Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm lại cuộc sống bình yên sau khi bị vướng oan sai


Không cần phải nhìn lại những tháng ngày đen tối trong quá khứ, mà chỉ cần chứng kiến cảnh sống của họ ở thời điểm hiện tại, ai cũng có thể thấy cuộc sống của những người hàm oan đã chật vật như thế nào. Chôn vùi quá khứ để mà sống với tương lai, nhưng mỗi khi nhớ lại những năm tháng bị bắt oan, những con người từng một thời bị kết án oan vẫn cảm thấy rùng mình.


Bỗng nhiên bị bắt


Với những người dân thuộc xã Trung Bình, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam thì vụ bắt giữ oan sai ba thanh niên của địa phương diễn ra vào năm 2004 vẫn như thể là câu chuyện của ngày hôm qua.


Đã 10 năm trôi qua, thời gian không thể nào xóa nhòa được những ký ức của người dân nơi đây về vụ việc, chứ đừng nói đến những con người liên quan trực tiếp.


Liên quan đến vụ việc, đây cũng có thể coi là một kì án trong lịch sử điều tra ở Quảng Nam vì nó đã khiến cho không biết bao nhiêu con người lao tâm, khổ tứ, thậm trí là vướng vào lao lí.


Toàn bộ câu chuyện bi kịch này bắt đầu vào buổi chiều tối tháng 9/2004, khi đó 1 nhóm thanh niên thuộc thôn 3, xã Bình Trung có tập trung tát cống mương ở cuối thôn. Đến khi trời chập choạng, trong lúc mò cá, một thanh niên khi chui vào bên trong cống nước thì bất ngờ phát hiện ra một số đoạn xương. Thanh niên này liền vớt những đoạn xương lên bờ cùng với cả nhóm xem xét thì tất cả đều dự đoán là xương người. Lúc đó, một người trong nhóm thanh niên về làng gọi người, còn những người khác tiếp tục vào mò xương bên trong cống và họ lại phát hiện ra một chiếc sọ người.


Sau đó, lực lượng chính quyền địa phương vào cuộc xác minh và nhanh chóng báo cáo sự việc lên Công an tỉnh Quảng Nam để nhanh chóng vào cuộc điều tra. Do thi thể đã phân hủy hoàn toàn nên việc xác định danh tính người tử vong dưới cống nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khoảng đầu năm 2004, người dân thôn 1, xã Bình An, huyện Thăng Bình có trình báo thông tin về việc anh Hồ Ngọc Nhân, SN 1978 người của địa phương đã bất ngờ mất tích mà gia đình không thể tìm thấy. Đối chiếu với những tình tiết của gia đình anh Hân cung cấp cùng với các xét nghiệm y khoa, kết luận cuối cùng cho thấy, bộ xương dưới cống nước chính là anh Hồ Ngọc Nhân.


Đến lúc này, nhận định anh Hồ Ngọc Nhân bị giết hại nên Công an tỉnh Quảng Nam đã mở cuộc điều tra truy tìm hung thủ. Điều bất ngờ là chỉ sau 4 ngày từ khi phát hiện ra vụ việc, Công an tỉnh Quảng Nam đã bất ngờ ra lệnh bắt giữ anh Ngô Song Tùng (SN 1984) và Ngô Hoàng Trung (SN 1986) và Nguyễn Hoàng Linh Phương (SN 1970), cùng trú thôn 3, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Theo như khẳng định của cơ quan Công an thì các anh Tùng, Trung, Phương có liên quan trực tiếp đến vụ sát hại anh Hồ Ngọc Nhân.


Quá trình điều tra, Công an tỉnh Quảng Nam đã làm rõ, vào khoảng đầu tháng 1/2004, tại khu vực Cầu Bến Lứt có xảy ra vụ xô xát giữa anh Nhân và một nhóm thanh niên thôn 3, xã Bình Trung. Khu vực này rất gần với cống nước nơi phát hiện ra hài cốt nạn nhân nên cơ quan Công an nhận định, rất có thể anh Nhân đã tử vong cuộc xô xát đó rồi bị hung thủ đưa ra cống nước để phi tang. Và cũng thông qua nhiều nguồn tin khác nhau cho thấy, trong vị xô xát đó, các anh Tùng, Trung, Phương cũng tham gia và được cho là liên quan trực tiếp đến cái chết của nạn nhân.


