Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Gặp cụ ông dùng máu để viết thư kêu án oan sai


Huyết thư kêu oan


Trong những ngày bị giam tại trại giam Phủ Đức (tỉnh Vĩnh Phú) để chờ ngày thi hành án tử hình, tử tù Trần Văn Thêm liên tục kêu oan. Tiếng kêu ai oán như thấu trời xanh, ít nhiều gây được sự chú ý của cán bộ quản giáo và các bạn tù trong trại giam. Tuy nhiên, những người này không có đủ thẩm quyền để xem xét lại vụ án. Đến lúc việc kêu oan rơi vào thinh không, tử tù Trần Văn Thêm đã nghĩ ra cách dùng máu của mình, viết huyết thư kêu oan, gửi cán bộ trại giam và người thân của mình.


Tâm sự với PV về những bức huyết thư hơn 40 năm về trước, cụ Trần Văn Thêm xúc động nói: “Trong trại giam, tôi đã kêu oan đến rát cả họng. Vậy mà, chẳng thấy cơ quan, đoàn thể nào đoái hoài tới lời tôi nói. Trong một đêm thức trắng, tôi nghĩ ra cách viết thư kêu oan, nhờ cán bộ trại giam gửi đến cơ quan pháp luật “đèn giời soi xét”.


Cụ Thêm nhớ lại: “Hồi ấy, tôi đã dùng ngón tay mình làm bút, cắn đầu ngón tay cho “mực” chảy ra, rồi viết lên bất kỳ tờ giấy nào tôi vô tình nhặt được trong trại giam. Khi không có giấy, tôi viết thư lên màn xô trắng được trại giam phát cho phạm nhân để chống muối đốt vào ban đêm”.


Chi tiết này được ông Cù Văn Tiện (nguyên cán bộ Công an tỉnh Vĩnh Phú) xác nhận với PV. Ông Tiện nhớ lại: “Vào khoảng năm 1970-1975, tôi có nghe anh em báo cáo tại trại giam Phủ Đức có tử tù Trần Văn Thêm liên tục kêu oan. Tử tù Thêm còn cắn đầu ngón tay, dùng máu của mình viết lên màn xô trắng nói mình bị oan. Thậm chí, tử tù Thêm còn xé cả chăn của trại giam để viết thư kêu oan”.


Chia sẻ với PV về bức huyết thư này, cháu trai của cụ Trần Văn Thêm, ông Trần Văn Năm (SN 1949, trú tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cho biết: “Một hôm, nhà có giỗ, bố tôi nhận được huyết thư của chú Thêm gửi về. Vì thời gian đã quá lâu, tôi chỉ nhớ mang máng nội dung bức thư như sau: Em không giết V.. Trước sau thì anh, em mình sẽ được gặp nhau”. Khi đó, bố ông Năm đọc bức huyết thư của cụ Thêm cho cả nhà nghe, nhiều người đã không cầm được nước mắt. Trong khi đó, thời gian cứ trôi đi, mọi người trong gia đình thấp thỏm lo âu, không biết khi nào người thân của mình phải trả án.


Nỗi cay đắng của người thân kẻ mang án giết người


Không có lời lẽ nào tả hết được những đoạn trường cay đắng của người thân tử tù Thêm trong những ngày cụ đang bị giam giữ. Tâm sự về phút giây đau buồn cách đây gần 45 năm với PV, bà Trần Thị Xuân (SN 1957, con gái lớn của cụ Trần Văn Thêm) nghẹn ngào không nói nên lời. Chờ cho giây phút xúc động lắng xuống, lấy tay gạt những giọt nước mắt đang lăn dài trên má, bà Xuân kể: “Hồi đó, tôi mới chỉ là một cô bé hơn 10 tuổi, chưa hiểu được chuyện của người lớn. Tôi còn nhớ mãi phút giây đầu tiên người ta đến nhà nói bố Thêm bị công an bắt giam về tội giết người, mấy mẹ con tôi ôm nhau khóc như mưa. Năm 1971, nhiều nơi ở miền Bắc bị lụt lội, ba gian nhà tranh của gia đình tôi bị mưa gió làm tốc mái, sáu mẹ con ướt như chuột lột. Em út tôi ngủ ngon trên tay mẹ, còn chúng tôi rét run vì nước mưa, vì gió lạnh thổi thốc vào nhà. Sáng ra, bà con làng xóm thương tình, mỗi người một tay giúp mẹ con lợp lại mái nhà bằng giấy dầu. Hồi ấy, kiếm được giấy dầu để lợp mái là cả một vấn đề”.


Gặp cụ ông dùng máu để viết thư kêu án oan sai - Ảnh 1


Bà Trần Thị Xuân, con gái cụ Thêm cùng bố trần tình với PV. (Ảnh Thành Long)


Từ ngày cụ Thêm bị bắt, gánh nặng gia đình đè hết lên đôi vai gầy yếu của cụ Gái. Nhớ về người mẹ đã khuất núi, bà Xuân rớt nước mắt: “Mẹ tôi làm quần quật cả năm nuôi chị em tôi. Đến dịp lễ, Tết, khi người ta gói bánh chưng cho con cái, thì mẹ tôi lại khăn gói quả mướp đi tiếp tế cho bố. Ngày Tết, tàu đông người, mẹ tôi thường chui vào nhà vệ sinh mới có chỗ đứng. Một năm, mẹ đi thăm bố hai lần, lần nào về đến nhà, tôi cũng thấy mắt mẹ đỏ, sưng húp. Mẹ khóc vì thương bố”.


Bà Xuân trần tình: “Sống ở đời, dù mình có tốt đến đâu, cũng có kẻ yêu, người ghét. Khi gia đình tôi gặp nạn, không ít kẻ gièm pha. Họ dè bỉu, nói chúng tôi là con của kẻ giết người, không cho con chơi với chúng tôi. “Khi có đám dạm hỏi cưới tôi, những kẻ gièm pha lại nói: “Thiếu gì con gái mà phải lấy con kẻ giết người”. Do vậy, chuyện hôn nhân của tôi cũng bị ảnh hưởng”.


Video xem thêm: Người chịu án oan gian nan đòi bồi thường


Không chỉ người thân trong gia đình mà cả dòng họ của cụ Thêm cũng bị ảnh hưởng vì vụ án này. Trò chuyện với PV, ông Trần Văn Năm (SN 1949, cháu cụ Thêm) phản ánh: “Chú Thêm nhà tôi là người hiền lành, đức độ, quanh năm chỉ biết làm ăn, chăm vợ, nuôi con. Khi chú tôi bị bắt, người ta coi thường chú, xúc phạm chú. Cả dòng họ tôi sửng sốt vì chuyện này, mọi người trong gia đình chỉ biết chú tôi bị bắt giam nhưng có ai biết chú ấy bị bắt về tội gì đâu? Trong làng có kẻ ác mồm, bảo họ nhà tôi có kẻ giết người. Con cháu chúng tôi ra đường chơi, trẻ nhỏ chơi đùa với nhau, tránh sao được chuyện cãi cọ, tranh giành nhau trò chơi, họ lại nói đừng chơi với giống giết người. Nghĩ mà đau quá! Lúc đó, tôi không nghĩ chú tôi lại giết em họ chỉ để lấy tiền. Nhưng chi tiết vụ án ra sao, chúng tôi không được biết nên cũng không biết phải làm thế nào...”.


Như được sinh ra lần thứ hai


Ngồi trong bốn bức tường lạnh lẽo, chờ ngày thi hành án, tử tù Trần Văn Thêm sống trong tột cùng tuyệt vọng. Thói quen duy nhất níu kéo tử tù này với cuộc đời chính là câu cửa miệng: “Tôi bị oan, tôi không giết người”. Rồi ngày định mệnh đã đến, khi thấy cán bộ quản giáo vào phòng giam, tháo cùm chân và dẫn đi ra ngoài, tử tù Trần Văn Thêm cảm nhận cái chết đang cận kề ngay trước mặt (nghĩ mình đi trả án- PV).


Cụ Trần Văn Thêm kể lại: “Đến phòng của cán bộ, tôi rất ngạc nhiên vì quản giáo bảo tôi mặc quần áo dân sự mới (thay vì bộ quần áo tù cũ kỹ đang khoác trên mình-PV). Tại đây, tôi được cán bộ trại giam thông báo cơ quan công an đã bắt được hung thủ thật sự giết em họ Nguyễn Khắc V. của tôi. Nghe tin này, tôi mừng rơi nước mắt. Có lẽ trên thế gian này, không có gì hạnh phúc hơn một người vừa từ cõi chết trở về. Cuộc sống luôn là điều quý giá nhất mà tạo hóa ban tặng cho mỗi con người. Đối với người bị mắc án oan, hai lần bị Tòa tuyên án tử hình như tôi, điều này lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết”.


Nghe cán bộ nói, lúc này tôi mới biết hôm đó là ngày 28 Tết năm 1975. Sau đó, cán bộ công an đưa tôi về một đơn vị thuộc bộ Công an đóng ở Hà Nội. Bấy giờ Thủ đô vẫn thưa người, không đông đúc như bây giờ. “Ra quán nước gần đơn vị công an ăn kẹo, bà cụ bán quán nước bảo tôi: “Nom chú tiều tụy quá, trông như người sắp chết”. Tôi nói, mình bị tù oan, vừa mới ra tù. Nghe tôi nói chuyện, anh lính ngồi cạnh nói chêm vào: “Bố tôi bị thần kinh, bà đừng tin những gì ông ấy nói'. Về đến phòng làm việc, anh cán bộ nói: “Năm hết, Tết đến, chúng tôi có trách nhiệm đưa ông về nhà”. Anh cán bộ còn cho tôi quà Tết gồm một gói kẹo và một cân bánh quy...”.


Sau 5 năm bị bắt giam, đột nhiên cụ Trần Văn Thêm trở về nhà làm cụ Gái mừng mừng, tủi tủi. Có lẽ, đây là phút giây hạnh phúc nhất trong cuộc đời người đàn bà này. Để rồi một năm sau đó (năm 1976), cụ sinh hạ cho chồng một đứa con trai kháu khỉnh, bụ bẫm.









Bóng ma quá khứ


Bà Trần Thị Xuân cho biết: Ngày bố thoát án tử hình trở về nhà, mẹ tôi mừng rơi nước mắt. Sang năm sau (1976), mẹ tôi mang bầu và sinh một em trai. Bố vui lắm. Vì sức khoẻ của mẹ đã cạn kiệt sau bao nhiêu năm thay chồng gánh vác việc gia đình, nay lại chăm sóc con nhỏ, mẹ đã bị hậu sản và qua đời ít năm sau đó. Bố tôi lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”, trong khi đó, tai tiếng của kẻ giết người vẫn cứ bám riết lấy ông như một bóng ma ám ảnh...



Thiên Long





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP