Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Sát hại người thân: Khi tình thân mong manh trước 'bão thị trường'


Kết quả tìm kiếm nhanh trên công cụ Google cho thấy, cụm từ "con giết bố" được 341.000 kết quả, "chồng giết vợ" 3.060.000 kết quả, "anh giết em" 660.000 kết quả, "em giết anh" 640.000 kết quả.


Chưa khi nào, người ta lại thấy các giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức gia đình lại rơi vào khủng hoảng trầm trọng như vậy. Còn đâu nét đẹp trong những gia đình Việt Nam truyền thống?


Sát hại người thân: Khi tình thân mong manh trước 'bão thị trường' - Ảnh 1


Đám tang ông Đặng Văn Rô (Long Hồ, Vĩnh Long), người bị con trai ruột giết chết rồi đem lên TP.HCM vứt xác, phi tang.


Là người nhiều năm nghiên cứu các vấn đề về gia đình và giới, GS.TS.Lê Thị Quý (Viện trưởng viện Nghiên cứu giới và phát triển) đã thấy trước nguy cơ rạn nứt các giá trị gia đình trước sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường.


Bà Quý cho biết: "Gia đình là nhóm xã hội thu nhỏ. Xã hội có các mối quan hệ phức tạp như thế nào thì gia đình cũng có các mối quan hệ phức tạp như vậy, nhưng thân thiết và đặc biệt hơn. Do đó, cơ chế kinh tế thị trường trong xã hội ngày nay không thể không tác động mạnh mẽ đến từng gia đình, đưa vị trí của đồng tiền lên cao, nhiều khi còn cao hơn cả những chuẩn mực đạo đức truyền thống.


Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc anh chị em trong gia đình có thể đánh nhau, giết nhau vì tranh giành ba thước đất, một căn nhà thậm chí đôi khi chỉ vì một món tiền nhỏ. Hệ thống giá trị chuẩn mực đạo đức đang ngày càng lung lay trước sức công phá mạnh mẽ của đồng tiền".


Sát hại người thân: Khi tình thân mong manh trước 'bão thị trường' - Ảnh 2


GS.TS.Lê Thị Quý: “Cơ chế kinh tế thị trường trong xã hội ngày nay không thể không tác động mạnh mẽ đến từng gia đình, đưa vị trí của đồng tiền lên cao, nhiều khi còn cao hơn cả những chuẩn mực đạo đức truyền thống…”.


Theo đánh giá của nhà nghiên cứu này thì nhiều hủ tục như trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới... đang quay trở lại sau một thời gian dài chúng ta cố gắng đấu tranh phá bỏ nó. Điều này không phải ai cũng nhận thấy, bởi hầu hết mọi người đều khá chủ quan và tự tin rằng, mình đang sống trong một xã hội văn minh, hiện đại, không có chỗ cho sự tồn tại của những hủ tục đó. Nhưng, thực tế, khi phân chia tài sản, con trai bao giờ cũng được nhiều hơn con gái, nhiều người sẵn sàng phá thai khi biết đó là con gái, bạo lực gia đình vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi.


Mặt khác, lối sống theo tư tưởng chủ nghĩa cá nhân ngày càng phổ biến trong xã hội khiến con người ta trở nên ích kỷ hơn, hành động vì bản thân mà không cần suy nghĩ. Những người thân trong gia đình ít quan tâm đến nhau hơn và thường xảy ra mâu thuẫn do cái tôi cá nhân của mỗi người đều quá lớn.


Video xem thêm:


Quảng Ngãi: Nghịch tử giết cha ngay trên bàn nhậu.


Trước đây, gia đình truyền thống thường được bảo vệ bởi một tiết chế văn hóa rất mạnh. Gia đình là một tế bào của xã hội rất rõ ràng bằng cách giáo dục truyền thống trong gia đình được quy thành gia quy, gia pháp, gia phong. Nhưng trong xã hội bây giờ, rất nhiều những quy tắc ứng xử truyền thống đó dường như không còn phù hợp nữa. Cha mẹ không được đánh đập con cái, như vậy là trái với luật pháp. Nếu cha mẹ dạy những điều không đúng thì con cái sẽ ngay lập tức phản ứng lại.


"Tuy nhiên, với một gia đình hiện đại, khi chúng ta loại bỏ những yếu tố văn hóa mang tính cực đoan, lạc hậu, cổ hủ và hướng đến yếu tố cá nhân nhiều hơn thì rõ ràng chúng ta cần một tiết chế khác để bảo vệ gia đình. Đó chính là một tiết chế về mặt pháp luật. Mặc dù chúng ta đã có luật Hôn nhân, luật Bình đẳng giới, luật Phòng chống bạo lực gia đình nhưng việc tuyên truyền, phổ biến chưa đủ mạnh. Luật thì có nhưng phần lớn người dân chưa biết luật, chưa hiểu luật và vì vậy rất khó để được pháp luật bảo vệ", ông Đặng Vũ Cảnh Linh (Phó viện trưởng viện Truyền thống và phát triển) phân tích.


Ông Linh nhận định, khi gia đình không còn được bảo vệ bởi những tiết chế văn hóa truyền thống, vai trò của nó sẽ lu mờ. Trách nhiệm đối với gia đình của mỗi cá nhân vì thế cũng giảm đi rất nhiều so với trước đây. Rất nhiều người nghĩ rằng, khi có những thất bại trong cuộc sống thì gia đình phải có trách nhiệm đối với họ, nhưng họ lại không nghĩ đến khía cạnh ngược lại.


Một số người khi ra ngoài rất nhút nhát, không dám ho he vì sợ bị người khác đánh, không dám gây lộn vì sợ bị công an bắt nhưng khi về nhà, họ lại cho mình cái quyền được bắt nạt, làm bất cứ việc gì dù là tội ác đối với người thân, những người không bao giờ làm tổn thương đến mình.


Hiện tượng bạo lực gia đình đã diễn ra bao nhiêu năm trời nhưng chúng ta vẫn chưa xử lý một cách thỏa đáng. Chính điều đó đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho nhiều gia đình. Áp lực cuộc sống nặng nề cũng là lý do khiến con người dễ tức giận, mất kiểm soát, có lối sống lệch lạc và những hành động sai trái.


Trong các vụ sát hại người thân, hậu quả mà nó gây ra sẽ đau đớn và nặng nề hơn rất nhiều so với những vụ án thông thường. Bản thân kẻ gây án khi bình tâm lại có lẽ cũng không đủ sức đối điện với tội ác của mình. Bởi vậy, nhiều người sau khi ra tay với người thân đã tìm cách tự sát.


Tuy nhiên, có lẽ, những người còn lại trong gia đình mới là những người phải trả giá đầu tiên và nhiều nhất. Bản thân họ cũng sẽ rất khó vượt qua những ký ức kinh hoàng về án mạng xảy ra trong chính gia đình mình, khi cả hung thủ và nạn nhân đều là máu mủ, ruột già.


Đặc biệt, với những đứa trẻ phải chứng kiến cảnh bố mẹ đánh, giết lẫn nhau, tâm hồn của chúng sẽ mãi mãi phải gánh chịu những tổn thương ghê gớm, không bao giờ có thể hàn gắn được. Ký ức gia đình đối với chúng sẽ là những hình ảnh méo mó và không bình thường.


Dương Dung





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP