Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Thách đố 'ăn tô phở, thưởng triệu đồng': Đã cấu thành tội hình sự?


Trước khi tham gia cuộc chơi, nhân viên phở ông Hùng phát cho khách hàng tờ giấy ghi rõ thể lệ và một số khuyến cáo về sức khỏe. Người thắng cuộc là người ăn hết tô phở trong vòng 45 phút, cả nước lẫn cái. Người chơi không được sử dụng quyền trợ giúp, không làm rơi vãi quá nhiều và nôn ói khi ăn coi như thua cuộc. Trong khi ăn, người chơi không được đi vệ sinh. Người có tiền sử bệnh tật không được chơi.


Ngoài ra, tiệm này cũng đưa ra thể lệ người chơi phải từ 18 tuổi trở lên, dưới 18 tuổi phải có người giám hộ. "Phở ông Hùng không chịu trách nhiệm khi có vấn đề về mặt sức khỏe xảy ra", bản cam kết giữa người chơi và tiệm phở trên ghi rõ.


Thách đố 'ăn tô phở, thưởng triệu đồng': Đã cấu thành tội hình sự? - Ảnh 1


Sẽ không có gì để nói nếu như không có chuyện mới đây, người phụ trách bếp của chi nhánh phở ông Hùng số 290 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM tố cáo những tiểu xảo tại chi nhánh này để khách hàng phải thua cuộc trước thách đố của tiệm phở.


Bà Dương Thị Kim Anh, phụ trách bếp, người trực tiếp chế biến những "tô phở khổng lồ " ở số 290 Hai Bà Trưng, quận 1 cho biết, trước khi thách đố, công ty quản lý phở ông Hùng đưa ra công thức chế biến tô phở khổng lồ gồm: 750g bánh phở, 40g nạm, 25g gân, 80g gàu, 50g thịt tái, 42g bò viên, hơn 2,1 lít nước lèo trong, một phần rau, tương, chanh như các tô bình thường.


Tuy nhiên, tô phở ở chi nhánh 290 Hai Bà Trưng được chế biến khác hơn. Bánh phở thay vì 750g được tăng lên 1-1,1kg, gàu giảm xuống 70g nhưng toàn gàu mỡ, số thịt còn lại đa phần thịt vụn kèm theo mỡ rất khó ăn.


Chúng tôi nêu ra vụ việc trên để bạn đọc cùng trao đổi về những tình huống pháp lý có thể nảy sinh trong quá trình thực khách tham gia thách đố. Trong trường hợp thực khách luôn thua mà phát hiện cơ sở đưa ra lời thách đố đã dùng tiểu xảo để buộc khách phải thua thì sẽ xử lý như thế nào?


Báo Đời sống và Pháp luật giới thiệu bài viết của tác giả Cao Miên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đánh giá sự việc dưới góc độ hình sự nếu chứng minh được hành vi gian dối.


Đã cấu thành tội hình sự?


Với những sự việc như trên, cách thức giải quyết thỏa đáng nhất đối với khách hàng bị lừa dối là khiếu nại đến cơ quan chức năng hoặc khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để đòi quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, trong trường hợp thực khách chứng minh được hành vi gian lận của cơ sở Kinh doanh phở nói trên thì chủ cửa hàng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng.


Một thực tế cần nhìn nhận là hiện tượng lừa dối khách hàng đang trở nên phổ biến trong Xã hội hiện nay. Không ít Doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh muốn thu lợi nhuận cao nên dẫn tới hiện tượng lừa dối khách hàng. Đây là hành vi phạm tội được thực hiện do lỗi cố ý, người phạm tội biết rõ hành vi của mình ảnh hưởng đến khách hàng nhưng vì vụ lợi vẫn cố tình thực hiện.


Điều 162 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng thì phạm tội Lừa dối khách hàng. Nếu phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.


Trở lại với sự việc nêu trên, nếu chứng minh được hành vi gian dối, sử dụng tiểu xảo để thu lợi bất chính hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mình, thực khách có thể làm đơn tố cáo cơ sở kinh doanh trên ra cơ quan công an. Sau khi tiếp nhận đơn, bằng nghiệp vụ của mình, Cơ quan điều tra sẽ chứng minh xem có hành vi phạm tội hay không và đưa ra hướng xử lý.


Tất nhiên, với trường hợp này, việc có được chứng cứ không phải dễ dàng. Tuy nhiên, đây là giải pháp cần thiết để bảo vệ khách hàng khi quyền lợi của họ bị xâm phạm.


Theo Đời sống & Pháp luật



Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.




www.nguoiduatin.vn

Back to TOP