Việt Nam có thể kiện Trung Quốc theo hướng nào?
...cố tình hiểu, giải thích và áp dụng các quy định của Công ước Luật biển năm 1982 sai để chiếm thềm lục địa của VN.
Theo Luật sư Lê Thanh Sơn, Việt Nam cần lựa chọn hình thức kiện sao cho hợp lý nhất. Trước khi kiện, Việt Nam có thể gửi thư lên Tổng thư ký Liên Hợp quốc hoặc là có công hàm chính thức gửi lên Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu Hội đồng ra nghị quyết cho vấn đề này.
Nếu trong khi chúng ta vẫn còn phải cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện vụ kiện dân sự. Nguyên đơn có thể là PetroVietnam hoặc Hội nghề cá Việt Nam kiện Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc vì trong quá trình hoạt động, họ bị phía Trung Quốc ngăn cản, không cho tiếp cận phạm vi cách đảo Lý Sơn khoảng 10 hải lý.
“Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hiện nay kể cả một ngư dân Việt Nam cũng có quyền khởi kiện Trung Quốc, những vụ kiện này là do pháp luật Việt Nam xét xử, hoàn toàn theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, hoàn toàn mang tính chất dân sự,” ông Sơn nhấn mạnh.
“Tôi cho rằng vụ giàn khoan khoan trái phép này là môt cơ hội rất tốt cho Việt Nam khởi kiện Trung Quốc”, Luật sư Lê Thanh Sơn cho biết.
Cũng theo ông, "Việt Nam có rất nhiều và quá đủ bằng chứng pháp lý để kiện Trung Quốc. Hiện nay, các bằng chứng này đang nằm ở nhiều nơi, cho nên tôi nghĩ rằng, để tạo ra vụ kiện này cần phải tập hợp, xây dựng và củng cố lại các chứng cứ.”
Ông cũng nhận định, trong quá trình khởi kiện có thể sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, điều quan trọng là Việt Nam cần thu hút được các tổ chức quốc tế, các luật sư quốc tế, đặc biệt là các luật sư người Việt Nam ở nước ngoài để họ chia sẻ, trợ giúp chúng ta.
“Tôi tin rằng Việt Nam sẽ thắng trong vụ kiện này vì chúng ta có cơ sở pháp lý, vấn đề chúng ta có khởi kiện hay không”, Luật sư Sơn nói.
Trước câu hỏi của phóng viên về khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng "bài" không chấp nhận tham gia vụ kiện, như trong vụ kiện của Philippines, Luật sư Lê Thanh Sơn cho biết: “Họ phủ quyết là quyền của họ, chúng ta không kiện về vấn đề giải quyết tranh chấp vì đây không phải là tranh chấp mà là xâm chiếm vào vùng lãnh hải của Việt Nam. Nếu mà ta nói tranh chấp thì ta bị lừa vì họ muốn đang biến cái không có thành có.”
“Ta kiện họ về vấn đề họ cố tình đánh tráo khái niệm, họ cố tình hiểu, giải thích và áp dụng các quy định của Công ước Luật biển năm 1982 sai để chiếm thềm lục địa của chúng ta. Nếu họ bác bỏ, ta vẫn có một phiên tòa hợp pháp,” ông cho hay.
Các nước ASEAN cũng nhận thức rất rõ nguy hiểm từ thái độ hung hăng của Trung Quốc vì có thể đến một ngày nào đó, giàn khoan bất hợp pháp sẽ được di chuyển đến phần lãnh thổ của nước họ. “Tôi cho rằng hành động của các nước ASEAN sẽ cần phải sâu sát hơn nữa để đối phó với sự ngang ngược của Trung Quốc”, ông nói.
Theo Báo Dân trí
Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.
www.nguoiduatin.vn