Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Những chuyện 'cười ra nước mắt' chốn pháp đình


Trốn xét xử vì nghĩ triệu tập nhiều lần tòa cũng sẽ… chán


Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết, đơn vị đã bắt được đối tượng Lương Văn Đảng (SN 1997, trú tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) về hành vi trốn xét xử.


Trước đó, vào tháng 6/2014, Đảng đi theo bà ngoại thu mua sắt vụn tại xã Lam Sơn, huyện Na Rì (Bắc Kạn). Tại đây, Đảng đã trộm cắp một chiếc máy tính xách tay của chị Lô Thị Tuyết (trú tại Lam Sơn) rồi đem đi cầm đồ.


Những chuyện 'cười ra nước mắt' chốn pháp đình - Ảnh 1


Ngày 14/9/2014, Đảng từng bị lực lượng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bắc Kạn bắt tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ.


Trong thời gian tại ngoại, ngày 6/1, Tòa án nhân dân huyện Na Rì triệu tập Đảng đến xét xử thì bị can vắng mặt.


Nhiều lần triệu tập không được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Na Rì đã ra quyết định truy nã và bắt được đối tượng tại xã Lục Ba, huyện Đại Từ.


Tại cơ quan điều tra, Đảng khai rằng nghĩ tội của mình nhẹ, triệu tập nhiều lần mà không đến xét xử thì tòa cũng “chán” mà bỏ qua.


Chị dâu xin ly hôn... em chồng


Đầu tháng 4, TAND huyện Tuy An (Phú Yên) đưa vụ án “xin ly hôn” hy hữu xảy ra trên địa bàn.


Theo nội dung bản án, năm 2002, chị Bùi Thị Thanh Thương (43 tuổi) kết hôn với anh Bùi Văn Phụng và chung sống tại xã An Cư (huyện Tuy An).


Khi vợ chồng chị Thương nhờ người nhà là chị Võ Thị kim (45 tuổi, chị dâu anh Phụng) làm giúp giấy khai sinh cho đứa con thứ hai thì phát hiện giấy đăng ký kết hôn, mục người chồng ghi tên anh Bùi Văn Minh. Nơi đăng ký: UBND xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Điều oái ăm, anh Minh chính là em ruột của anh Phụng.


Những chuyện 'cười ra nước mắt' chốn pháp đình - Ảnh 2


Ba mẹ con chị Thương và mẹ chồng.


Ngớ người, chị Thương nhớ lại sự nhầm lẫn này do anh Phụng không biết chữ nên trước đó nhờ bố đẻ đi đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, bố đẻ chị lại mang nhầm CMND của em trai con rể mình làm thủ tục.


Sau đó, chị Thương đã gửi đơn đến TAND huyện Tuy An yêu cầu hủy giấy đăng ký kết hôn với em chồng và hủy luôn giấy khai sinh của con gái cả để đăng ký lại.


Ngày 2/4, TAND huyện Tuy An đã đưa vụ án “nhầm chồng” ra xét xử sơ thẩm công khai về việc “xin ly hôn” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 142014 QĐXX-ST ngày 24/2 giữa nguyên đơn là bà Bùi Thị Thanh Thương và bị đơn là ông Bùi Văn Minh, cùng trú tại thôn Hòa Thạnh, xã An Cư, huyện Tuy An. Người có quyền lợi liên quan là ông Bùi Văn Phụng.


TAND huyện Tuy An đã ra quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng giữa chị Bùi Thị Thanh Thương và anh Bùi Văn Minh, đồng thời tuyên hủy giấy chứng nhận đăng ký kết hôn giữa chị Thương và anh Minh, hủy giấy khai sinh của cháu Bùi Ngọc M. - con gái cả chị Thương.


Sau khi quyết định ly hôn trên giấy tờ có hiệu lực, chị Thương và anh Phụng đã đến UBND xã An Cư (Tuy An) để làm lại thủ tục đăng ký kết hôn theo đúng quy định và cải chính giấy khai sinh cho cháu M. Sự nhầm lẫn này đã gây ra không ít rắc rối về mặt pháp lý cho gia đình chị Thương.


Trả giá sau 2 thập kỷ vì tội cướp áo thiếu nữ


Đầu tháng 7, Phạm Văn Nhật (53 tuổi) và Dương Văn Toản (50 tuổi) cùng ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã phải trả giá vì hành vi tham gia vụ cướp giật tài sản xảy ra từ 2 thập kỷ trước.


Theo cáo trạng, mồng 6 Tết năm 1988, Nhật, Toản cùng nhóm bạn Vũ Bá Bừng (cùng xã) đi lễ hội Đền Gióng (huyện Sóc Sơn). Cả bọn bàn nhau cướp tài sản của khách thập phương.


Khi đến chùa Non Nước, phát hiện nhóm sinh viên gồm 4 người đang đi vãn cảnh, Bừng vờ hỏi xin thuốc lá để đồng bọn hành động lấy đi chiếc áo bò, máy ảnh, áo nhung và 5.400 đồng. Thấy một thiếu nữ đang mặc áo măng tô, một tên trong nhóm đe dọa ép cô cởi áo để cướp.


Những chuyện 'cười ra nước mắt' chốn pháp đình - Ảnh 3


Hai bị cáo Nhật và Toàn tại phiên tòa sau những năm tháng trốn chạy.


Thấy chị Đặng Thị H. đang mặc chiếc áo măng tô, một tên trong nhóm đe dọa rồi bắt thiếu nữ cởi áo đang mặc. Đám cướp chia nhau số tài sản cướp được.


Phía nạn nhân sau khi bị cướp đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.


Tổng số tài sản được định giá thời điểm đó là 150.000 đồng. Năm 1990, các đồng bọn của Nhật lĩnh án từ 20-40 tháng tù giam. Nhật và Toản bỏ trốn đến tháng 12/2013 (tức 25 năm sau) bị bắt theo lệnh truy nã.


Toản khai, bản thân không tham gia bàn bạc nhưng được đồng bọn chia cho chiếc áo màu hồng. Anh ta bị công an tạm giam 9 ngày sau khi xảy ra vụ việc.


Nói về lý do bỏ trốn sau nhiều năm gây án, người đàn ông 50 tuổi phân trần: "Bị cáo ở nhà không đi đâu. Đến năm ngoái bị cáo xin đi nấu cơm thuê trên Hà Nội được mấy hôm thì bị bắt. Suốt thời gian ở nhà bị cáo không hề nhận được thông báo truy nã".


Chủ tọa giải thích dù bị cáo không tham gia vụ cướp nhưng lại chứng kiến những người khác hành động không can ngăn nên bị quy vào đồng phạm.


"Lẽ ra thời kỳ đó các bị cáo hối lỗi, ra cơ quan đầu thú sẽ nhẹ nhàng hơn. Hơn 20 năm sau, tuổi đều đã cao lại đi tù là điều rất đáng tiếc cho các bị cáo", một vị hội thẩm nhân dân nói.


Sau hơn 2 thập kỷ, đến nay, thiếu nữ bị cướp năm xưa đã bước sang tuổi 43. Chị xin tòa xử nhẹ cho các bị cáo vì lý do ngày xưa số tài sản đấy là rất lớn nhưng bây giờ thì ít giá trị.


Xét hành vi các bị cáo là nguy hiểm, HĐXX xử phạt Nhật 40 tháng tù, Toản 36 tháng tù.


Giả làm cướp, đánh vợ dã man rồi báo công an


Tiểu Hoa (Tổng hợp)



Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.




www.nguoiduatin.vn

Back to TOP