Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Đại biểu Quốc hội chất vấn Chánh án TANDTC về 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng


Theo tin tức trên báo Lao Động, sáng 13/3, tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chánh án toà án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Đa số đại biểu tập trung chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình về 5 vụ án đang được dư luận quan tâm và vấn đề bồi thường oan sai .


Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) là người đầu tiên chất vấn Chánh án Trương Hòa Bình về 5 vụ án đặc biệt quan trọng: Bản án tử hình với Hồ Duy Hải tôi giết người cướp tài sản ở Cầu Voi (Long An) có oan không? Tại sao khi Chủ tịch Nước đã bác đơn xin ân giảm, toà lại hoãn thi hành án? Hình phạt tử hình với Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng về tội giết người cướp tài sản thỏa đáng không? Tại sao tình tiết như nhau về tội hiếp dâm mà Lê Bá Mai xử án chung thân, còn Hàn Đức Long nhận án tử hình? Vì sao Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang nhiều năm có đơn nhưng khi có hung thủ thật Lý Nguyễn Chung ra đầu thú thì Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mới xem xét?


Với vụ án Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, năm 2000 đã có đơn tố giác tội phạm khác chứ không phải Nén, mà 16 năm qua không được xem xét, đến cuối 2014 mới giám đốc thẩm?


Đại biểu Đương cũng đặt ra những câu hỏi với lãnh đạo Bộ Công an: Về 5 án trên, dư luận cho rằng bức cung nhục hình, thực sự có đơn tố cáo bức cung của 5 bị can này không? Giải quyết cụ thể ra sao? Quá trình điều tra 5 vụ án trên có những thiếu sót gì cơ bản? Việc này có ảnh hưởng thế nào đến việc xác định bản chất thật của vụ án?


Đại biểu Quốc hội chất vấn Chánh án TANDTC về 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng - Ảnh 1


Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương đặt ra một loạt các câu hỏi liên quan tới 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua. Ảnh: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam


Chỉ có vụ Nguyễn Thanh Chấn là oan


Về các vấn đề được hỏi, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, ở vụ án Hồ Duy Hải, sự việc hai nhân viên bưu điện Cầu Voi (Long An) bị giết gây bức xúc lớn trong cộng đồng, gia đìnhxã hội yêu cầu điều tra làm rõ. Cơ quan điều tra đã tiến hành truy xét, phát hiện nghi can Hồ Duy Hải và Hồ Duy Hải đã nhận tội có giết người. Quá trình điều tra có luật sư dự cung, trên cơ sở đó, cơ quan điều tra tiến hành xác minh, sau đó Viện kiểm sát đã truy tố và đưa ra tòa xét xử. Tại tòa sơ thẩm, bị cáo nhận tội, tự nhận không có bức cung, nhục hình, nên kết án Hồ Duy Hải có tội. Qua quá trình phúc thẩm, bị cáo có một phần không phạm tội nhưng không rõ, nên không làm thay đổi bản chất vụ án và đã kết tội Hồ Duy Hải.


“Vậy đặt vấn đề có oan hay không? Xin thưa, tòa án trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa phát hiện ra có căn cứ để kháng nghị mặc dù phát hiện ra một số thiếu sót trong quá trình thu thập điều tra. Chủ tịch Nước cũng bác đề nghị ân xá của Hồ Duy Hải. Việc có oan hay không căn cứ vào việc người có thẩm quyền có kháng nghị hay không. Chúng tôi đã lập một tổ liên ngành do VKS chủ trì làm việc tích cực, quyết liệt. Khi đoàn liên ngành vào hỏi, Hồ Duy Hải vẫn nhận tội. Đơn của Hồ Duy Hải xin giảm án, chúng tôi sẽ rất thận trọng xem xét, nếu có đủ căn cứ kháng nghị thì sẽ kháng nghị” - Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trình bày.


Về câu hỏi của đại biểu Đương, tại sao Chủ tịch Nước bác đơn nhưng vẫn hoãn thi hành án, ông Trương Hòa Bình cho biêt: “Đây là vấn đề pháp lý nhưng do tôn trọng nguyện vọng gia đình bị cáo. Mẹ bị cáo đến yêu cầu tòa án xin hoãn, báo chí cũng đề cập đến việc này. Chủ tịch Nước cũng yêu cầu tòa và viện xem xét thận trọng, xem kỹ lại xem có oan không? Do vậy, TAND tỉnh Long An tạm hoãn thi hành án. Chúng tôi thành lập đoàn liên ngành để xem xét một cách thận trọng. Sơ bộ đã có một số nhận định, tuy nhiên đoàn liên ngành yêu cầu kiểm tra kỹ lần nữa, sau Tết sẽ họp lại đánh giá thật toàn diện, đầy đủ, khách quan.


Về hình phạt tử hình bị cáo Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng về tội giết người cướp tài sản có thỏa đáng không? Ông Trương Hòa Bình cho biết: “Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị hướng giảm tử hình xuống chung thân nhưng hội đồng đã bác vì căn cứ vai trò của Chưởng là chủ mưu thì hậu quả đến đâu, người chủ mưu chịu trách nhiệm đến đó. Chưởng không trực tiếp làm người bị hại tử vong mà do đối tượng khác nên khi hậu quả xảy ra người cầm đầu phải chịu trách nhiệm. Khẳng định đây không phải vụ án oan, chắc chắn không oan. Tất nhiên nếu có ý kiến của Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét một cách thận trọng”.


Về câu hỏi đối với hai bị cáo cùng phạm tội hiếp dâm như nhau mà Lê Bá Mai bị chung thân còn Hàn Đức Long bị tử hình, ông Bình trả lời: “Vụ án Hàn Đức Long đang có kháng nghị, giám đốc thẩm đã hủy án. Đối với câu hỏi của ĐB Đương về việc áp dụng pháp luật, xin thưa đại biểu, tội hiếp dâm được quy định trẻ dưới 13 tuổi khung hình phạt rộng, căn cứ vào tình tiết vụ án, thủ đoạn, hành vi, tính chất nghiêm trọng, tình tiết tăng nặng giảm nhẹ để có quyết đinh. Đây là quyết định độc lập của các hội đồng, Chánh án tôn trọng quyết định của các hội đồng".


Theo ông Bình, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang thì đang bàn bạc về vấn đề bồi thường.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga hỏi: Trong vụ án oan này, ông Chấn bị tù oan 10 năm, vậy đến nay giải quyết bồi thường oan sai đến đâu – chậm vì sao?


Chánh án Trương Hòa Bình giải trình: “Về vụ ông Chấn, có thể nói các cơ quan tố tụng đã giải quyết quyết liệt, đến nay đã giải quyết cơ bản, minh oan đã xong. Về bồi thường, TANDTC đã đề nghị ông Chấn cung cấp thêm tài liệu để tòa làm căn cứ xem xét, bồi thường nhưng gia đình ông Chấn chưa cung cấp được. Tòa đã hai lần đến nhà ông Chấn, làm việc với luật sư để thu thập tài liệu, chỉ còn chờ tài liệu từ phía gia đình và ông Chấn. Đây là căn cứ tính toán bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần cho ông Chấn”.


Trả lời ĐB Đỗ Văn Đương về vấn đề bức cung, giải quyết đơn kêu oan của ông Chấn, Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng, sau khi có đơn, các đơn vị cũng đã khẩn trương xem xét, giải quyết đơn của ông Chấn. Vụ án ông Chấn đã kết luận rõ oan sai và đã minh oan cho ông Chấn.


Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, oan sai xảy ra do chưa tôn trọng chứng cứ, chứng minh sự thật khách quan vụ án, đánh giá chứng cứ còn trọng cung hơn trọng chứng. “Nguyên tắc là phải trọng chứng, không dễ tin ngay lời khai của đối tượng gây án, nhân chứng. Nhưng còn tình trạng chưa đề cao chứng cứ vật chất, thu thập chứng cứ hiện trường, giám định chứng cứ. Nguyên nhân chủ quan từ cán bộ điều tra, do năng lực, phẩm chất, trách nhiệm không tuân thủ đúng quy trình, tư tưởng thành tích, nôn nóng dễ dẫn đến sai phạm. Ví dụ vụ việc Ngô Thanh Kiều, do nôn nóng, đối tượng ngoan cố dẫn đến nhục hình” – ông Vương lý giải.


Đại biểu Quốc hội chất vấn Chánh án TANDTC về 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng - Ảnh 2


Chánh án Trương Hòa Bình tại phiên chất vấn. Ảnh: chinhphu.vn


Không đủ chứng cứ chứng minh thì tuyên không phạm tội


Theo báo Pháp Luật TP.HCM, về giải pháp chống oan, chống lọt tội, Chánh án Trương Hòa Bình trả lời: Tôi đã trình bày trong lần chất vấn trước đây. Xác định 3 giải pháp đột phá. Một là thực hiện tốt tranh tụng. Sửa luật thiết kế tốt phần tranh tụng, làm sao phát huy vai trò luật sư, có thể để họ tham gia từ giai đoạn hỏi cung. Người phạm tội không phải chứng minh mình không phạm tội…


Bên cạnh đó phải nâng cao chất lượng đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán.


Sáp tới đây, thực hiện Luật tổ chức TAND, tố tụng phải quy định rõ quyền tư pháp của tòa được thực hiện trong tố tụng. Quyền tòa án khi xem xét hồ sơ VKS chuyển sang, nếu chưa đủ căn cứ buộc tội thì tòa yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung. Quá trình trả hồ sơ ko đáp ứng thì tòa trực tiếp điều tra thu thập chứng cứ. Nếu qua thẩm tra, xác minh tòa xác định không đủ căn cứ buộc tội thì yêu cầu VKS rút. Nếu VKS không rút, đưa ra xét xử, quá trình tranh tụng không đủ căn cứ xác minh tội phạm thì tòa tuyên không phạm tội.


Việc tòa tuyên không phạm tội không nên nghĩ rằng tòa có phán quyết khiến các cơ quan tố tụng cảm thấy bức xúc. Trách nhiệm của các cơ quan tố tụng là chứng minh tội phạm, nếu không chứng minh được phải tuyên bị cáo không phạm tội.


Điều tra, VKS cũng phải nâng cao trách nhiệm Nhất là giai đoạn điều tra ban đầu, thu thập chứng cứ phải làm kỹ. Điều tra viên làm tốt việc thu thập chứng cứ ban đầu tại hiện trường thì hạn chế được rất nhiều oan sai.


Không thể vì thành tích nôn nóng. Tòa án đã có quy định, có thông tư liên tịch vinh danh các thẩm phán giỏi, thẩm phán mẫu mực…


Người chịu án oan gian nan đòi bồi thường


Gia Huy (Tổng hợp)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP