Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Vì sao “trùm” giang hồ Tú “khỉ” và đàn em luôn phản cung tại tòa?


Tuy nhiên, diễn biến phiên tòa trước đó cho thấy, Tú và đàn em liên tục phản cung và một mực kêu oan khi bị Viện kiểm sát truy tố tội “Cưỡng đoạt tài sản”… Vì sao “ông trùm” này lại cứng đầu đến như vậy?


Vì sao “trùm” giang hồ Tú “khỉ” và đàn em luôn phản cung tại tòa? - Ảnh 1


Trao đổi với PV, Luật sư Lê Quang Vinh (Công ty Luật Tích Thiện) – Luật sư bảo chữa và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Phạm Khắc Tú (tức Tú “khỉ”) cho rằng: Có thể Tú phạm nhiều tội danh khác, tuy nhiên, với tội “Cưỡng đoạt tài sản” của bị cáo này còn nhiều vấn đề cần làm rõ.


Đơn cử, một vấn đề được đặt ra, khi công ty TNHH Sông Hồng thác tại bến đò Ninh Tập (xã Đại Tập, Khoái Châu, Hưng Yên) thì Tú “khỉ” có được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình không? Theo tài liệu cho thấy, Tú được anh trai mình là Phạm Khắc Tuấn ủy quyền (bằng văn bản có xác nhận của UBND xã) được phép quản lý, sử dụng cũng như định đoạt bến đò này, do vậy Tú được thay mặt anh trai thực hiện các quyền năng dân sự của mình. Tú cũng chính là người đã bỏ tiền đầu tư vào việc làm đường cho bến đò (200 triệu đồng), nên Tú có quyền tài phán đối với bến đò Ninh Tập, vì vậy Tú đương nhiên có quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.


Thực tế, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Tú “khỉ” đã gửi đơn ra UBND xã từ đầu năm 2013 có nội dung đề nghị chính quyền giải quyết việc “Công ty Sông Hồng cho khai thác cát, hút cát bằng tầu lớn tự tiện, đóng cọc bê tông…”.


Cũng xin nói thêm rằng, bến đò Ninh Tập là do Phạm Khắc Tuấn cùng một người khác đấu thầu thành công vào năm 2007 (có thời hạn 10 năm), sau đó người này nhượng lại toàn bộ cho Tuấn. Năm 2011, Công ty TNHH Sông Hồng cũng đã tìm đến Tuấn để thực hiện một hợp đồng thỏa thuận. Nhưng hợp đồng này ngay lập tức không có giá trị vì không được UBND xã Đại Tập chấp thuận. Giữa tháng 6/2012, Tuấn đã có giấy ủy quyền cho Phạm Khắc Tú có sự chứng nhận của UBND xã.


Ngoài ra, theo tài liệu cho thấy, đến cuối năm 2013, Công ty TNHH Sông Hồng mới có giấy phép khai thác cát. Tuy nhiên, ngay từ cuối năm 2012 đến năm 2013, công ty này đã thực hiện việc khai thác cát. Đây là hành vi bất hợp pháp, có dấu hiệu phạm tội, nên bất cứ công dân nào cũng có quyền ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật này. Vì thế, nếu có chuyện Tú “khỉ” và anh em của mình ngăn cản hành động trên là hợp pháp. Đáng lý ra, Công ty TNHH Sông Hồng phải bị xử lý vì hành vi khai thác cát vi phạm pháp luật này.


Đáng chú ý, thỏa thuận 500 triệu đồng giữa Tú và Công ty TNHH Sông Hồng là thỏa thuận mang tính chất dân dự, hoàn toàn tự nguyện. Bởi các lần gặp nhau đều do các bên tự nguyện và do phía Công ty TNHH Sông Hồng chủ động liên hệ, kể cả buổi nhận số tiền 200 triệu đồng (bị công an ập bắt quả tang vào tháng 3/2013) cũng hoàn toàn do phía Công ty TNHH Sông Hồng chủ động gọi và giục Tú đến lấy tiền. Trong nội dung này, phía công ty có cung cấp cho Công an một cuốn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa đại diện công ty, nhưng lại không có đoạn nào thể hiện Tú nói đe dọa Công ty TNHH Sông Hồng. Chỉ có thỏa thuận bị đe dọa mới có dấu hiệu hình sự, còn thỏa thuận không bị đe dọa thì đấy là giao dịch dân sự thông thường.


Một vấn đề khác cũng được đặt ra, Tú “khỉ” có quyền chuyển quyền một phần bến đò Ninh Tập hay không? Có thể khẳng định đây là quyền dân sự của Tú, kể cả khi Tú có vượt thẩm quyền của anh trai, nhưng tại phiên tòa đang diễn ra Tuấn đã xác nhận: “đồng ý” là hoàn toàn có thể được. Việc chuyển nhượng một phần quyền sử dụng bến đò không xâm phạm lợi ích của ai mà luật pháp cần bảo vệ. Mọi công dân có quyền làm tất cả các việc mà luật pháp không cấm, nên việc Tú đòi bồi thường hay chuyển nhượng một phần bến đò đều là hợp pháp.


Cũng xin nói thêm rằng, để làm sáng tỏ được những mâu thuẫn và khúc mắc trên cần sự có mặt của: các nhân chứng, người bị hại và nguyên đơn dân sự để đối chất công khai tại tòa. Nhưng ngay đầu phiên tòa, dù phía Luật sư đã đưa ra yêu cầu triệu tập những người này, nếu không thì đề nghị hoãn phiên tòa, nhưng Hội đồng xét xử vẫn cho xét xử (???)


Có thể thấy rằng, với những tội danh khác Tú “khỉ” và các đồng phạm ít phản ứng, nhưng với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”, các cơ quan tố tụng không làm rõ được những điểm trên thì các bị cáo phản cung, kêu oan tại tòa là điều hoàn toàn dễ hiểu.


Đan Lê





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP