Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát vụ việc


Theo tin tức trên báo Tuổi Trẻ, ngày 24/12, bà Nguyễn Thị L (mẹ bị án Hồ Duy Hải ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cho biết đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có buổi làm việc với gia đình bà để trao đổi về việc bà kêu oan cho con.


Người trực tiếp trao đổi với bà L là Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga.


Theo bà L, đoàn giám sát đã hỏi rất sâu về Hồ Duy Hải từ khi còn nhỏ, việc học hành, sở thích, bị bắt lúc nào, lý do bị bắt và bị kết án tử hình, đã mời bao nhiêu luật sư hỗ trợ pháp lý, kể lại những lần đi thăm nuôi, đặc biệt là trao đổi về lý do gia đình kêu oan cho Hồ Duy Hải và hành trình bảy năm đi kêu oan như thế nào...


Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát vụ việc - Ảnh 1


Bà L đã nộp cho đoàn giám sát hồ sơ kêu oan kèm theo đơn xin hoãn thi hành án tử hình có bút phê đồng ý của phó chánh án TAND tỉnh Long An Lê Quang Hùng ngày 4/12 và trả lời tất cả những câu hỏi của đoàn (có biên bản làm việc).


Theo bà L, sở dĩ gia đình bà đi kêu oan từ Nam ra Bắc suốt bảy năm qua là xuất phát từ dư luận tại địa phương sau khi con bà bị khởi tố tội giết hai nữ nhân viên bưu cục Cầu Voi. Lúc đó dư luận cho rằng Hải chỉ là người “thế thân” cho một người khác.


Trước khi TAND tỉnh Long An xử sơ thẩm thì Hải đã kêu oan với luật sư, rồi ra tòa cuối năm 2008 cũng kêu oan. Sau này khi gia đình xem lại hồ sơ vụ án thì thấy nhiều chi tiết mâu thuẫn, không rõ ràng. Lý do quan trọng khiến bà L liên tục gửi đơn và gõ cửa nhiều cơ quan ở trung ương kêu oan chính là niềm tin mách bảo con bà không phạm tội giết người, cướp tài sản.


Bà L cũng trình bày từ khi Hồ Duy Hải bị tạm giữ rồi khởi tố, truy tố, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm thì gia đình đã nhờ tới sáu luật sư ở Long An và TP.HCM hỗ trợ pháp lý. Nhiều luật sư không ký hợp đồng với gia đình nhưng cũng nghiên cứu hồ sơ, phân tích những vấn đề cần phải làm rõ thêm.


Bà Lê Thị Nga cho biết sau khi làm việc với gia đình, đoàn giám sát sẽ đến trại giam để tiếp xúc với bị án Hồ Duy Hải. Bà Nga còn dặn gia đình nếu có thông tin gì cần bổ sung thì có thể gọi điện thoại trực tiếp cho bà.


Trước đó, ngày 9/12 công văn phản hồi của Văn phòng Chính phủ thừa lệnh Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét giải quyết đơn khiếu nại của bà đối với con trai là tử tù Hồ Duy Hải (SN 1985) trong vụ án cướp của, giết người tại bưu điện Cầu Voi (Long An) khiến 2 cô gái thiệt mạng.


Công văn ghi rõ: “Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được đơn của bà Nguyễn Thị L (SN 1963, ấp 1, xã Nhị Thành, Thủ Thừa, Long An) đề nghị xem xét lại bản án hình sự phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt tử hình Hồ Duy Hải về tội giết người, cướp tài sản trong vụ án tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).


Thực hiện ý kiến chủ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn của bà L đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để chỉ đạo việc xem xét giải quyết theo quy định và thông báo Phó Thủ tướng Chính phủ biết kết quả”.


Được biết, Công văn đồng thời được chuyển đến Tòa án nhân dân tối cao.


Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát vụ việc - Ảnh 2


Theo cáo trạng Viện KSND tỉnh Long An trước đó, vào lúc 19h30 ngày 13/1/2008 Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi (tại ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).


Do nảy sinh ý định quan hệ tình dục với Nguyễn Thị Ánh H (23 tuổi) - nhân viên bưu điện Cầu Voi, Hải đưa tiền cho Nguyễn Thị Thu V (21 tuổi) - cũng là nhân viên bưu điện, đi mua trái cây. Khi V vừa đi khỏi, Hải kéo H vào buồng và đẩy nằm ngửa xuống đi-văng. H phản ứng, dùng chân đạp vào bụng Hải rồi đi về phía cầu thang.


Hải đuổi theo đẩy vào góc tường nhưng H kêu la. Sợ bị phát hiện, Hải dùng tay bóp cổ, đẩy nạn nhân ngã xuống sàn rồi lấy tấm thớt gỗ đánh vào đầu H bất tỉnh. Sau đó vào bếp lấy con dao inox ra cắt cổ nạn nhân rồi mang xác vào giấu ở góc cầu thang.


Khi V mua trái cây về, Hải núp vào một góc và cầm ghế inox thủ sẵn. Khi phát hiện thi thể H, V hoảng hồn quay đầu bỏ chạy thì Hải đuổi theo, dùng ghế đập vào đầu làm nạn nhân ngã xuống sàn gạch bất tỉnh.


Tiếp theo, Hải kéo xác V để nằm cạnh H, dùng dao cắt cổ nạn nhân rồi ra phòng vệ sinh rửa dao, rửa tay. Sau đó đem dao bỏ vào trong kẹt giữa tấm bảng và vách tường.


Gây án xong, Hải lục tủ lấy 1,4 triệu đồng, khoảng 40 simcard, thẻ cào điện thoại di động, điện thoại Nokia, lột hết dây chuyền, nhẫn, bông tai của 2 nạn nhân rồi ra phía sau đóng cửa lại, leo cửa rào ra sân trước lấy xe gắn máy chạy về nhà. Sợ bị phát hiện, khoảng một tuần sau Hải lấy quần áo mặc lúc gây án và sợi dây nịt đem đốt để phi tang.


Qua nhiều lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, vụ án kéo dài hơn 6 năm và đến phút chót dư luận lại bất ngờ khi ngay trước ngày thi hành án tử hình, tử tù Hồ Duy Hải được tạm hoãn thi hành án khi có chỉ đạo hỏa tốc kịp thời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.


Ngày 4/1/2015 là thời hạn cuối tạm hoãn thi hành án tử, đồng thời, cũng là hạn chót vụ án phải có kết luận điều tra mới để báo cáo lên Chủ tịch nước.


Xem thêm Clip:


Xét xử sát thủ Lý Nguyễn Chung trong vụ án oan 10 năm


Kim Thành (Tổng hợp)



Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.




www.nguoiduatin.vn

Back to TOP