Vụ Huyền Như: Đề nghị hủy án, điều tra Huyền Như tội tham ô tài sản
Ngày 24/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng bắt đầu bước vào phần tranh luận.
Cả sáng nay, Viện kiểm sát tiến hành việc luận tội xem xét các kháng cáo, kháng nghị liên quan bản án sơ thẩm của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Trong phần luận tội đối với bị cáo Huyền Như, đại diện Viện kiểm sát chỉ ra rằng, bị cáo Huyền Như được Vietinbank giao quyền hạn, chức vụ tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, là quyền trưởng phòng kiêm kiểm sát viên, được thực hiện lệnh chi 50 tỷ đồng với các giao dịch.
Bị cáo Huyền Như đã lợi dụng điều này để thực hiện các lệnh chi giả chuyển tiền ra khỏi tài khoản của khách hàng để chiếm đoạt.
Đại diện Viện kiểm sát viện dẫn, bị cáo Huyền Như được cấp tài khoản vào hệ thống Ngân hàng Vietinbank để thực hiện, quản lý tài khoản của khách theo phân cấp của Ngân hàng Vietinbank. Tuy nhiên, do sự quản lý lỏng lẻo của Vietinbank mà không phát hiện hành vi làm lệnh chi giả.
Do đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra lại theo hướng Huyền Như tham ô tài sản.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, Huyền Như đã lợi dùng chức vụ, quyền hạn tại Vietinbank để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau khi khách hàng đã gửi tiền vào ngân hàng Vietinbank, dù trước đó, bị cáo Huyền Như đã dẫn dụ họ gửi tiền vào ngân hàng. Tuy nhiên, hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra sau khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố đã đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra lại theo hướng Huyền Như về tội tham ô tài sản.
Cụ thể, 5 trường hợp của Công ty Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Công ty Hưng Yên và Công ty SBBS đã bị Huyền Như chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Đại diện Viện kiểm sát chỉ ra các công ty này có mở tài khoản gửi tiền vào Vietinbank là thật và hợp lệ. Do đó, mối quan hệ gửi – giữ tài sản giữa Vietinbank và khách được xác lập.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, Ngân hàng Vietinbank là nguyên đơn dân sự có quyền yêu cầu Huyền Như bồi thường số tiền mà Như đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt của khách. Do đó, trách nhiệm bồi thường cho 5 công ty trên thuộc về Ngân hàng Vietinbank.
Đại diện Viện kiểm sát đã bác kháng cáo của Ngân hàng ACB và Navibank. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, hai ngân hàng này có lỗi trong việc ủy thác hợp đồng, cho nhân viên vay tiền đi gửi ngân hàng khác để lấy lãi là vi phạm pháp luật. Hai ngân hàng này phải tự chịu trách nhiệm, Vietinbank không phải bồi thường.
Đại diện Viện kiểm sát khẳng định, bản án sơ thẩm đã không xác định đúng bản chất sự việc dẫn đến xác định sai tư cách tố tụng của 5 công ty này gây thiệt hại quyền lợi của họ.
Hành vi này của Huyền Như có dấu hiệu phạm tội Tham ô tài sản. Do đó VKS đề nghị HĐXX hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại về tội Tham ô tài sản với Như và những người liên quan đến hành vi chiếm đoạt tiền của 5 công ty này.
Đồng thời VKS cũng kiến nghị khởi tố 2 Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM là ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Về kháng cáo của 2 ngân hàng Navibank và ACB, VKS nêu quan điểm hành động ủy thác cho nhân viên mang tiền của ngân hàng đi gửi vào ngân hàng khác là vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước, vi phạm pháp luật.
Do đó, VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo của 2 ngân hàng này, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã tuyên, buộc Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường cho ACB và Navibank.
Về kháng cáo của Huyền Như và mẹ là bà Nguyễn Thị Lang yêu cầu trả lại căn nhà 43 tỷ, VKS đề nghị HĐXX tuyên bác vì không có căn cứ xem xét.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.
www.nguoiduatin.vn