Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Làm rõ các vụ chết trong trại tạm giam, nhà tạm giữ


Theo tin tức trên báo Người Lao Động, ngày 12/1, tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) đã tiến hành giám sát về tình hình oan sai trong việc áp dụng luật hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị án oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật tại tỉnh này.


Đoàn do ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội , phó trưởng đoàn giám sát dẫn đầu.


Theo ông Luật, đoàn giám sát có trách nhiệm thực hiện kế hoạch giám sát, báo cáo kết quả giám sát với UBTV QH tại phiên họp tháng 4/2015, giúp UBTV QH chuẩn bị báo cáo kết quả giám sát với QH tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 13 dự kiến khai mạc trong tháng 5/2015.


“Đây là một đợt giám sát rất quan trọng thuộc chương trình giám sát tối cao của QH, được chuẩn bị rất công phu ngay từ cuối năm 2014. Chắc chắn khi trình báo cáo ra quốc hội, đại biểu QH sẽ quan tâm thảo luận và cử tri cả nước cũng rất quan tâm theo dõi kỳ giám sát này của QH”- ông Luật nói.


Trong 2 ngày 12/1 và 13/1, đoàn giám sát sẽ xem xét, đánh giá thực trạng, tình hình, xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng oan sai trong điều tra, truy tố, xét xử án hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Mốc thời gian tính từ 1/1/2011 đến 30/9/2014. Các cơ quan ở Phú Yên sẽ được giám sát là công an, VKSND, TAND, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Hải quan tỉnh Phú Yên.


Cũng theo ông Luật, tại thời điểm này, ngoài đoàn giám sát tại Phú Yên còn 4 đoàn giám sát nữa đang thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của UBTV QH tại các địa phương trong cả nước. Ngoài các địa phương, đoàn giám sát sẽ làm việc với các cơ quan tư pháp trung ương để đánh giá toàn diện hoạt động của các cơ quan này.


Làm rõ các vụ chết trong trại tạm giam, nhà tạm giữ - Ảnh 1


Phải có các kết luận rõ ràng


Trên báo Pháp Luật TP.HCM: Theo đại diện UBND tỉnh Phú Yên, thời gian qua tại tỉnh này có ba trường hợp chết khi đang tạm giam, tạm giữ, gồm một trường hợp treo cổ tự tử và hai trường hợp chết do bệnh lý. Trong đó, trường hợp của bị can Trần Thị Hải Yến (SN 1982, ngụ xã An Cư, Tuy An) chết tại nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An hồi tháng 10.2013 là trường hợp có khiếu nại, tố cáo căng thẳng, kéo dài. Công an tỉnh Phú Yên đã kết luận chị Yến chết do treo cổ tự tử. Tuy nhiên, từ khi xảy ra vụ việc đến nay, gia đình chị Yến đã liên tục có đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến nhiều ngành, nhiều cấp ở địa phương và trung ương.


Liên quan đến vụ việc này, Công an tỉnh Phú Yên đã rút hồ sơ từ Công an huyện Tuy An lên điều tra lại vụ án cố ý gây thương tích và đến nay chưa chính thức công bố kết luận điều tra lại. Chủ tịch nước đã yêu cầu liên ngành Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao kiểm tra, báo cáo vụ án này.


Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên báo cáo kết luận của liên ngành trung ương về vụ án của chị Yến để xem xét, đánh giá. Cạnh đó, đoàn giám sát yêu cầu Công an tỉnh Phú Yên cung cấp các kết luận điều tra nguyên nhân chết của các trường hợp chết trong nhà tạm giam, tạm giữ khác như vụ ông Lê Thanh Tâm chết trong trại tạm giam; báo cáo rõ thời gian tạm giam, tạm giữ của những trường hợp này, đồng thời phải kết luận rõ là những người này có phạm tội hay không. Một thành viên đoàn giám sát đã lưu ý đại diện VKSND tỉnh Phú Yên về việc báo cáo không đầy đủ, ít hơn công an tỉnh về số trường hợp chết khi đang tạm giam, tạm giữ.


Ngoài ra, đoàn giám sát cũng quan tâm đến vụ án dùng nhục hình, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến chết người xảy ra tại Công an TP.Tuy Hòa (vụ anh Ngô Thanh Kiều). Đây cũng là trường hợp duy nhất có đơn tố cáo bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra tại Phú Yên thời gian qua.


Bên cạnh đó, nhiều thành viên đoàn giám sát đã yêu cầu làm rõ các trường hợp đình chỉ điều tra tại Phú Yên.


Theo báo cáo của UBND tỉnh này, từ ngày 1/10/2011 đến 30/9/2014 đã có 438 vụ với 61 bị can được tạm đình chỉ điều tra (chiếm tỉ lệ 22% tổng số vụ và 2,38% tổng số bị can). Cùng thời điểm, có 53 vụ với 58 bị can được đình chỉ điều tra (chiếm 2,6% tổng số vụ và 2,3 tổng số bị can).


Trong số này, đoàn giám sát đặc biệt lưu ý đến ba vụ với ba bị can được đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm. Một thành viên đoàn giám sát đặt vấn đề: “Nếu đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm thì phải xem xét có oan hay không. Cần kiểm tra lại ba vụ án này và làm rõ trách nhiệm giải quyết như thế nào”.


Một thành viên khác của đoàn giám sát yêu cầu kiểm tra, xem xét lại trường hợp Lại Văn Long yêu cầu VKSND tỉnh Phú Yên bồi thường 79 triệu đồng. Bị can này có hành vi phạm tội liên tiếp tám lần khi chưa thành niên và đã được đình chỉ điều tra theo khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự (BLHS) về miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Thành viên đoàn giám sát này cho rằng quyết định đình chỉ điều tra đối với trường hợp này là phù hợp với quy định pháp luật nhưng cần làm rõ là bị can có bị tạm giam không.


Theo UBND tỉnh Phú Yên, thời gian qua có ba vụ với ba bị can được đình chỉ điều tra do miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS (do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa) và cả ba trường hợp này đều không có đơn khiếu nại, tố cáo.


Dù vậy, các thành viên đoàn giám sát vẫn yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên báo cáo rõ các trường hợp đình chỉ này vì “nhiều nơi áp dụng sai khoản 1 Điều 25 để tránh bồi thường oan”. Theo một thành viên đoàn giám sát, trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nếu có sai phạm đều có trách nhiệm của VKS.


Hôm nay (13/1), đoàn giám sát tiếp tục phiên làm việc.


Kim Thành (Tổng hợp)



Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.




www.nguoiduatin.vn

Back to TOP