Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Đề xuất TAND cấp tỉnh ‘xử’ chủ tịch UBND huyện


Đây là nội dung gây tranh luận nhiều nhất tại tọa đàm về “Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các quy định của luật Tố tụng hành chính và đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Tố tụng hành chính theo tinh thần Hiến pháp năm 2013” được TAND tối cao tổ chức trong 2 ngày 11 và 12/4.


Báo Tuổi trẻ dẫn ý kiến đồng ý với đề xuất trên cho rằng, hành vi bị khiếu kiện của UBND cấp huyện và chủ tịch UBND cấp huyện thuộc lĩnh vực đất đai thường rất khó và phức tạp nên để cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm.


Ý kiến phản biện lại phân tích, tòa cấp huyện xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nên không ngại xét xử UBND hoặc chủ tịch UBND huyện thua kiện. Nếu đưa các vụ việc này lên tòa án cấp tỉnh là bất lợi hơn cho dân, làm khó người dân.


Việc án hành chính sơ thẩm bị hủy, sửa nhiều do thẩm phán ở cấp huyện chưa đủ năng lực chứ không phải do thẩm phán “sợ” UBND huyện hay huyện ủy.


Báo Pháp luật TPHCM dẫn lời ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND tối cao đặt vấn đề: “Mới nghe có vẻ hợp lý nhưng đề xuất này liệu có ổn? Vì nếu thế thì quyết định hành chính của chủ tịch tỉnh, của bộ trưởng, thậm chí của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì ai xét xử? Chẳng lẽ phải đưa ra Quốc hội xử sao! Tại sao không nghĩ là nếu tòa án cấp huyện có nể nang hay vì “sợ” lãnh đạo chính quyền cùng cấp mà xử sai luật thì người khởi kiện còn có quyền kháng cáo để tòa án cấp tỉnh xét xử phúc thẩm?”.


Video xem thêm:


Lợi dụng chức vụ quyền hạn, chủ tịch xã và đồng phạm “dắt tay nhau” vào tù.


Nhiều đại biểu tham dự tọa đàm (các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở vào phía Nam) cũng đồng quan điểm nên giữ thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính của TAND cấp huyện theo quy định hiện hành, tức được giải quyết sơ thẩm các vụ khiếu kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính của UBND cũng như chủ tịch UBND huyện.


Về đề xuất giám đốc thẩm được sửa bản án, nhiều ý kiến đồng tình rằng mở rộng thêm thẩm quyền để Hội đồng giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đây là giải pháp giúp cho việc giải quyết vụ án không quay vòng nhiều lần, không có điểm dừng, gây tốn kém về chi phí và thời gian của đương sự cũng như của nhà nước.


Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, các đại biểu đề nghị “đã giao cho giám đốc thẩm được sửa trong luật Tố tụng hành chính thì cũng cần có chút thay đổi về cách thức giải quyết án của giám đốc thẩm”.


Văn Quang (Tổng hợp)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP