VNG 'dìm hàng' Samsung, vì sao?
Điều này sở dĩ khiến nhiều người chú ý, vì Zing – trang tin điện tử lớn trong cộng đồng internet Việt Nam - chỉ nửa năm trước đã bị hãng Samsung rút quảng cáo vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thời điểm Samsung ra mắt Galaxy S IV, Zing đã làm người đọc hoa mắt vì liên tục “dội bom” đối với sự kiện này. “Tín đồ Việt “thất vọng ghê gớm' về Samsung Galaxy S IV”, rồi thì: “Samsung học Apple bắt chước chính mình’”, “4 lý do không nên nâng cấp lên Galaxy S IV”, “Sếp HTC chê Samsung giỏi marketing hơn là sáng tạo”, “Galaxy S IV – nơi cư ngụ của những ứng dụng rác”, trước đó thì là “Màn ra mắt Samsung Galaxy S IV quá sến”, vv và vv….
Điều này không dấu được sự bất thường, vì trong khi đó, trên hầu khắp các trang mạng chuyện về công nghệ, sự khen chê dành cho chiếc smartphone cao cấp này được biên tập viên xử lý khá cân bằng. Dù cổ phiếu Samsung rớt giá trong ngày ra mắt sản phẩm mới, nhưng không thể phủ nhận, hãng điện tử đến từ Hàn Quốc đang trở thành một tượng đài công nghệ mới, và thậm chí còn được nhiều chuyên gia đánh giá là dần soán ngôi Apple trong địa hạt smartphone.
Trở lại nửa năm về trước. Vào đầu tháng 10/2012, cả hai gã không lồ Coca-Cola và Samsung gần như đồng loạt cùng rút quảng cáo trên Zing.
Hai tập đoàn đa quốc gia này đặt quảng cáo tại Zing do website này quen thuộc với giới trẻ, đối tượng tiềm năng cho các sản phẩm của họ. Ngoài Coca-Cola và Samsung, nhiều công ty lớn khác như Canon, Yamaha, Intel và Colgate - Palmolive cũng có quảng cáo trên đây.
Vì rút quảng cáo khỏi Zing, VNG 'dìm hàng' Samsung không thương tiếc?
Trong một thông báo, Samsung cho biết: "Chúng tôi rất tôn trọng bản quyền và phản đối bất cứ sự vi phạm nào, như sao chép và phân phối các tài liệu đã đăng ký bản quyền". Trước khi đưa ra tuyên bố này, Samsung vẫn quảng cáo chính Galaxy trên Zing.
Zing hiện là website được truy cập vào tốp nhiều nhất tại Việt Nam. Website này thuộc sở hữu của VinaGame (VNG), tập đoàn có thế mạnh về cung cấp trò chơi trực tuyến. Cả Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures và Goldman Sachs đều có cổ phần trong công ty này. Nhưng với cách “ứng xử” như đã diễn ra đối với Samsung Galaxy S IV, phải chăng “thần tượng” internet Việt Nam cũng đã cho thấy một tâm thế chưa thực sự trưởng thành. Quá nhiều ngôn từ mang tính “dìm hàng” dành cho một đối tác cũ. Zing buộc lòng khiến người ta nghĩ đến sự chơi không đẹp.
Báo chí cũng từng đề cập đến việc ông chủ Trung Nguyên từng “dìm hàng” đối thủ Starbucks khi người khổng lồ đồ uống mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM.
Trường hợp của Trung Nguyên, dẫu sao còn dễ thông cảm vì xuất phát từ tâm thế cạnh tranh, còn Zing?
Đức Sơn
www.nguoiduatin.vn