Tuy nhiên, vấn đề khúc mắc nằm ở chỗ, Công an tỉnh Quảng Nam đã xác định vai trò “đồng phạm” đối với anh Trung và Phương. Theo Cơ quan điều tra đã xác định và đề nghị khởi tố anh Trung và anh Phương về hành vi “gây rối trật tự công cộng” và “che giấu tội phạm”. Lệnh tạm giam và quyết định khởi tố nhanh chóng được đưa ra, mặc cho các “nghi phạm” một mực kêu oan. Do xảy ra nhiều vấn đề khúc mắc trong quá trình điều tra, xác minh vụ việc nên phải hơn 2 năm sau khi các nghi phạm bị bắt, phiên tòa xét xử sơ thẩm mới được diễn ra tại Quảng Nam.


Tại phiên sơ thẩm do Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử diễn ra vào ngày 22/12/2006, anh Trung và anh Phương đã một mực kêu oan và khẳng định mình hoàn toàn không có liên quan gì đến cái chết của anh Nhân và cho rằng cơ quan Công an kết tội như vậy là oan sai. Những người trực tiếp chứng kiến phiên tòa này cũng vẫn còn nhớ như in tính chất căng thẳng của phiên xét xử khi giữa các bên tranh tụng hết sức quyết liệt. Phía luật sư bào chữa cũng như bản thân những người bị đưa ra xét xử đưa ra những chứng cứ vô cùng rõ ràng để bảo vệ quyền lợi cho mình.


Kết quả cuối cùng là đích thân Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam ở thời điểm đó phải ra quyết định tiếp tục tạm giam 2 bị cáo Tùng và Phương thêm 4 tháng nữa để điều tra bổ sung chứng cứ và đượ c Hội đồng xét xử chấp nhận. Riêng anh Ngô Hoàng Trung đã được cơ quan điều tra thay đổi từ biện pháp tạm giam sang biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú.


Cũng phiên tòa này, việc điều tra, xét hỏi rồi đến các phiên tòa sau đó, những thông tin xuất hiện đã dần chứng minh cho việc hai bị cáo Tùng và Phương đã bị oan sai. Phải tới gần 1 năm sau đó, trong phiên tòa xét xử phúc thẩm do Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử đã tuyên án một cách rõ ràng, bị cáo Ngô Song Tùng bị tuyên 8 năm tù giam vì “tội giết” người và phải bồi thường vật chất cho gia đình người bị hại những mức theo quy định của pháp luật. Cũng tại đây, Hội đồng xét xử đã tuyên anh Ngô Hoàng Trung, Nguyễn Hoàng Linh Phương vô tội nên được trả tự do.


Tuy được tuyên vô tội vào năm 2007 nhưng rõng rã 5 năm sau đó, anh Trung và anh Phương phải sống trong sự nghi kị của những người xung quanh. Bản án được tuyên nhưng không phải ai cũng biết, rất nhiều người vẫn cho rằng, anh Trung và anh Phương có liên quan đến vụ án , rằng họ là kẻ giết người. Âm thầm chịu đựng, gửi đơn xin minh oan công khai đến khắp các đại diện cơ quan chức năng nhưng cũng phải đến tận năm 2012, Viện kiểm soát nhân dân tỉnh Quảng Nam mới tổ chức buổi công khai xin lỗi. Tại đây, địa diện Viện Kiểm sát đã khẳng định, việc bắt giữ và tạm giam anh Trung và anh Phương là sai và đây là sai sót vì khởi tố nhầm người.


Như vậy, phải tới gần 8 năm sau ngày bị bắt oan, anh Trung và anh Phương mới chính thức được trả lại sự trong sạch. Dù rất vui khi được minh oan nhưng cả hai thanh niên này đều gặp vô vàn những khó khăn trong việc tìm kiếm lại cuộc sống của mình như trước đây. Sau lần được minh oan đó, cả hai nạn nhân cũng đã được nhà nước bồi thường cho những khoản tiền thích hợp để trợ giúp họ giải quyết những khó khăn. Dù tiền đã nhận được, sự trong sạch cũng đã được trả lại nhưng để đánh giá về những hậu quả về việc bắt oan gây ra là không thể đong đếm được. Chưa nói về chuyện tinh thần, vật chất mà bản thân mỗi người bị bắt oan luôn mang cảm giác ám ảnh rằng, không biết tai họa này có còn giáng xuống đầu mình một lần nữa không?


Gian nan đi tìm cuộc sống bình yên


Trước khi vướng vào vụ án oan này, anh Nguyễn Hoàng Linh Phương vốn là người đàn ông chăm làm, biết lo lắng cho gia đình. Tuy anh Phương chỉ làm công việc đồng áng, lao động chân tay nhưng vì chăm chỉ chịu khó, lăn lộn làm đủ mọi việc miễn là kiếm được tiền lo cho gia đình nên cuộc sống của gia đình anh Phương tuy ở nông thôn nhưng cũng khá bình yên và no đủ.


Tuy nhiên, sau ngày anh Phương bị bắt, cuộc sống của mọi người thay đổi hoàn toàn. Mẹ già đau ốm, con cái thì nhỏ, chưa kể chuyện toàn thể gia đình anh đã phải dùng những tài sản duy nhất để lo lộ phí đi gửi đơn kêu oan. Bao nhiêu ngày anh Phương sống trong trại giam là bấy nhiêu ngày cả gia đình người đàn ông này sống trong trạng thái ăn không ngon, ngủ không yên. Phần vì lo cho chồng bị giam, phần thì lo lắng cho việc gửi đơn đi kêu oan mãi mà không có hồi âm, người vợ héo hon của anh Phương đã ngã bệnh vì kiệt sức. Hồi tưởng lại quãng thời gian này, anh Phương bảo: “Đó đúng như là một sự thử thách vượt quá sức chịu đựng của tất cả mọi người trong gia đình tôi. Nếu không có sự kiên trì, không có sự quyết tâm sẽ chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có thể vượt qua được”.


Nhớ lại những ngày ở trong trại giam, mỗi khi nhận được quà tiếp tế của vợ gửi vào, anh Phương chỉ biết ôm lấy mà khóc. Anh Phương khóc không chỉ bởi thương vợ, thương con, thương mẹ già mà còn bởi sự phẫn uất của một con người bỗng nhiên bị bắt oan mặc dù mình chẳng gây nên tội. “Hồi đó, tôi kể lại câu chuyện cho các anh em trong buồng giam nghe, ai nấy đều cũng bảo rằng, thế thì đến tức mà chết thôi. Cũng có lúc tôi cho rằng, cứ kệ mọi chuyện đi đến đâu thì đến vì có kêu nữa cũng chẳng ăn thua mà gia đình ở bên ngoài thì luôn phải chật vật, đôn đáo. Nhưng rồi khi nghĩ lại việc không thể để mình và mọi người phải chịu nỗi hàm oan, chịu cảnh khinh miệt của những người xung quanh thì tôi đã quyết tâm và hi vọng… Nhưng cũng phải bị giam tới hơn 900 ngày mới được trả tự do”, anh Phương chia sẻ.


Ngay khi được trở về nhà, anh Phương đã bắt tay ngay vào việc xây dựng lại cuộc sống cho gia đình. Một mặt lo làm việc để trả những món nợ trong giai đoạn mình bị bắt giam, mặt khác anh Phương gửi đơn kêu oan, yêu cầu xin lỗi, bồi thường đi khắp nơi. Cứ như vậy, trong 5 năm trời, anh Phương đã phải gõ cửa không biết bao nhiều nơi, chờ đợi bao nhiêu ngày niềm mong ước mới thành sự thật. Nhận khoản tiền 165 triệu đồng cho quá trìng bị bắt oan, với nhiều người ở quê thì đây là một số tiền quá lớn nhưng đây cũng chỉ để thanh toán các khoản nợ mà trước đây đã phải vay mượn để kêu oan.


Anh Phương giãi bày: “Tiền thì có thể bù đắp được những khoản thất thoát vật chất, nhưng những tổn hại tinh thần thì không gì có thể hàn gắn được. Tôi và cả gia đình phải mất nhiều thời gian để hòa nhập lại cuộc sống với xóm làng. Trước đây, khi bị bắt, cả gia đình tôi phải tủi hổ, khi ra đường không dám nhìn mặt ai, cũng chẳng ai nói chuyện với mình, nhiều người thậm chí còn mắng thẳng vào mặt… Nhưng rồi khi sự thật được trả lại thì dần dần mọi người cũng hiểu ra, lúc này toàn thể gia đình tôi mới thấy thật sự thoải mái”.


Dù là một người bị bắt oan, bị tạm giam tới gần 3 năm nhưng anh Phương vẫn cho rằng, pháp luật luôn đúng, chỉ có điều những người thực hiện thì phải nghiêm túc, xem xét kĩ lưỡng mọi vấn đề. Chuyện anh và anh Trung bị bắt oan cũng chỉ bởi những sai sót không đáng có trong quá trình điều tra chứ không phải vì một động cơ nào đó. Người đàn ông này cho rằng “những người làm trong cơ quan chính quyền, họ cũng muốn làm đúng, tránh việc bỏ lọt tội phạm, nhưng với những người dân thì tất cả mọi người đều cần sự lắng nghe của các đại diện cơ quan chức năng. Chỉ cần những người thực thi công vụ nhìn nhận sự việc trên nhiều góc độ thì sẽ chẳng bao giờ xảy ra oan sai cả…”.


Là một trong hai người bị bắt oan, anh Ngô Hoàng Trung, tuy được tha sớm hơn anh Phương nhưng những gì mà người đàn ông này phải trải qua cũng hết sức cam go. Ở thời điểm bị bắt, anh Trung mới chỉ là một cậu thanh niên 26 tuổi, tất cả mọi thứ đều là sự khởi đầu. Gia đình, tình cảm rồi cho đến những dự liệu tương lai đều trông chờ hoàn toàn vào sự phấn đấu của anh Trung. Nhưng rồi, bỗng chốc bi kịch rơi xuống, cả gia đình choáng váng khi biết con mình bị nghi ngờ liên quan đến vụ giết người.


Nói về sự việc đã xảy ra với mình, anh Trung bảo rằng, là thanh niên thì tránh làm sao được sự việc đi chơi tối, tụ tập bạn bè. Chuyenẹ xô xát giữa trai làng này và trai làng kia có thể nói là quá bình thường. Trong sự vụ này, nguyên nhân thật sự cũng chỉ là sự xô xát nhỏ nhưng do hậu quả quá nghiêm trọng nên mới gây ra sự vụ lớn như vậy. Nhưng việc bắt oan những người không có liên quan thì thật sự đáng để suy ngẫm… So với anh Phương, anh Trung còn may mắn hơn khi được thả ra ngoài, tuy nhiên, cái chung của hai người đàn ông này chính là sự dòm ngó của dư luận xã hội. Anh Trung cũng phải chịu sự chì chiết, sự cay nghiệt của mọi người xung quanh. Tuy nhiên, rồi thì mọi việc cũng đã qua, anh Trung đã được chứng minh là oan sai…


Cuộc sống hiện tại của vợ chồng anh Trung đang khá ổn định, ngoài việc đi làm thuê ra, vợ chồng anh còn mở một quán bán bánh xèo nhỏ ngay tại nhà. Tuy thu nhập từ đây không quá cao nhưng nó cũng giúp cho cuộc sống của mọi người trong gia đình được ổn định, không phải quá đau đầu với gánh nặng kinh tế. Đối với anh Trung, cuộc sống hôm nay đúng như là một giấc mơ mà anh đã nghĩ khi còn nằm trong buồng tạm giam. Lúc đó, anh chỉ mong rằng, được ra ngoài, được làm việc, được gần gũi gia đình vậy là đủ… Tuy nhiên, so với những ngày bị tạm giam thì những ngày đi kêu oan cũng cay nghiệt chẳng kém.


Anh Trung chia sẻ: “Cứ thử hình dung gần 5 năm liền gửi đơn đi kêu oan mà không nhận được bất kỳ lời hồi âm nào thì ai mà chẳng cảm thấy nản chí. Nhưng vì danh dự, vì sự thật, dù có phải kêu oan lâu hơn nữa thì anh Trung vẫn sẽ làm. Anh Trung khẳng định, mình vốn là một người trong sạch, lương thiện thì pháp luật có trách nhiệm phải trả lại nếu như đã kết tội sai. Những người oan sai như chúng tôi không trông chờ vào những khoản tiền bồi thường mà chờ lời xin lỗi của đại diện cơ quan chức năng. Chúng tôi bị bắt công khai thì cũng phải đươc xin lỗi công khai”.


Sau buổi xin lỗi công khai, anh Trung đã cảm thấy suy nghĩ của mình nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Hiện tại, người đàn ông này cùng gia đình đang rất hài lòng với những gì mình có, bùi ngùi tâm sự, anh Trung cho rằng: “Giá như cuộc sống cứ bình yên trôi qua như thế này thì đúng là cuộc đời chẳng còn gì để mà ân hận. Vụ oan sai hãy cứ coi như một vận hạn mà cuộc đời của mình phải nếm trải trước khi tìm thấy sự bình yên…”.


Hồng Thu Ca



Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.




www.nguoiduatin.vn

Back to TOP