Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Phúc thẩm 'siêu lừa' Huyền Như: Bản án sơ thẩm sai sót nghiêm trọng


Theo tin tức trên báo Tuổi Trẻ, ngày 24/12, phát biểu quan điểm trong phiên xét xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như , Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận định bản án sơ thẩm sai sót nghiêm trọng và kiến nghị tòa hủy, sửa một phần để điều tra xét xử lại Huyền Như theo tội danh tham ô tài sản.


Viện KSND tối cao cho rằng là người có trách nhiệm và quyền hạn của Ngân hàng VietinBank, Huyền Như đã chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của VietinBank mà trước đó bản án sơ thẩm xác định số tiền này do Huyền Như lừa đảo của các doanh nghiệp.


Phúc thẩm 'siêu lừa' Huyền Như: Bản án sơ thẩm sai sót nghiêm trọng - Ảnh 1


Khách hàng gửi tiền “không có lỗi”


Viện kiểm sát cho rằng khách hàng không có lỗi trong việc gửi tiền, theo quy định của pháp luật, khách hàng không có trách nhiệm quản lý tài khoản, nghĩa vụ quản lý này là của VietinBank. Huyền Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền, việc này là lỗi quản lý của VietinBank.


Bởi theo quy định của khoản 2, điều 12 quyết định 1248 của Ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng có trách nhiệm “kiểm soát các lệnh thanh toán của khách hàng, đảm bảo lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, hợp lệ và khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký”.


“Nhưng do buông lỏng quản lý tài chính trong kiểm soát các giao dịch và kiểm soát các chứng từ không chặt chẽ nên VietinBank đã không phát hiện việc Như lập các lệnh chi giả của khách hàng để chiếm đoạt tiền” - đại diện viện kiểm sát nhận định.


Theo đó, Huyền Như là người có chức vụ quyền hạn tại VietinBank, là kiểm soát viên, chịu trách nhiệm thanh toán, hạch toán vào tài khoản thích hợp, yêu cầu cấp mã khóa bảo mật, tuy nhiên Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt toàn bộ số tiền với mỗi lệnh chi không vượt qua 50 tỷ đồng.


Hành vi gian dối của Như, giả chữ ký, con dấu đều được thực hiện trong phạm vi quyền hạn của Như. Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chỉ được thực hiện sau khi tiền đã vào tài khoản và được VietinBank theo dõi đầy đủ.


VietinBank là doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước. Bởi vậy, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng từ tiền gửi thanh toán của các công ty nêu trên, theo viện kiểm sát, là hành vi tham ô tài sản.


Viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử tuyên buộc VietinBank phải có trách nhiệm trả tiền cho các khách hàng khi đánh mất tiền của họ, và tư cách tố tụng của năm công ty này chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, VietinBank mới là nguyên đơn dân sự của hành vi tham ô của Huyền Như.


“Bản án sơ thẩm làm sai tội danh, sai tư cách tố tụng của năm đơn vị, làm thiệt hại quyền và lợi ích của họ” - đại diện viện kiểm sát nhận định tại phiên xử.


Kháng nghị tăng, giữ nguyên hình phạt với nhiều bị cáo


Theo báo Công an TP.HCM, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKS) đã trình bày quan điểm của mình, trong đó kháng nghị tăng, giữ nguyên hình phạt với nhiều bị cáo.


Phúc thẩm 'siêu lừa' Huyền Như: Bản án sơ thẩm sai sót nghiêm trọng - Ảnh 2


Bị cáo Đào Thị Tuyết Dung bị VKS kháng nghị tăng hình phạt vì hai tội. Một là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì bị cáo Dung có hành vi giúp sức cho Như chiếm đoạt của Ngân hàng Quốc tế (VIB) 15 tỷ đồng và hai lần đứng tên trên giấy đề nghị vay vốn, cầm cố để vay VIB 30 tỷ đồng. Theo đại diện VKS, đây là tội nghiêm trọng, bị cáo phạm tội có động cơ, mục đích rõ ràng, cần phải xử phạt nghiêm. Bị cáo chỉ có một tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo nên bản án sơ thẩm tuyên phạt 10 năm là vừa nhẹ, vừa không đúng pháp luật, không có tính răn đe.


Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dung cũng không có thêm tình tiết giảm nhẹ nên quan điểm của đại diện VKS kháng nghị tăng hình phạt là có cơ sở. Với khoản tiền thu lợi bất chính của Dung, đại diện VKS cho rằng đã đủ căn cứ để xác định bị cáo đã cho Huyền Như vay tiền với lãi suất 0,4%/ngày, thu lợi bất chính 174 triệu đồng, do đó không có căn cứ để chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo. Đại diện VKS cũng bác yêu cầu được khấu trừ 150 tỷ đồng, khoản tiền 150 tỷ đồng mà Dung nói đã cho Như vay.


Đại diện VKS cũng nêu quan điểm không chấp nhận đơn kháng cáo của Trần Thị Tố Quyên do bị cáo có hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm, giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt 50 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Hành vi của bị cáo phạm vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống ngân hàng nên cần phải xử phạt nghiêm. Do phạm tội với vai trò giúp sức tích cực nên việc tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 14 năm tù là thỏa đáng, không có căn cứ để xin giảm nhẹ hình phạt.


Trước đơn kháng cáo của Nguyễn Thiên Lý, đề nghị hủy án sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo vì bản án sơ thẩm quy kết không đúng, bỏ qua tình tiết có lợi cho bị cáo vì trong số tiền 1.296 tỷ đồng bị cáo nhận của Huyền Như có nhiều khoản tiền là của bị cáo hùn hạp làm ăn với Như, ngoài ra còn nhiều lần chuyển tiền mặt chưa được đối chiếu, đề nghị giải tỏa sổ tiết kiệm của chồng và số tiền 200.000 peso trong két sắt, trả lại sổ tiết kiệm tại ngân hàng ACB vì đó là số tiền của chị gái do cháu gái đứng tên...


Đại diện VKS cũng có quan điểm bác yêu cầu xin nhận lại tài sản của bị cáo Lý, do năm 2010 - 2011 Lý đã cho Như vay 554 tỷ đồng và nhận lại hơn 1.000 tỷ đồng, hiện Như còn nợ Lý hơn 200 tỷ đồng. Kết luận điều tra và cáo trạng quy kết bị cáo thu lợi bất chính 735 tỷ đồng bằng cách lấy 1.296 tỷ đồng trừ đi 554 tỷ. Còn bản án sơ thẩm xác định số tiền thu lợi bất chính chỉ là 414 tỷ đồng dựa trên lời khai của bị cáo Lý, dẫn tới sự chênh lệch với số liệu trong cáo trạng nên cần thiết phải hủy án sơ thẩm.


Tuy nhiên, về số tài sản, đại diện VKS cho rằng số tiền 19 tỷ đồng vay của chị gái, đứng tên cháu gái bị cáo Lý, bị cáo không có chứng cứ chứng minh mình đã vay tiền của chị gái mình nên kháng cáo xin được nhận lại là không có cơ sở. Đối với nhà đất là trụ sở Cty Diva, theo giấy phép kinh doanh, Lý đứng tên góp vốn 75%, ông Quý chỉ đứng tên 25%; số tiền 200.000 peso trong két sắt có cơ sở xác định của bị cáo, ông Hiệp - (chồng của Lý) không có ý kiến gì nên đại diện VKS đề nghị tiếp tục kê biên nhà đất là trụ sở Cty Diva và số tiền trên.


Bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên - nguyên Phó phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, đã có hành vi vi phạm quy định cho vay trong việc ký hồ sơ giải ngân 6 khoản vay chưa có chữ ký đảm bảo của chủ thẻ tài khoản. Đại diện VKS căn cứ trên lời khai của các bị cáo Như, Ngân... hành vi của bị cáo đã vi phạm quy định về cho vay. Do đó, theo đại diện VKS bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên là đúng người, đúng tội.


Riêng kháng cáo của hai nguyên đơn dân sự ACB và NaviBank bị viện đề nghị bác. Theo công tố với hai trường hợp này bị Như lừa đảo, hai ngân hàng này có lỗi trong việc giao tiền cho nhân viên đi gửi tiền như phần thẩm vấn đã làm rõ. Công tố khẳng định với trường hợp của hai ngân hàng họ phải tự chịu trách nhiệm, VietinBank không có lỗi để phải bồi thường như yêu cầu của họ.


Những hình ảnh 'siêu lừa' Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm


Gia Huy (Tổng hợp)



Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.




www.nguoiduatin.vn

Back to TOP