Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tranh nhau heo nái chửa, tòa chờ heo “vỡ chum” mới xử


Nguồn cơn xuất phát từ việc hai nhà cùng xóm bị mất heo cùng một ngày, đều là giống heo Móng Cái và cùng đang có chửa... Đến khi tìm được, heo chỉ có một nhưng hai nhà đều nhận là của mình và cuối cùng, họ đành phải kéo nhau ra tòa nhờ phân xử…


Mang heo nái chửa đến công đường tìm chủ


Tháng 12/2012, TAND huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) nhận được đơn của ông Hà Phước Phùng (67 tuổi, trú thôn Ngọc Tứ, xã Điện An) kiện bà Đoàn Thị Tuyết (69 tuổi, trú thôn Ngọc Liên, xã Điện An) về hành vi chiếm đoạt tài sản.


Theo đơn ông Phùng trình bày, vào đêm 12/10 (âm lịch) năm 2012, nước lũ lên nhanh, tài sản trong nhà chỉ có con heo nái Móng Cái là có giá trị nhất nên vợ chồng ông hì hục đưa heo lên chiếc ghe duy nhất trong nhà, cột vào hàng rào để tránh lũ.


Sau đó, vợ chồng ông tiếp tục sơ tán các đồ đạc khác. Tuy nhiên, đến rạng sáng 13, khi nước rút, ông ra chỗ bờ rào cột heo thì chiếc ghe vẫn còn, nhưng con heo nái thì đã biến mất.


Tranh nhau heo nái chửa, tòa chờ heo “vỡ chum” mới xử - Ảnh 1


Vợ chồng ông Phùng kể lại câu chuyện vui liên quan đến con heo nái của gia đình.


Cũng trong thời gian này, bà Đoàn Thị Tuyết cũng có một con heo nái mới phối tinh bị trôi theo dòng nước lũ. Nghe tin ông Hà Minh (65 tuổi, trú xã Điện An) vớt được trong dòng nước lũ một con heo nái Móng Cái, bà vội vã đến nhà xem heo. Bà Tuyết khẳng định, con heo này chính là của bà và xin chuộc lại với giá 200 ngàn đồng, sau đó mang heo về nhà.


Về phía vợ chồng ông Phùng, dù vợ chồng ông vội vã đi tìm heo ngay trong sáng 13/10 nhưng không có kết quả. Tưởng heo bị lũ cuốn trôi, hai vợ chồng ông buồn khôn xiết. Thế nhưng, bẵng đi vài hôm, bà Đặng Thị Thơ (67 tuổi, vợ ông Phùng) đi chợ mới nghe bà Hai Mính (vợ ông Hà Minh) khoe, chồng mình vớt được con heo nái, lưng dài, bụng thon... đẹp lắm nhưng bà Tuyết đã đến chuộc về rồi.


Bà Thơ nghe chuyện thì bán tín, bán nghi con heo bà Tuyết chuộc về là của mình. Nghĩ vậy, bà vội vã qua nhà bà Tuyết xem hình thù con heo nái ấy như thế nào. Khi tận mắt thấy con heo nái đang ăn cám trong chuồng heo nhà bà Tuyết, bà Thơ càng khẳng định con heo ấy là của mình. Tuy nhiên, khi ngỏ ý muốn xin lại heo thì bà Tuyết lại gạt phắt và khẳng định, con heo ấy chắc chắn là của mình. Nói nhẹ không được, hai bà thành ra to tiếng, bất hòa. Cuối cùng, chẳng bên nào chịu nhường bên nào, đành đưa nhau ra tòa nhờ phân xử.


Nhớ lại diễn biến sự việc lúc đó, bà Thơ cho biết: “Tôi nghĩ thôi thì bà con làng xóm cả cho tôi đền tiền rau cám xin chuộc heo về. Nhưng bà ấy không chịu, heo thì không tiếc nhưng uất ức ở chỗ bị bà ấy nói “heo chi của bà mà nói vô duyên”. Heo đáng giá thiệt, nhưng mất không tiếc. Chính từ vô duyên ấy khiến tự ái trong vợ chồng tôi trỗi dậy, mới đâm đơn ra tòa kiện bà Tuyết, chứ của ngắn mặt dài, hàng xóm lôi nhau ra tòa làm chi”.


Không thể xét nghiệm ADN để xác định chủ heo


Nhận đơn kiện của ông Phùng, tòa nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng bất thành, nên buộc phải đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, ngặt một nỗi là cả hai nhà đều đưa ra bằng chứng thuyết phục về đặc điểm nhận dạng của con heo ông Minh vớt được.


Hai vợ chồng ông Phùng lập luận, con heo nái của gia đình ông bị nước lũ cuốn trôi thuộc loại heo giống Móng Cái có tai nhỏ, miệng ngắn, đầu đen, có chấm trắng ngay giữa trán, có 12 vú, trong đó hai vú sau gần nhau. Heo có một vạch lông trắng quàng ngang cổ, nặng khoảng 60 - 65kg. Nửa trên thân heo (từ vai lưng đến đuôi) có màu đen; phần từ vai xuống hai chân trước và phần bụng đến hai chân sau có màu trắng. Heo nhà ông Phùng đẻ một lứa, được tiếp tục phối giống vào ngày 26 và 27/9/2012 (âm lịch) và đang mang thai.


Còn về phần bà Đoàn Thị Tuyết cho biết, con heo nhà bà cũng thuộc giống heo Móng Cái mắt hí, da mốc, có 12 vú, lông không đậm không nhạt, miệng không dài, cân nặng không xác định, hai chân sau cong ra phía sau. Heo của bà đã đẻ một lứa, tiếp tục được phối giống vào ngày 14 và 15/9/2012 (âm lịch), hiện đang mang thai...


Thông thường, khi có tranh chấp, có thể đưa heo đi xét nghiệm ADN để xác định chủ nhân thực sự của nó. Tuy nhiên, do cả hai hộ dân đều mua heo giống cùng một chỗ, do cùng một mẹ sinh ra nên phương pháp này vô tác dụng.


Cuối cùng, sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, vị quan tòa nghĩ ra một kế “độc”. Theo đó, phiên tòa lùi lại cho tới khi nào heo đẻ xong mới đưa ra xét xử. Về phần mỗi gia đình, phải xác định chính xác thời điểm con heo trên sẽ sinh con, sai số không quá 3 – 5 ngày. Việc này hai bên tiến hành độc lập và cán bộ thú y địa phương chịu trách nhiệm giám sát.


Nghe xong, cả hai gia đình đều lắc đầu quầy quậy, không hiểu dụng ý của quan tòa là gì. Tuy nhiên đâm lao phải theo lao, bà Tuyết cho rằng heo sẽ sinh vào từ khoảng ngày 10-15 tháng Giêng (âm lịch), còn ông Phùng lại chọn từ ngày 20-25 tháng Giêng là thời điểm heo đẻ. Chọn xong cả hai bên đều “nín thở” chờ ngày heo chuyển dạ.


Video xem thêm:


Phút giây cảnh giác: Cảnh giác tội phạm cướp giật tài sản.


Heo về tay ai?


Ngày 3/2/2012, TAND huyện Điện Bàn mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp heo nái trôi sông giữa ông Phùng và bà Tuyết. Cuộc tranh cãi nảy lửa xung quanh chuyện ai là chủ nhân thực sự của con heo, khiến không khí khá căng thẳng. Cuối cùng, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa cho mời ông Nguyễn Văn Tới (cán bộ thú y của xã Điện An), đồng thời là người trực tiếp phối tinh cho heo của hai gia đình lên đối chất.


Theo lời ông Tới, thời gian từ khi mang thai đến khi sinh của loại heo Móng Cái là 115 ngày. Ngày đẻ có thể chênh lệch vài ngày... Đối chiếu với thực tế thì con heo trôi sông đang tranh chấp đã đẻ ngày 22 tháng Giêng, số lượng heo con là 11.


Căn cứ vào mốc “giấy khai sinh” của bầy heo con, TAND huyện Điện Bàn đã quyết định cho ông Hà Phước Phùng (nguyên đơn) thắng kiện trong vụ án này và buộc bà Đoàn Thị Tuyết phải trả lại con heo cho ông Phùng ngay lập tức. Bên cạnh đó, ông Phùng cũng phải có trách nhiệm hoàn trả 350 ngàn đồng tiền công chăm sóc của bà Tuyết (tương đương 14.000 đồng/ngày) và số tiền 200 ngàn đồng tiền bà Tuyết bỏ ra để chuộc heo về từ nhà ông Hà Minh.


Tuy nhiên, bà Đoàn Thị Tuyết không chấp thuận phán quyết của TAND huyện Điện Bàn và làm đơn kháng cáo.


Ngày 6/4/2012, tại phiên xét xử phúc thẩm, bà Tuyết một mực khẳng định, con heo nái bà chuộc từ tay ông Minh là của gia đình mình. Còn lý do bà tính “nhầm” ngày sinh của heo là do heo bị ngâm trong nước lũ thời gian khá lâu nên... khó đẻ.


Tại phiên tòa này, ngoài căn cứ vào “giấy khai sinh” của 11 con heo con, các thẩm phán của TAND tỉnh Quảng Nam còn đưa ra quan điểm, nhà ông Phùng ở hướng đầu nguồn lũ, nhà ông Minh ở giữa, nhà bà Tuyết ở cuối nguồn. Trong khi đó, vào mùa mưa thì lưu lượng nước ở đây khá lớn, với tốc độ dòng chảy mạnh. Căn cứ theo hướng dòng chảy của lũ thì con heo sẽ trôi từ nhà ông Phùng xuống nhà ông Minh, chứ không thể trôi ngược dòng từ nhà bà Tuyết lên nhà ông Minh. Vì thế, không thể có chuyện ông Minh vớt được con heo trôi sông của gia đình bà Tuyết được.


Từ những phân tích trên, TAND tỉnh Quảng Nam đã y án sơ thẩm, buộc bà Tuyết trả lại con heo cho vợ chồng ông Phùng. Tòa cũng ghi nhận thiện chí của ông Phùng muốn tặng bà Tuyết 8 con heo con (3 con bị chết –PV) để gây giống và trả công nuôi dưỡng. Đến lúc này, toàn thể hội trường xử án đứng dậy vỗ tay rầm rầm trước sự công minh và tài tình của HĐXX. Ngay cả người thua kiện là bà Tuyết cũng phải tâm phục khẩu phục trí thông minh của các thẩm phán.









Chỉ sợ heo chết


Ông Trịnh Giáp, cán bộ tư pháp xã Điện An, huyện Điện Bàn, Quảng Nam tâm sự: “Cả đời làm công tác tư pháp, chưa bao giờ tôi gặp vụ nào “trời ơi” như thế cả!. Lúc ấy, chỉ cầu mong cho con heo nái này không bị chết bất đắc kỳ tử, và sinh nở an toàn cho đến ngày xử án”.



Nguyễn Hưng





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP