Kiện đòi bồi thường 400 tỷ đồng, nhận được... 800kg gạo
Sau nhiều lần trì hoãn, sáng nay 25/3, TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm vụ kiện tranh chấp quyền tác giả và đòi tiền nhuận bút kịch bản giữa nhà báo Nguyễn Thanh và đạo diễn, biên kịch Lê Phương, Hãng phim truyện Việt Nam xung quanh kịch bản phim Biệt động Sài Gòn.
Hình ảnh trong phim Biệt động Sài Gòn.
Theo ghi nhận của PV báo Gia đình và Xã hội có mặt tại phiên tòa, ngoài ông Nguyễn Thanh có mặt, còn lại các bên đều ủy quyền cho người đại diện tham gia. Phía bị đơn là đạo diễn, biên kịch Lê Phương ủy quyền cho vợ là bà Trịnh Thị Thanh Nhã; Đại diện Hãng phim truyện Việt Nam là bà Đào Hồng Thắm; Đại diện Cục bản quyền tác giả là bà Nguyễn Thị Hồng Nga và ông Quản Hồng Anh.
Tại phiên xét xử, ông Nguyễn Thanh yêu cầu, phía bị đơn (ông Lê Phương và Hãng phim truyện Việt Nam) phải thừa nhận kịch bản phim Biệt động Sài Gòn là của riêng ông. Cùng với đó, ông Nguyễn Thanh còn kiện Báo Sài Gòn Giải phóng đã đăng tải kịch bản phim của ông trên báo với độ dài 63 kỳ mà không ghi tên ông cũng như không trả nhuận bút cho tác giả (chỉ trả cho ông Lê Phương số tiền 2.500 đồng); kiện NXB Hội VHNT Long An và NXB Thanh Hóa lấy kịch bản của ông in thành sách với tiêu đề “Những thiên thần ra trận” mà không xin phép, trả tiền nhuận bút.
Tổng cộng số tiền cho vụ kiện này được ông Nguyễn Thanh quy đổi từ tiền thời điểm năm 1984 sang vàng. Sau đó lấy số vàng thời điểm năm 1984 nhân với mệnh giá hiện nay. Tất cả số tiền bồi thường là 400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã bác những yêu cầu ông Thanh với hãng phim, cũng như với các nhà xuất bản vì không đủ chứng cứ. Đồng thời, kết luận ông Phương phải chia đôi số tiền nhuận bút trước đây nhận được của hãng phim, mà thực tế ông Phương mới trả cho ông Thanh 1/3 và trả số tiền nhuận bút mà ông ông Phương đã nhận được từ báo Sài Gòn Giải Phóng.
Nhà báo Nguyễn Thanh tại phiên tòa sáng nay. Ảnh GĐ&XH.
Ngoài ra, Tòa cũng bác yêu câu quy đổi sang giá vàng của ông Thanh, thay vào đó, số tiền nhuận bút sẽ được quy đổi sang giá gạo. Tòa kết luận ông Phương phải trả cho ông Thanh 800 kg gạo, quy đổi ra tiền hiện nay là 12.800.000 đồng.
Trước đó, như tin tức Thanh niên đã đưa, vào năm 2008, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận được đơn kiện của ông Nguyễn Thanh.
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận được đơn kiện của ông Nguyễn Thanh vào năm 2008.
Theo đơn khởi kiện năm 2008, ông Thanh yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xác định kịch bản phim Biệt động Sài Gòn (sản xuất năm 1982) là của riêng ông, đồng thời yêu cầu Hãng phim truyện Việt Nam và ông Phương phải hoàn trả số tiền nhuận bút, tính ra số tiền tương đương vào thời điểm lúc đó là 74 tỉ đồng cho ông. Mặt khác, theo lời ông Thanh thì ông Phương đã “cố tình kinh doanh trí tuệ” của ông khi sử dụng kịch bản Biệt động Sài Gòn để đem in sách mà không xin phép.
Tại phiên xét xử diễn ra vào ngày 11/5/2009, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã bác đơn kiện của ông Thanh đối với Hãng phim truyện Việt Nam vì không có chứng từ nào chứng minh Hãng này đã đặt hàng ông Thanh viết kịch bản và sự ra đời kịch bản này chỉ là kết quả sự hợp tác cá nhân giữa ông Phương và ông Thanh. Thực tế, ngay sau khi có quyết định sản xuất phim Biệt động Sài Gòn từ Hãng phim truyện Việt Nam, ông Phương đã trả cho ông Thanh 1/3 số tiền nhuận bút và đề nghị ghi tên ông Thanh là đồng tác giả trên phim. Sau này, khi Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất thêm Biệt động Sài Gòn tập 3 và 4, dù ông Thanh không tham gia, nhưng ông Phương vẫn đề nghị để tên ông Thanh là đồng tác giả.
Xem thêm video:
Người chịu án oan gian nan đòi bồi thường.
Tòa bác yêu cầu của ông Thanh về việc ghi tên kịch bản phim Biệt động Sài Gòn là của riêng ông Thanh. Bên cạnh đó, Tòa yêu cầu ông Phương chia đôi số tiền nhuận bút đã được nhận cho ông Thanh. Theo đó, ông Phương phải trả số tiền quy đổi với thời điểm đó là 9 triệu đồng. Tuy nhiên ông Thanh không đồng ý và tiếp tục kháng cáo.
Sau 6 năm, ngày 25/3/2015, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm.
My Vân
www.nguoiduatin.vn