Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Con trai giết người tình của mẹ


Em lĩnh án 13 năm tù về tội giết người. Số phận thật nghiệt ngã với em..." - phạm nhân Nguyễn Văn Kiên (đang thụ án tại trại giam Thanh Xuân - Bộ Công an) xót xa nói với tôi khi mùa xuân vẫn đang chảy tràn trên từng tán cây ngọn cỏ...


Con mất cha...


Không lầm lì, máu lạnh, hay ánh nhìn hung tợn thường thấy ở những kẻ phạm tội giết người, phạm nhân Nguyễn Văn Kiên (SN 1991, trú tại xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) có gương mặt khá điển trai, hiền lành. Hai năm ăn Tết trong trại giam đủ để cho cậu thanh niên này có thời gian gặm nhấm nỗi đau do mình gây ra.


Kiên tâm sự với chúng tôi bằng giọng thật thà như một đứa trẻ mắc lỗi lần đầu: "Cũng như nhiều đứa trẻ ở miền quê Thanh Oai, em chỉ học hết lớp 12 rồi đi làm xây dựng với bố. Bố em là thợ xây có tiếng ở xã Kim An. Em tự hào về bố vì những công trình nhà mà ông xây lên mọc khắp đầu làng, cuối xóm ở trong xã. Đội xây dựng của bố em gồm toàn anh em, chú bác trong họ hàng. Cả đời bố làm thợ xây, trước đây ông đi làm ở Hà Nội như đi chợ. Nói chung cuộc sống của gia đình em không đến nỗi thiếu thốn như nhiều gia đình thuần nông quanh làng”.


Một sự cố lớn đến với gia đình em đúng ngày ông Công ông Táo lên chầu trời vào năm 2009. Hôm đó, gia đình em thay bể nước lọc (dùng nước giếng khoan) để chuẩn bị đón Tết. Hai bố con xắn tay cùng làm. Bố em bê chậu cát lên vai để đổ vào bể lọc, chẳng may bị mất đà, trượt chân ngã ngửa, đập đầu xuống nền sân xi măng. Bố bị ngã vỡ đầu và chết luôn trong ngày hôm đó, khi mớiå 47 tuổi...".


Kể đến đây, mắt phạm nhân Kiên đỏ hoe, tạm ngừng trong ít phút. Rồi cậu thanh niên này kể tiếp: "Từ ngày bố mất, ba mẹ con em và bà nội hơn 80 tuổi gặp nhiều khó khăn vì không có nhiều tiền để chi tiêu trong cuộc sống. Cả nhà trông vào 3 sào ruộng trồng rau màu. Vì tiếc thương bố, mẹ em gầy đi trông thấy, khóc cạn khô nước mắt.


Bà nội em như một cây sung già trước làng, suốt ngày than vãn lá xanh rụng trước lá vàng. Em bỗng nhiên trở thành trụ cột của gia đình, cố gắng đi làm xây dựng (phụ hồ), tận dụng mọi cơ hội kiếm tiền đưa về cho mẹ nuôi em gái ăn học. Biết gia đình em gặp khó khăn, nhiều người trong xóm dang tay giúp đỡ, trong đó có một bác trai trước đây từng là chỗ bạn thân cùng làm xây dựng với bố em ở Hà Nội.


Đó là bác Toản, ở gần nhà em nên thỉnh thoảng qua lại, có công trình xây dựng mới nào, bác cũng dẫn em đi làm, lương công nhật 130.000 đồng/ngày, cơm nuôi 3 bữa. Từ ngày kiếm tiền xây dựng được đều đều, gia đình em cũng phần nào bớt khốn khó. Vậy mà...".



Phạm nhân Kiên.


Khi mẹ có tình nhân


Theo lời kể của Nguyễn Văn Kiên, đứng ở nhà cậu ta có thể nhìn thấy nóc nhà của ông Toản. Người đàn ông này vốn có tính trăng hoa, mặc dù đã có vợ con đề huề nhưng vẫn muốn có thêm "chỗ đi lại" cho riêng mình. Từ ngày bố Kiên qua đời, mồ chưa xanh cỏ, ông Toản lấy danh nghĩa giúp đỡ Kiên chuyện công việc nên thường lui tới nhà của cậu.


Mẹ Kiên đang ở độ tuổi hồi xuân (SN 1971), lại góa chồng đã không chịu được cảnh cô đơn, vội ngả vào vòng tay của người đàn ông có tính trăng hoa này. Mới đầu hai người còn quan hệ lén lút, giấu kín không cho mọi người trong làng xóm biết. Cái kim trong bọc có ngày lòi ra, khi bị người thân và hàng xóm phát hiện, họ công khai mối quan hệ tình cảm bất chính khiến nhiều người dị nghị. Với tư cách là một đứa con trai lớn trong gia đình, Kiên cảm thấy xấu hổ và tỏ thái độ phản đối ra mặt mối quan hệ tình cảm của mẹ với ông Toản.


Nhưng vì là phận con nên cậu không thể làm được gì, ngoài bốn từ chấp nhận tủi buồn. Từ ngày chiếm được tình cảm của bà mẹ, người đàn ông này thay đổi hẳn thái độ với Kiên. Tuy không nói ra, nhưng hai người luôn nhìn nhau bằng ánh mắt "hình viên đạn".


Đòn thù quá tay


Cách đây gần một năm (ngày 29/3/2012), tôi đã tham dự phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Kiên về tội giết người. Hôm đó TAND TP. Hà Nội có rất đông người đến tham dự. Phần lớn là người thân của bị cáo và gia đình bị hại. Tuy vậy vẫn có không ít người dưng đến xem giết người tình của mẹ mặt mũi thế nào mà ra tay tàn độc như vậy.


Theo cáo trạng, khoảng 21h ngày 14/11/2011, ông Nguyễn Quang Toản đến nhà người đàn bà góa chồng (mẹ bị cáo Kiên) để "tâm sự" nhưng người tình không có nhà. Do bực tức trong người vì phải đợi lâu, vừa trông thấy tình nhân đi về, ông Toản kéo tay ra đầu ngõ nói chuyện riêng tư như thể họ là vợ chồng của nhau. Do mẹ Kiên từ chối không đi, ông Toản lớn tiếng quát nạt, dùng sức mạnh thay cho lời nói.


Nguyễn Văn Kiên lúc đó đang ở trong nhà, cầm chiếc thước gỗ to dài dùng trong xây dựng chạy ra sân bênh mẹ. Kiên đuổi ông Toản ra khỏi nhà mình và bảo mẹ vào nhà. Lời qua tiếng lại, ông Toản và Kiên xảy ra xô xát. Trong lúc tức giận, Kiên vung cây thước gỗ vụt trúng thái dương làm ông Toản ngã vật xuống đất. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng do vết thương trúng chỗ hiểm, ông Toản đã chết vào chiều ngày hôm sau, còn kẻ gây án ra đầu thú tại cơ quan công an.


Tại công đường, bị cáo Nguyễn Văn Kiên tỏ ra ăn năn, khai nhận toàn bộ hành vi giết người như cáo trạng truy tố. Ngồi bên dưới, mẹ đẻ của bị cáo nước mắt ngắn, dài, con tim đau thắt nghe tòa xử án. Nếu biết trước chuyện "chim chuột" lăng nhăng sẽ mang họa lớn đến cho con trai và gia đình mình, có lẽ người đàn bà này sẽ không dám dan díu với ông Toản.


Khách quan mà nói, chính bà mẹ này là một trong những tác nhân vô tình đẩy đứa con trai trẻ tuổi của mình vào vòng lao lý với tội danh giết người. Phiên tòa như nổ tung khi bất ngờ bà nội của bị cáo Kiên quỳ sụp xuống đất xin cho cháu được nhẹ tội. Nhiều người đã không cầm được nước mắt, còn nỗi đau nào hơn thế?


Xét xử một cách công tâm, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Kiên 13 năm tù. Nghe tòa tuyên án, bà nội và mẹ bị cáo ngã vật xuống ghế, khóc nấc lên từng hồi. Khi bị công an áp giải lên xe thùng, bị cáo Kiên vẫn cố đầu ngoái lại nhìn hai người thân yêu của mình trong vô vọng với ánh mắt đẫm lệ...


Hai năm ăn Tết trong nhà giam, giờ đây trông phạm nhân Kiên rắn rỏi, chín chắn hơn so với hồi đầu bị bắt. Được sự quan tâm chỉ bảo, giáo dục của các cán bộ quản giáo ở trại giam Thanh Xuân, phạm nhân Nguyễn Văn Kiên đã ổn định tinh thần cho một quãng thời gian cải tạo dài 11 năm trước mắt. "Em mới lên trại này được hơn 4 tháng. Hôm trước mẹ em lên thăm, trông già và gầy đi rất nhiều.


Em thương mẹ lắm" - Kiên buồn bã. Gặp Kiên, mẹ chỉ khóc, tiếng khóc như từ dưới đất vọng lên, như từ một chốn sâu thẳm của tâm hồn vọng lại. Em gái của Kiên đang học lớp 9 (SN 1998) ra dáng người lớn, thay mẹ động viên anh cải tạo tốt, sớm trở về làm trụ cột trong gia đình.


Khi chúng tôi hỏi về bà nội, Kiên cố ngẩng mặt lên trần nhà, tránh cho tôi trông thấy những giọt nước mắt của cậu. Không gian như dừng lại trong giây lát cho con tim của đứa cháu thổn thức vì thương nhớ bà nội. Từ ngày chứng kiến cháu bị xét xử, sức khỏe của bà xấu đi trông thấy, thân già không còn đủ sức đi thăm cháu.


Tuy không nói ra, nhưng trong câu chuyện của mình, tôi cảm nhận Kiên đang lo lắng không biết mình còn có cơ hội được phụng dưỡng, chăm sóc bà nội những ngày cuối đời này nữa hay không? Đây cũng là một động lực lớn thúc đẩy đứa cháu nội phạm pháp cố gắng cải tạo tốt, để được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước, sớm trở về để được bà nội xoa đầu, mừng tuổi vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.


Chia tay với nụ cười chấp nhận thực tại nở trên môi, chúng tôi tin Nguyễn Văn Kiên khi trở về sẽ trở thành một người tốt, một đứa con hiếu thảo với gia đình. Số phận thật khắc nghiệt với chàng trai 22 tuổi này, chỉ vì một phút nóng giận bênh vực mẹ đã vô tình trở thành kẻ giết người. Âu cũng là bài học cảnh tỉnh cho những bạn trẻ bồng bột, hành động theo bản năng, tự đánh mất tương lai của mình trong phút nóng giận nhất thời.


Thiên Long


* Tên nạn nhân đã được thay đổi.





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP