Tình tiết khó tin trong kỳ án bộ xương cọp chấn động xứ Quảng
Vàng giả đổi... xương cọp
Chúng tôi tìm về xã Tà Bing, nơi đã lưu giữ bộ xương cọp quý hiếm trong kỳ án năm xưa nhưng chủ nhà đi vắng. Lần tìm quanh làng, chúng tôi tình cờ gặp già Bling Nhiên, người đã từng dự phiên tòa xét xử vụ cướp bộ xương cọp trước đây. Dù vụ án đã xảy ra gần 30 năm, nhưng nhắc lại vụ án xưa, già Nhiên vẫn còn nhớ như in bởi sự khôi hài và ly kỳ như... trên phim ảnh.
Tháng 2/1989, Võ Lộc Phước (SN 1960, ngụ xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) vô tình biết hai anh em Hing Hui và Bling Heo (trú thôn Ba Ting, Tà Bing, Nam Giang, Quảng Nam) đang cất giữ một bộ xương cọp rất lớn.
Biết đây là bộ xương có giá trị, Phước đến gạ mua lại bộ xương để bán kiếm lời. Phước trả giá 1.200.000 đồng, nhưng hai anh em Hui và Heo nói: “Mình không thích tiền đâu, chỉ thích chum, ché thôi”. Nghe hai người nói vậy, Phước liền nói: “Mình không có chum ché để đổi, hai người có thích đổi vàng không mình đổi cho”. Nghe Phước nói đổi vàng, hai anh Hui và Heo liền đồng ý. Nghe vậy Phước bảo hai anh em kia hãy đợi, mình về dưới xuôi đem vàng lên đổi.
Trong người không có vàng, nhưng ước muốn được sở hữu bộ xương cọp vẫn ngày đêm thôi thúc Phước phải chiếm đoạt. Đến ngày 13/2/1989, Phước gặp Phạm Thanh Hải (SN 1958, quê Đại Lộc). Qua trò chuyện, biết Hải là một tay anh chị, do vậy Phước rủ Hải cùng ra Đà Nẵng mua vàng giả, lên đánh lừa nhằm chiếm đoạt bộ xương cọp quý hiếm trên. Sau khi nghe Phước nói về bộ xương, Hải đồng ý liền.
Ngày 16/2/1989, Phước và Hải rủ nhau ra chợ Cồn (Đà Nẵng) mua 12 khâu vàng giả, giá một khâu là 250 đồng. Mua vàng giả xong, trên đường về đến đường Hùng Vương (Đà Nẵng), Phước và Hải gặp Phan Thanh Phóng (SN 1959, người cùng quê). Chỗ quen biết nên cả ba rủ nhau vào quán ven đường uống cà phê. Tại đây Phước và Hải nói cho Phóng biết ý đồ của mình. Nghe hai người bạn nói về âm mưu trên, Phóng liền bảo: “Tụi bây tưởng đồng bào dân tộc dễ tin lắm sao. Cách đó không lừa được người dân đâu”. Nói xong Phóng bảo Phước và Hải cứ về trước đi, y sẽ vào sau để bàn bạc tổ chức cách làm khác.
Bí kíp trong... chiếc bánh nếp
Với ý định cướp bộ xương cọp nhưng không làm tổn hại đến ai, Phóng nảy sinh ý định trộn thuốc ngủ trong bánh để gia đình Hui và Heo ăn.
Để thực hiện ý đồ trên, ngày 20/2/1989, Phóng đến chợ Cồn mua hai vỉ thuốc ngủ loại an thần. Với số thuốc ngủ này, Phóng tán thành bột trộn với bột nếp theo tỷ lệ khác nhau, một phần nhiều thuốc và phần ít thuốc rồi đem đúc thành bánh. Với phần nhiều thuốc ngủ, sau khi đúc thành bánh Phóng gói lại bằng giấy gương màu đỏ, bánh ít thuốc Phóng gói bằng giấy màu vàng.
Để thử công dụng, Phóng lấy một cái bánh vỏ màu vàng ném cho con chó của nhà ăn. Sau khi ăn xong chiếc bánh, con chó lăn quay ra ngủ. Chắc chắn hơn, Phóng tiếp tục lấy chiếc bánh có vỏ màu đỏ để y ăn thử, sau khi ăn xong Phóng thấy người mệt mỏi, buồn ngủ không gượng được và cũng lăn ra ngủ.
Có sản phẩm, Phóng vào ngay Quảng Nam để gặp Phước và Hải. Sau khi nghe Phóng nói về âm mưu của mình, các đối tượng nhất trí với kế hoạch dùng bánh nếp có chứa thuốc ngủ để chuốc gia đình Hui và Heo, rồi cướp bộ xương cọp. Để tạo vỏ bọc cho mọi người tin tưởng hơn, các đối tượng này đã mua thêm mì tôm, sữa, rượu mang theo. Để khuyến khích tinh thần của Phóng và Hải, Phước hứa nếu phi vụ thành công y sẽ cho mỗi người năm chỉ vàng.
Đến khoảng 15h30’ cùng ngày, cả ba quay lại thôn Ba Ting. Để tránh bị nghi ngờ, Phóng và Hải vào nhà Hui và Heo còn Phước ngồi đợi ở bến Giằng. Trong vai những người đi tìm vàng, Phóng và Hải vào nhà Hui và Heo để xin trú nhờ. Để cảm ơn, Phóng đưa bánh màu đỏ ra mời chị Blinh Vio và Bling Hoi (vợ của Hui và Heo) cùng mấy đứa trẻ trong nhà ăn. Đến khoảng 20h, Hui và Heo đi uống rượu về, Phóng cũng đưa bánh nếp mời họ ăn. Tuy nhiên sau khi ăn, gia chủ trong nhà vẫn tỏ ra bình thường.
Kế hoạch chính bất thành, Phóng liền chuyển sang kế hoạch B. Y lấy hai gói thuốc mang theo pha vào sữa mời vợ chồng anh Hui, Heo uống. Hai anh chủ nhà liền uống, còn chị Blinh Vio và Bling Hoi uống một ngụm cảm thấy đắng nên thôi và mời lại Phóng, Hải uống. Biết từ chối chủ nhà sẽ nghi nên Phóng và Hải phải uống. Sợ uống sẽ ngủ, Phóng bèn nói rằng sữa ngọt quá nên lấy thêm nước đổ vào để pha loãng ra mới uống. Còn Hải nhanh tay cầm lấy bình rượu uống thay cho sữa. Uống sữa và ăn bánh xong, cả nhà lăn ra ngủ, chỉ có anh Heo vẫn tỉnh táo, do trước đó đã uống nhiều rượu, nên thuốc ngủ không còn tác dụng.
Đợi mãi không thấy anh Heo ngủ. Thấy không thể ra tay được nên cả hai quay trở ra lại bến Giằng gặp Phước, lúc này đã 4h ngày 22/2/1989.
Cao thủ sa lưới
Phi vụ lần đầu không trót lọt, nhưng sức hút của bộ xương cọp đã làm cho Phước không thể cưỡng. Ngày 25/2/1989, Phước đến nhà Phóng cùng bàn bạc kế sách cho phi vụ tiếp theo, nghĩ Phóng chưa nhiệt tình, nên lần này để khích lệ chiến hữu, y đưa cho Phóng 15.000 đồng gọi là để tiêu vặt. Có tiền, Phóng đồng ý tiếp tục kế hoạch trộm cắp với Phước. Trước khi lên đường trở ra Đà Nẵng để mua thuốc ngủ, Phóng giao nhiệm vụ cho Phước là phải tìm cho được một cao thủ có tửu lượng cao, để gia chủ ăn bánh xong mà vẫn không ngủ thì mời rượu chuốc cho thật say để cả bọn ra tay cướp bộ xương cọp.
Sau khi mua được thuốc ngủ, Phóng về nhà tiếp tục chế biến và làm bánh như lần trước. Về phần Phước cũng đã tìm ra một cao thủ có tửu lượng hảo hạng là Trần Duy Hay. Sau khi cả ba cùng bàn bạc và thống nhất phương án, Phước ra điều kiện nếu cướp được bộ xương cọp thì sẽ đưa cho Phóng 3,5 chỉ vàng, đưa Hay 1 chỉ, các “đối tác” đồng ý và chuẩn bị “hành lý” lên đường.
Ngày 26/2/1989, Phước, Phóng và Hay ngược tỉnh lộ 14B trở lại Giằng để thực hiện tiếp phi vụ. Đến khoảng 20h cùng ngày, khi gần đến mục tiêu, Phước và Phóng không đi tiếp vì sợ người nhà biết mặt nên chỉ đạo cho Hay mang ba lô đi thẳng vào nhà Bling Heo, Bling Hui giả vờ đi xin lửa mồi thuốc. Khi đến nơi, như kịch bản đã dựng sẵn, Hay mở ba-lô ra lấy bánh mời mọi người trong gia đình Heo, Hui ăn. Thấy mọi người nhận bánh nhưng cứ cầm và nhìn mình, Hay nghĩ có thể kế hoạch đã bị lộ nên tìm đường tẩu thoát. Tuy nhiên, Hay bị dân đuổi theo bắt giữ. Các đối tượng còn lại cũng lần lượt sa lưới.
Với hành vi trên, ngày 15/9/1989, TAND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đưa vụ án trên ra xét xử. Theo đó HĐXX tuyên phạt Phan Thanh Phóng, Võ Lộc Phước mỗi bị cáo năm năm tù, Phạm Thanh Hải ba năm tù và Trần Duy Hay hai năm tù về tội cướp tài sản công dân.
Vượt ngục hơn 20 năm vẫn không thoát Trong quá trình thụ án tại trại giam Hòa Sơn (Hòa Vang, Quảng Nam-Đà Nẵng), Phước không lúc nào không nghĩ đến ý định tẩu thoát. Đến ngày 22/4/1990, lợi dụng sơ hở của quản giáo khi đang lao động, Võ Lộc Phước đã trốn trại và chạy vào Đồng Nai lẩn trốn. Tại đây, y đổi tên thành Võ Thái Tân và có một gia đình khá ổn định với 3 đứa con. Vào giữa năm 2000, y và vợ chuẩn bị xuất cảnh thì vợ lại có thai nên không thể đi được. Qua nhiều năm lặn lội tìm kiếm, xác minh, đến ngày 29/8/2011, Võ Lộc Phước bị phòng Truy nã Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện bắt giữ tại xã Tân Phú (huyện Định Quán, Đồng Nai), kết thúc cuộc phiêu bạt, trốn chạy hàng chục năm của một tay “mê” xương cọp. |
Nguyễn Hưng
Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.
www.nguoiduatin.vn