Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Nhận hối lộ bằng tình dục: Thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào?


Theo tin tức trên báo Tiền Phong ngày 13/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo: “Thu hồi tài sản tham nhũng – Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” do Ban Nội chính Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội.


Tại Hội thảo, GS. TS Lê Hồng Hạnh, Nguyên Viện trưởng Viện khoa học Pháp lý (Bộ Tư Pháp), cho rằng khái niệm "Thu hồi tài sản" hiện nay cần phải hiểu một cách rộng hơn, phù hợp với thực tế.


"Ví dụ có một ông Thứ trưởng đang mong muốn có bằng tiến sỹ. Để đạt được điều đó ông Thứ trưởng tìm mọi cách để bổ nhiệm cho con gái ông Hiệu trưởng Trường Đại học vào một vị trí trong cơ quan nhà nước, dù cô đó không đủ điều kiện. Vậy khi cơ quan quản lý nhà nước phát hiện ra chúng ta sẽ thu hồi tài sản tham nhũng là cái gì?", ông Hạnh đặt vấn đề.


Tương tự, ông Hạnh đề cập việc thu hồi tài sản trong những vụ tham nhũng tình dục . "Ông quan chức không cần tiền mà chỉ cần nhận những giây phút sung sướng. Ông ấy sẵn sàng bố trí việc làm cho cô ấy để đổi lấy điều mình mong muốn. Trường hợp này thì thu hồi như thế nào, thu hồi cái gì? Tương tự như bà Bộ trưởng, ông Bộ trưởng, người ta không cần tài sản, không cần tiền, người ta chỉ cần ăn chơi trác táng thì sao?


Rõ ràng khái niệm "Thu hồi tài sản tham nhũng" hiện nay chưa đúng. Thu hồi là phải thu hồi tất cả các lợi ích, chứ không chỉ là tài sản. Tất cả những điều đó cần phải đặt ra để chúng ta nghiên cứu làm sao cho phù hợp với các quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế”, ông Hạnh đề nghị.


Nhận hối lộ bằng tình dục: Thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào? - Ảnh 1


GS.TS Lê Hồng Hạnh phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM


“Không có ai khởi kiện đòi lại tài sản tham nhũng”


Theo báo Dân Trí, TS. Phạm Quý Tỵ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp - dự thảo nghiên cứu đã đưa ra một thông tin đáng chú ý: Thời gian qua không có ai khởi kiện dân sự đòi lại tài sản của người tham nhũng chiếm đoạt.


“Về vấn đề này báo cáo nghiên cứu cần phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến các cơ quan, tổ chức vì sao lại không khởi kiện dân sự?”- ông Tỵ đặt vấn đề rồi tự phân tích: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi tham nhũng gắn liền với tội phạm, vì thế khi đã phát hiện có hành vi tham nhũng từ 2 triệu đồng trở lên là phải xử lý hình sự.


Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự như sau: “Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội”.


“Như vậy khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải được xem xét xử lý bằng hình sự, trong đó có cả việc xử lý tài sản tham nhũng, vì thế không thể khởi kiện kiện dân sự để đòi tài sản tham nhũng. Đây là nguyên nhân vì sao trong thời gian qua không có ai khởi kiện dân sự đối với tài sản tham nhũng”- ông Tỵ lý giải.


Tuy nhiên, ông Phạm Quý Tỵ cho rằng trường hợp đã khởi tố vụ án hình sự sau đó bị can hoặc bị cáo chết, cơ quan tố tụng đã đình chỉ vụ án hình sự thì cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện dân sự để đòi lại tài sản mà người phạm tội tham nhũng đã chiếm đoạt.


“Về vấn đề này chúng tôi đồng tình với nhận định của dự thảo nghiên cứu nêu về xử lý tài sản của người tham nhũng đã chết. Theo đó trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng, đã khởi tố vụ án hình sự sau đó bị can hoặc bị cáo chết thì cơ quan tố tụng đình chỉ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, còn tài sản tham nhũng vẫn phải tiếp tục chứng minh xử lý.


Trường hợp chứng minh được tài sản của người phạm tội do tham nhũng mà có thì phải thu hồi, nếu người người phạm tội có trách nhiệm bồi thường thì người thừa kế tài sản của người đã chết phải có trách nhiệm bồi thường trong giới hạn di sản của người chết để lại.


Do pháp luật chưa quy định cụ thể trình tự thủ tục điều tra, xác minh tài sản của người phạm tội tham nhũng đã chết nên thực tế khi qua cơ quan tố tụng đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can thì cũng chấm dứt điều tra tài sản tham nhũng của người phạm tội, gây nhiều khó khăn cho việc xử lý tài sản tham nhũng. Trong dự thảo báo cáo có kiến nghị cần cụ thể hóa quy định này trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, chúng tôi đồng tình”- ông Tỵ bày tỏ quan điểm.


Trước đó, tại Hội thảo “Hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ luật hình sự năm 1999” do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam tổ chức (ngày 29/10), ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng cho rằng, chắc chắn có chuyện hối lộ bằng tình dục ở Việt Nam, vì thế nên bổ sung vào Bộ luật Hình sự để ngăn chặn, xử lý.


Nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Đặng Quang Phương cũng cho rằng, cần phải hiều tài sản tham nhũng theo nghĩa rộng như tham nhũng thời gian của cơ quan đơn vị. “Chúng ta thường nói 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, hay đến cơ quan nhưng không làm việc, đó cũng là tham nhũng”, ông Phương nói.


Hàng loạt sĩ quan cảnh sát Thái Lan bị 'sờ gáy' vì tham nhũng


Gia Huy (Tổng hợp)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP