Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Chỗ ngồi không phải chuyện vừa đâu!


Trong phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/3, đại biểu Bùi Mạnh Hùng phát biểu: Nguyên tắc tối cao trong cải cách tư pháp lấy tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm. Kết quả xét xử dựa vào tranh tụng tại phiên tòa. Hiện nay, việc bố trí chỗ ngồi của VKS và luật sư đang thể hiện sự chênh lệch. VKS ngồi ngang với chủ tọa, còn luật sư ngồi ngang với bị can bị cáo, như vậy chưa đủ công bằng, dân chủ công khai sẽ khiến ý kiến luật sư chưa thực sự được tôn trọng.


Chỗ ngồi không phải chuyện vừa đâu! - Ảnh 1


Sự bất bình đẳng thể hiện giữa chỗ ngồi của luật sư và kiểm sát viên trong phiên tòa.


Một số luật sư cho rằng, Bộ luật Tố tụng Hình sự chỉ quy định về tranh tụng tố tụng, chứ chưa quy định về hình thức tổ chức một phiên tòa, vị trí ngồi của hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký, luật sư… Vì chưa có một quy định thống nhất, cụ thể nào về việc bố trí ghế ngồi phải trái, cao thấp ra sao, cách ngồi thế nào cho nên ở mỗi nơi, mỗi tỉnh lại có một kiểu bài trí bàn ghế khác nhau. Thông thường, thư ký ngồi bên trái hội đồng xét xử, bên tay phải là kiểm sát viên.


Tuy nhiên, ở một số tỉnh phía Nam, thư ký lại ngồi giữa, trước mặt hội đồng xét xử. Ở nhiều nơi, đại diện Viện Kiểm sát ngồi ngang hàng với hội đồng xét xử chỉ chéo nhau một chút, còn luật sư là ngồi ở vị trí thấp hẳn ở thềm dưới của phòng xử án.


LS.Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Chính vì luật không quy định về hình thức, cách thức tổ chức, bài trí một phiên tòa cho nên bố cục phòng xử án ở mỗi nơi một khác, thích kê kiểu gì thì kê, không theo một quy tắc nhất định nào. Thiết nghĩ, cải cách tư pháp nên bắt đầu từ việc cải cách chỗ ngồi và luật hóa các quy định về chỗ ngồi để thống nhất về hình thức tổ chức phiên tòa khắp các nơi trong cả nước”.


Thực tế cho thấy, trong các phiên tòa hiện nay, đa số bàn KSV có vị trí ngang độ cao với hội đồng xét xử còn chỗ ngồi của luật sư lại được bố trí thấp hẳn ở phía dưới của HĐXX. Chưa cần biết việc tranh tụng có bình đẳng hay không nhưng ngay vị trí ngồi cao thấp đó đã thể hiện sự bất bình đẳng. Nhà nước đang tập trung cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng tranh tụng, tôn trọng các hoạt động tranh tụng để đảm bảo các vụ án được xét xử một cách công bằng, khách quan nhất nhưng dường như đã coi nhẹ vấn đề hình thức mà cụ thể là việc bố trí chỗ ngồi tại phiên tòa. Chính cách ngồi như hiện nay đã vô hình trung khiến nhiều người lầm tưởng luật sư tranh tụng với hội đồng xét xử chứ không phải tranh tụng với đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa. Trong khi đó, hội đồng luật sư tranh tụng với đại diện viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa, một bên buộc tội, một bên gỡ tội còn HĐXX có trách nhiệm điều khiển phiên tòa và đưa ra phán quyết cuối cùng.


Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này, LS.Bùi Đình Ứng đề xuất: "Giữa luật sư và KSV đã công bằng, sòng phẳng với nhau về câu chuyện pháp luật trong phiên tòa, thì nên chăng cũng nên công bằng, sòng phẳng với nhau về vị trí cao thấp tại phiên tòa? Bản thân những người làm luật sư chúng tôi không quan trọng, không nặng nề việc mình ngồi ở vị trí nào, cao thấp ra sao nhưng vấn đề quan trọng là khi người khác nhìn vào, mặc nhiên người ta đã nhận thấy có sự không công bằng, không bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Hơn nữa, trong một phiên tòa, chỉ có HĐXX mới nhân danh Nhà nước và ngồi ở vị trí cao nhất chứ KSV không thể nhân danh Nhà nước để buộc tội và ngồi ngang vị trí với HĐXX. Thiết nghĩ vị trí ngồi của luật sư và KSV phải ngang bằng nhau và điều này cũng cần được quy định rõ ràng trong luật”.


LS.Hà Đăng (Văn phòng Luật sư Hà Đăng – đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, chỗ ngồi tại phiên tòa cũng chỉ là chuyện hình thức, không quá quan trọng, chỉ cần làm sao để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia tranh tụng tại phiên tòa. Ở Đà Nẵng, người ta cũng đã sắp xếp kiểm sát viên (KSV) ngồi dưới, ngang hàng với luật sư, chỉ có hội đồng xét xử (HĐXX) mới được ngồi trên cao. Tuy nhiên, cách sắp xếp này chưa phổ biến ở nhiều nơi và cũng chưa đi đến một thống nhất chung cụ thể.


Trong khi đó, LS.Nguyễn Thế Truyền (GĐ công ty Luật hợp danh Thiên Thanh – đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định, cách sắp xếp vị trí chỗ ngồi tại phiên tòa có cả một khoa học pháp lý của nó, liên quan đến văn hóa pháp đình, tâm lý của người tham dự và cả tư duy ứng xử. Hiện nay, việc bố trí chỗ ngồi của luật sư và KSV đúng là chưa hợp lý, còn thể hiện sự chênh lệch, chưa thực sự công bằng, dân chủ.


Còn LS.Nguyễn Văn Nguyên (Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên - đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích, nếu chúng ta bố trí chỗ ngồi của luật sư không hợp lý thì sẽ gây một sự phản cảm, một cảm nhận về địa vị thấp kém hơn, yếu thế hơn của người luật sư với chức năng bào chữa so với bên buộc tội (KSV). Như vậy, vô hình trung, chúng ta đã gián tiếp làm ảnh hưởng quyền lợi được bảo vệ, được xét xử công bằng, khách quan của bị cáo.


Dương Dung





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP