Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bị rút giấy phép chứng khoán vẫn lừa 43,6 tỉ đồng


Tổng giám đốc làm giả giấy tờ


Chiều 22/3, cơ quan CSĐT bộ Công an (khu vực phía Nam) cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty Cổ phần Chứng khoán Trường Sơn (viết tắt là công ty TSS, địa chỉ tại Hồ Văn Huê, P.6, Q.Phú Nhuận, TP. HCM).


Đồng thời, khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt giam Hồ Hoài Nam (SN 1977, Tổng giám đốc công ty TSS, ngụ tại phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) và Nguyễn Trung Thành (SN 1980, Phó Tổng giám đốc công ty TSS, ngụ tại P.11, Q.6, TP.HCM ) về tội làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tài sản.


Bị rút giấy phép chứng khoán vẫn lừa 43,6 tỉ đồng - Ảnh 1


Công ty chứng khoán Trường Sơn đã dừng hoạt động, gỡ biển hiệu.


Trước đó, cơ quan CSĐT bộ Công an nhận được đơn thư của ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa, nay là ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (ngân hàng TNB) tố cáo, bị lãnh đạo công ty TSS làm giả 28 bộ hồ sơ mua bán chứng khoán để vay tiền ngân hàng này rồi chiếm đoạt hơn 43,6 tỉ đồng. Cơ quan điều tra cho biết, hai bị can này đã làm giả hồ sơ mua bán chứng khoán để vay tiền của ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn nhằm mục đích lừa đảo.


Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, vào tháng 3/2011, ông Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch HĐQT của TSS, ủy quyền cho Hồ Hoài Nam thực hiện việc ký hợp đồng hợp tác với TNB, với nội dung ngân hàng này cho TSS vay tiền.


Các điều kiện kèm theo gồm, khách hàng phải có hoạt động mua bán chứng khoán, kỳ hạn vay vốn ba ngày để ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết trên cơ sở tài sản đảm bảo, và nguồn trả nợ là nguồn thu từ việc bán chứng khoán niêm yết từ chính sở hữu của khách hàng.


Sau khi ký hợp đồng hợp tác, Hồ Hoài Nam đã lợi dụng các điều khoản trong hợp đồng, cùng Nguyễn Trung Thành làm giả 28 bộ hồ sơ vay tiền từ TNB.


Theo đó, Nam và Thành đã giả mạo chữ ký khách hàng, trong giấy để đề nghị ngân hàng cho ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết, và ký khống giấy xác nhận kết quả giao dịch. Sau đó, các bị can đã dùng các giấy tờ giả này làm thủ tục để vay vốn với số tiền hơn 43,6 tỉ đồng của TNB.


Lừa từ ngân hàng đến người dân


Toàn bộ số tiền này sau đó được TNB chuyển vào tài khoản của TSS. Công ty này đã sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: Chi hoạt động của công ty, chuyển cho hai công ty của ông Hoàng Minh Sơn gần 29,5 tỉ đồng và chuyển cho vợ ông Sơn hơn 9,3 tỉ đồng.


Cho đến nay, TSS ngừng hoạt động và không trả nợ cho TNB. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT bộ Công an còn nhận được nhiều đơn của cá nhân và doanh nghiệp, tố cáo một số lãnh đạo của công ty TSS, lừa đảo với thủ đoạn môi giới trái phiếu Chính phủ, để chiếm đoạt số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng, đến nay không thanh toán.


Xem video:


Bắt Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Trường Sơn.


Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, bắt đầu từ năm 2012, các sai phạm của công ty TSS dần bị các cổ đông phanh phui. Chính vì thế, từ tháng 7/2013, công ty này đã bị ủy ban Chứng khoán thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, công ty TSS vẫn tiếp tục hoạt động và thực hiện các phi vụ lừa đảo. Cho tới khi, bộ Công an vào cuộc bắt giam lãnh đạo, công ty mới thực sự dừng hoạt động.


Sáng 23/3, PV tìm đến trụ sở của công ty TSS để tìm hiểu thêm sự việc. Theo ghi nhận, công ty TSS đã dừng hoạt động, biển hiệu của công ty đã được gỡ xuống. Tuy nhiên, người dân xung quanh vẫn chưa hết bàn tán xôn xao về việc lừa đảo của lãnh đạo công ty.


Anh N.H.T. (36 tuổi, người dân xung quanh) cho biết: “Đến giờ này, sự việc mới bắt đầu tạm lắng xuống. Những ngày trước kinh hoàng lắm. Hàng chục người tìm đến đòi nợ, ngân hàng, công an đến làm việc thường xuyên. Tôi sống ở đây lâu rồi, ban đầu cũng thấy bất ngờ, nhưng sau đó nghe mọi người nói chuyện, tôi mới biết hành vi lừa đảo của họ”.









Có thể chịu mức án chung thân?


Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) cho biết, hành vi của đối tượng Hồ Hoài Nam, Nguyễn Trung Thành có thể bị khép vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 2, Điều 139 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Tùy vào mức độ và tính chất của vụ việc, các đối tượng phạm tội có thể phải chịu mức án phạt cao nhất là tù chung thân.


Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.



Hạ Du





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP