Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Hành trình của người đàn bà 20 năm giả câm điếc, tật nguyền đi tìm con trai bị tình địch bắt cóc


Người đàn bà bất hạnh


Năm đó, bà Võ Thị Hà (Long An) mới 17 tuổi. Bà là cô gái xinh xắn, nết na, chăm chỉ và khéo léo nhất làng. Biết bao trai làng khi ấy đã nhờ người mai mối bà về làm vợ, nhưng bà Hà đã dành trọn trái tim mình cho ông Bùi Văn Lâm, người con trai hơn mình 4 tuổi, ở ngôi làng phía bên kia sông.


Nhà ông Lâm vốn nghèo, lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chỉ có bốn anh em cưu mang nhau mà lớn lên. Tính ông Lâm chịu thương chịu khó, lại hiền lành, nên bà Hà thương ông lắm. Từ chỗ thương đến cảm mến rồi thành đôi, họ suốt ngày quấn quýt như hình với bóng. Ngặt nỗi nhà bà Hà cũng nghèo, bố mẹ bà muốn gả bà cho một gia đình khá giả để cuộc sống sau này bớt khổ. Nhưng vốn là người con gái quyết đoán, bà Hà quyết chỉ yêu và lấy một mình ông Lâm, bởi vậy mà dù chưa được sắm sanh trầu cau hỏi cưới, bà đã trao thân gửi phận cho ông, coi như là người của ông.


Biết gia đình bà Hà chê mình nghèo, ông Lâm tự ái, quyết chí đi làm ăn xa, định bụng sẽ kiếm vài lưng vốn rồi về quê cưới vợ, lập nghiệp. Vậy là ông theo một đám thanh niên khác trong làng xa quê đi Lâm Đồng hái cà phê, hạt điều và thu hoạch mủ cao su thuê. Ngày lên đường, đôi tình nhân chia tay rất bịn rịn và hẹn thề đinh ninh rằng sau hai mùa lúa, ông Lâm sẽ trở về, cùng bà Hà xây dựng gia đình.


Có được lời ước hẹn của người yêu, bà Hà ở nhà kiên gan đợi chờ, nhưng ngày tháng trôi đi biền biệt, đã qua hai mùa lúa mà ông Lâm vẫn biệt vô âm tín. Trong khi ấy, cái bụng bà Hà cứ lùm lùm, bà đã mang trong mình giọt máu của ông. Người đời ác miệng cứ đồn ra đồn vào, lời ong tiếng ve làm xáo động cả một vùng quê vốn yên ả. Bố mẹ bà Hà đau lòng, muối mặt vì con, đã nhiều lần bắt bà Hà phải bỏ đứa bé, nhưng bà vẫn quyết giữ lại đứa con cho ông Lâm. Cũng bởi vậy mà bà bị cha mẹ từ mặt, phải ra bãi đất cuối làng dựng một túp lều tạm bợ để chờ ngày sinh con.


Một mình vượt cạn đã rất khó khăn, nhưng một mình nuôi con giữa sự ghẻ lạnh, dè bỉu của làng xóm, họ tộc còn khó hơn rất nhiều. Vậy mà bà Hà vẫn cắn răng để vượt qua tất cả. Đứa con trai là động lực sống và cũng là tia hy vọng duy nhất của bà. Cứ thế, mẹ con bà nương tựa vào nhau sống qua ngày.


Thấm thoắt, con trai bà đã đầy 2 tuổi mà ông Lâm vẫn không có tin tức gì. Đã đến nước này, bà Hà cũng chẳng còn hi vọng gì vào người đàn ông bạc tình. Bà đã xác định ở vậy nuôi con khôn lớn. Bà cứ một bên gánh con, một bên gánh rau cỏ ra chợ bán, mẹ con sống lầm lũi qua ngày. Tuy chỉ có rau cháu nuôi nhau, cuộc sống có vô vàn khổ cực, nhưng có mẹ, có con, có túp lều rách vẫn rộn rã tiếng cười.


Nhưng niềm hạnh phúc vốn đã chẳng tròn vẹn của bà lại bin tước đoạt bởi một người mà bà chưa từng gặp mặt. Hôm ấy, giữa phiên chợ đông đúc, đang mải buôn bán thì bà nghe có ngườic chạy tới mách con trai bà đã bị môt phụ nữ lạ mặt dẫn đi đâu mất. Hoảng hốt, bà bỏ cả gánh rau, vội vã đuổi theo nhưng chiếc xe chở con trai bà đã đi mất bóng. Hỏi người trong chợ thì mỗi người nói một đằng, tả một lẻo, bà Hà chẳng biết đâu mà lần. Suốt nhiều ngày đau khổ, bà Hà như lên cơn điên, sùng sục đi tìm con bằng được. Có đồ đạc gì giá trị, bà đều đem đi cầm cố lấy tiền làm lộ phí. Hành trang chỉ có vài bộ quần áo sờn rách và tấm ảnh chụp của con trai, thế là bà lên đường, lê la khắp huyện này, tỉnh khác để hỏi thăm về con.


Những thông tin mập mờ không làm cho bà Hà nản chí. Bà bám vào từng manh mối rất nhỏ để đi tìm con. Lân la, dò hỏi mãi, rồi bà cũng lờ mờ đoán ra người đã bắt mất con trai bà chính là vợ của ông Lâm. Người ta kể lại với bà rằng ông Lâm đi làm thuê, nhờ chịu thương chịu khó mà lọt vào “mắt xanh” của một ông chủ vựa cà phê giàu có, rồi được ông này gả con gái cho.


Có vợ trẻ đẹp, giàu sang, ông Lâm quên ngay tình xưa nghĩa cũ ở quê, song cô vợ trẻ của ông không may lại mắc chứng bệnh gì đó dẫn tới vô sinh. Cô này nghe ngóng, biết được ông Lâm có người yêu ở quê, và người này đã sinh hạ một đứa con trai, chính là cốt nhục của ông Lâm. Sợ một ngày nào đó ông Lâm nhớ lại tình cũ, trở về quê nhận con trai và nối lại với người yêu năm nào nên cô này đã quyết định ra tay trước một bước. Cô ta đích thân tìm về quê ông Lâm rồi bắt cóc con trai của ông và bà Hà để mang về nuôi như con đẻ, nói dối ông Lâm rằng bà Hà đã lấy chồng mới, không tha thiết gì đứa bé nữa nên bán lại cho cô ta.


Hành trình tìm con và cái kết cổ tích


Biết được tin ấy, bà Hà hết sức phẫn nộ trước người phụ nữ giả dối kia. Nhưng cô ta giàu có, quyền thế, lại biết mặt bà, trong khi bà thì chưa từng gặp cô ta lần nào. Suy đi nghĩ lại, cuối cùng bà Hà nghĩ ra cách tự hủy hoại dung mạo của mình, giả làm người câm điếc, thọt chân để dễ tìm hiểu, nghe ngóng và dễ tiếp cận với gia đình mới ông Lâm. Cũng nhờ ngoại hình như vậy mà bà Hà được nhiều người thương. Người thì cho tiền, người cho đồ ăn, chốn nghỉ, người mách cho thông tin quý…


Nhưng bà Hà là người tự trọng, bà không nhận không của ai cái gì bao giờ. Có những nơi bà xin ở lại vài ngày rồi làm việc để trả công. Từ Long An, bà phiêu dạt lên tận Lâm Đồng, đi khắp các huyện để hỏi thăm tin tức của gia đình ông Lâm. Bà chỉ biết mang máng rằng ông Lâm ở Lâm Đồng, còn huyện nào thì không rõ, bởi vậy mà hành trình của bà rất mờ mịt. Nhưng không bởi thế mà bà chùn bước.


Tuy vậy, cứ như số phận cố tình đùa bỡn, bà Hà cứ hỏi thăm đến đâu thì người ta lại nói gia đình ông Lâm mới chuyển đi chỗ khác. Do căn bệnh của vợ ông Lâm nên gia đình ông này thường xuyên thay đổi chỗ ở, khi thì ở Lâm Đồng để dưỡng bệnh, khi lại ra ngoài bắc để thăm khám, điều trị… Bởi vậy mà bà Hà cứ lặn lội đi mãi, hết trong Nam lại ra ngoài Bắc, đuổi theo “bóng chim, tăm cá” của đôi vợ chồng và đứa con trai bị bắt cóc. 20 năm trời đằng đẵng, lúc tóc đã bạc, da đã bắt đầu nổi những dấu đồi mồi, bà mới tiếp cận được với con trai mình.


Khi ấy, con trai bà đã là một thanh niên tuấn tú, chuẩn bị nối nghiệp buôn bán của gia đình. Thỉnh thoảng thấy con, bà Hà những muốn dùng nốt chút sức già để lao tới ôm lấy con, nhưng nghĩ qua bao năm tháng đổi thay, con bà cũng chẳng còn nhận ra nổi bà nữa. Bởi vậy mà bà lại phải dùng khổ nhục kế. Sợ con không nhận mẹ, bà Hà đã phải xin ở lại làm thuê cho một gia đình buôn điều gần nhà ông Lâm để được ngày ngày nhìn thấy con.


Thân hình còm cõi, gầy guộc, chân lại bị tật, nhưng ngày nào bà Hà cũng phải lao động rất vất vả từ sáng sớm đến tối mịt. Không chỉ giúp việc thu mua điều, bà còn phải tham gia công đoạn sơ chế và những lúc không có người đến bán điều thì bà phải dọn dẹp, cơm nước cho nhà chủ, không lúc nào được ngơi nghỉ. Nhưng cứ lúc nào rảnh việc một chút, bà Hà lại tranh thủ lân la sang nhà ông Lâm, tiếp cận cậu con trai.Đầu tiên là bằng những lời thăm hỏi, rồi những món quà quê mà bà đã chắt chiu, dành dụm để mua… Dần dần, hình ảnh của người đàn bà khắc khổ cũng làm chàng trai Bùi Văn Thằng động lòng.


Mỗi ngày một chút, bà kể cho chàng trai nghe về cuộc sông hồi xưa của mình, về đứa con trai bị bắt mất và hành trình cực khổ đi tìm con. Đến khi bà cho Thắng xem ảnh con trai thì anh bàng hoàng nhận ra đứa trẻ trong ảnh chính là mình. Nhưng có lẽ cuộc hội ngộ sẽ không bao giờ được viên mãn như trong cổ tích nếu như ông Lâm không tình cờ nhận ra bà Hà, được nghe câu chuyện thống khổ của bà và nghĩ tới tình xưa nghĩa cũ mà cho bà được nhận con và công khai sự thật cho Thắng biết. Mối hận thù suốt 20 năm của hai người đàn bà cuối cùng cũng được hóa giải bởi tình yêu thương và lòng vị tha của người con trai của họ.


'Mẹ mìn' thừa nhận bắt cóc bé gái 4 tuổi


Diệu Thảo



Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.




www.nguoiduatin.vn

Back to TOP