vất vả, căng thẳng và mệt mỏi nên sau khi sinh họ cũng có tâm, sinh lý không ổn định như các bà mẹ bình thường khác. Theo ý kiến cá nhân thì tôi cho rằng vẫn nên xác định tội giết con mới đẻ đối với người mang thai hộ”.
Ngược lại với quan điểm của luật sư Phạm Thị Hương, luật sư Phạm Tiến Quyển, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho hay: "Đã là mang thai hộ mà giết đứa trẻ thì phải là Giết người theo điều 93 Bộ luật hình sự".
Theo luật sư Quyển: “Rõ ràng chủ thể của tội Giết con mới đẻ phải là người "do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt. Chỉ cần chứng minh người đó không phải do lạc hậu, do hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà dẫn đến giêt đứa trẻ thì là tội Giết người. Mang thai hộ yêu cầu người mang thai phải có trình độ, hiểu biết nhất định cho nên rất khó để nói rằng người này có tư tưởng lạc hậu được.”
Điều 93. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. (...) Điều 94. Tội giết con mới đẻ Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. |
Băng Tâm (ghi)
www.nguoiduatin.vn