Người nông dân đi kiện
Gia đình bà C ở huyện TP tỉnh Đ, ngoài việc canh tác 03 công vườn, còn nuôi thêm một đàn gà đẻ 1.100 con để tăng thu nhập.Tháng 10/2007 Bà C mua 500 kg thức ăn gia súc (cám gà) do Công ty M sản xuất đem về nuôi đàn gà. Sau hơn một tuần cho gà ăn thức ăn gia súc của Công ty M, kết quả làm bà C rất phấn khởi. Thật đúng như lời công ty M quảng cáo, đàn gà lớn nhanh như thổi, sản lượng trứng tăng lên rõ rệt, có trứng to gấp rưỡi bình thường! Bà C mừng lắm. Nhưng niềm vui qua mau, chỉ gần một tháng sau, đàn gà của bà lần lượt …chết ! Mỗi sáng thức dậy, bà C ngỡ ngàng khi thấy hàng chục con gà... không đứng dậy nổi. Bà C bán không kịp, mà ăn cũng không kịp. Đến cuối tháng 12/2007 đàn gà 1.100 con chết sạch. Nhìn chuồng trại trống huơ, trống hoác, Bà C quá đau lòng, vốn liếng nuôi gà mấy năm nay đã đội nón ra đi .
Hàng xóm râm ran về chuyện một số cám gà của Công ty M bán cho nông dân có trộn thêm hoá chất tăng trọng. Loại hoá chất bí mật này giúp gà lớn rất nhanh, đẻ nhiều trứng, nhưng mau chết ! Không phải chỉ một mình bà C mà trong xóm có nhiều hộ nuôi gà cũng bị giống như vậy!
Khi nhận được thông báo sự việc xảy ra với đàn gà ở huyện T.P, Sở Nông nghệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã cử cán bộ thú y xuống điều tra. Sở đã chủ động lấy 4 mẫu cám gà của Công ty M đang bán trên thị trường gởi lên Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm (TP.HCM) để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm từ trung tâm cho thấy: trong 4 mẫu cám gà của Công ty M bán tại thị trường tỉnh ĐN có 02 mẫu (mã số MR1 và MR2) trộn chất tăng trọng Clenbuterol với tỷ lệ rất cao (150mcg/Kg) . Clenbuterol là một loại hóc môn kích thích làm gia súc tăng trọng nhanh, cho trứng to, màu sắc đẹp, nhưng có nguy cơ gây bệnh cho cả gia cầm lẫn cho người. Vì vậy Clenbuterol thuộc danh mục bị Bộ NNPTNT cấm sử dụng trong thức ăn gia súc.
Nhiều phóng viên tỉnh ĐN cũng như ở TP.HCM đã đến nhà bà C phỏng vấn, sau đó về “giật nhiều tít lớn” trên báo về vụ cám gà của Công ty M có trộn chất kích thích gây thiêt hại cho nông dân và có khả năng gây nguy hiểm đối với người tiêu dùng với những lời cáo buộc gay gắt. Bà C cũng như nhiều nông dân huyện T.P xôn xao tìm đọc và nghiên cứu rất kỹ các bài báo này. Với sự giúp đỡ của Hội Nông dân tỉnh, Bà C đã làm đơn kiện Công ty M ra Toà án Nhân dân tỉnh Đ để đòi bồi thường thiệt hại .
Phiên xử bắt đầu trễ hơn 1 tiếng đồng hồ so với giấy triệu tập. Ngồi kín các hàng ghế trong phòng xử từ sáng sớm là nông dân huyện TP. Không khí ngột ngạt và căng thẳng vì có lẽ đây là lần đầu tiên họ ra tòa theo dõi một vụ kiện .
Khi trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử, bà C đã đưa ra được các chứng cứ như sổ mua hàng 500kg cám gà có mã số MX1, MX2 tại cửa hàng Công ty M; Phiếu kết quả xét nghiệm của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm các mẫu cám gà của công ty M; Bản copy các bài viết của báo chí liên quan đến vụ Công ty M sử dụng chất tăng trọng trong cám gà.
Khi toà hỏi cách tính thiệt hại và chứng từ chứng minh? Bà C trả lời là mình đã tính toán tổn thất theo gía thị trường: thiệt hại do chi phí tạo lập đàn gà đẻ và thu tiền bán trứng từ lúc rớt hột là 70 triệu đồng, thiệt hại do thu tiền bán trứng nếu gà đẻ là 45 triệu đồng, tiền bán gà sau này khi gà không còn đẻ nữa là 25 triệu đồng. Dựa trên cách tính phỏng đoán này Bà C yêu cầu toà buộc Công ty M phải trả cho bà số tiền thiệt hại là 140 triệu đồng và yêu cầu Công ty M đăng báo 03 ngày liên tục để xin lỗi ...nông dân về hành vi sai trái của mình!
Một nông dân kiện Vedan Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ
Hội Nông dân tỉnh Đ đã cử bà T tham gia phiên toà để bảo vệ quyền lợi cho bà C Đến phần tranh luận, bà T vốn gốc là cô giáo nên phát biểu rất văn chương. Bà đọc bài phát biểu soạn sẵn ở nhà lời lẽ rất hùng hồn kêu gọi trách nhiệm xã hội và lương tâm của nhà sản xuất, nhưng lại không đi sâu vào những chứng cứ và quy định luật pháp cụ thể của vụ kiện. Người ngồi nghe trong phòng xử nhiều lần vỗ tay tán thưởng bài phát biểu của bà T khiến phòng xử ồn ào và vui vẻ hẳn lên, đến nỗi vị thẩm phán chủ toạ phải nhắc nhở “... lưu ý đây là phòng xử án chứ không phải... rạp hát, yêu cầu những nguời ngồi dưới không đuợc vỗ tay , làm ồn ào, nếu không sẽ mời ra khỏi phòng xử !
Phần trả lời và tranh luận trước toà của đại diện Công ty M làm bầu không khí đang phấn khởi trong phòng xử bỗng chùng xuống. Ông đưa ra chứng cứ cho thấy :
(i) Theo Phiếu kết qủa phân tích do Sở NN&PTNT lấy mẫu đi xét nghiệm cho thấy chỉ có 2 lô mẫu cám của Công ty M mang mã số MX1, MX2 ( cám nuôi gà thịt) là có chứa chất hóc môn tăng trưởng Clenbuterol, trong khi lô cám gà 500kg mà bà C đã mua của Công ty M lại có mã số MR1 và MR2 (cám cho gà đẻ), nghĩa là lô cám mà bà C mua của Công ty M không phải lô hàng có chứa chất Clenbuterol .
(ii) Ngoài lô cám gà mua của Công ty M , trong đợt này bà C còn mua thêm 500 kg của của 2 công ty khác để nuôi đàn gà (căn cứ hoá đơn tại đại lý bán thức ăn gia súc khác) .
(iii) Trước thời điểm đàn gà bà C chết 15 ngày, Chi cục thú y tỉnh Đ đã ra thông báo về dịch cúm gà đang xảy ra tại địa phưong và yêu cầu các gia đình chăn nuôi phải báo cáo ngay về Chi cục khi đàn gia cầm chết đột ngột để Chi cục đến kiểm tra lấy mẫu và phun thuốc khử trùng. Nhưng khi đàn gà chết, bà C đã không báo thú y huyện mà lại tự ý… tiêu thụ! Bởi như vậy, bà C không đủ cơ sở và chứng cứ để buộc Công ty M phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về cái chết của đàn gà!
Sau phần nghị án rất lâu, Hội đồng xét xử ra tuyên án. Toà cho rằng đây là một vụ án dân sự tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người đi kiện đòi bồi thuờng thiệt hại ngoài hợp đồng (nguyên đơn) phải cung cấp chứng cứ để chứng minh được 4 yếu tố: (i) Có thiệt hại cụ thể. (ii) Bên gây ra thiệt hại (bị đơn) có hành vi trái pháp luật. (iii) Lỗi của bị đơn. (iii) Phải có chứng cứ để chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra cho nguyên đơn và hành vi trái pháp luật của bị đơn.
Truớc toà Bà C đã chứng minh được 03 yếu tố đầu còn yếu tố thứ 4 thì bà C xin chịu…vì không có chứng cứ.
Do bà C khởi kiện yêu cầu Công ty M bồi thuờng thiệt hại do đàn gà chết nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh buộc trách nhiệm của bị đơn, nên Toà quyết định bác yêu cầu đòi bồi thường của bà C. Tuy nhiên, bà C vẫn còn quyền kháng cáo để xin xét xử lại.
Qua vụ kiện này bà C và nông dân huyện TP đã góp phần cảnh báo cho các doanh nghiệp dù đang vô tình hay cố ý sử dụng các chất độc hại trong sản xuất thực phẩm, đang xả nước thải vào sông rạch, thải khói bụi độc hại vào không khí phải cân nhắc để dừng lại. Vì nông dân và người tiêu dùng Việt Nam nói chung nay đã không còn chịu đựng như trước đây nữa. Họ đã biết và sẵn sàng sử dụng các phương tiện pháp lý để bảo vệ mình và để đòi lại toàn bộ thiệt hại mà họ gánh chịu, cả vốn lẫn lời.
Luật sư Đặng Ngọc Châu
www.nguoiduatin.vn