Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Xử phạt ngoại tình: Bắt tại trận cũng chào thua


Theo quy định hiện hành (Nghị định 87/2001), hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng (nói nôm na là ngoại tình) bị xử phạt từ 100.000 đến 500.000 đồng. Mức phạt này quá thấp, không đủ sức răn đe, dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp đang được lấy ý kiến góp ý nâng mức phạt hành vi này lên từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ bằng việc nâng mức phạt lên gấp đôi thì liệu có “trị” được tình trạng ngoại tình?


Ngoại tình vẫn nhởn nhơ


Thực tế hiện nay cho thấy tình trạng ngoại tình đang phổ biến, tràn lan và là nguy cơ tan vỡ hạnh phúc nhiều gia đình, quy định xử phạt hành vi này về hình sự, hành chính đều có đủ, tuy nhiên hiếm có trường hợp nào bị xử phạt.


Chị B. từ Tây Ninh gọi điện thoại cho PV nhờ can thiệp việc chồng ngoại tình. Chị kể: “Vợ chồng tôi có hai mặt con. Ổng là cán bộ công an huyện. Mấy năm nay ổng cặp với con nhỏ khác, thuê nhà và ăn ở với nó. Tôi từng bắt tại trận hai người ăn nằm với nhau. Tôi khuyên nhủ đủ điều không được nên gửi đơn cho cơ quan ổng và các đoàn thể nhờ can thiệp giùm. Vừa gửi đơn hôm trước, hôm sau ổng về chửi đánh, còn dọa là ổng quen hết cả tỉnh này, đơn với thư thì làm được gì ổng. Tôi chưa muốn ly hôn ngay mà muốn nhờ cô giúp”.


Chị ức: “Luật lệ phải bảo vệ gia đình, bảo vệ phụ nữ sao đó chứ. Chẳng lẽ người có gia đình cứ ngang nhiên ăn ở với người khác, nếu có khiếu nại thì chỉ ly hôn rồi ra đi mà không bị gì cả? Tôi khủng hoảng suốt mấy năm trời cuối cùng chịu trắng tay”. Người rơi vào tình trạng như chị B. không phải hiếm. Luật sư Nguyễn Sơn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam, cho biết ông cũng đang tư vấn cho một trường hợp là “người thứ ba”. Luật sư Sơn kể: “Anh kia đã có vợ con, chung sống như vợ chồng với chị N. nhiều năm nay. Khi chị N. có thai, anh này dụ dỗ, ép buộc chị phá thai rồi lặn mất tăm. Chị nhờ nhiều luật sư tư vấn để “xử” anh này về hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng nhưng không được. Chứng cứ đâu? Giờ thai đã phá, làm sao chứng minh được đứa con trong bụng là của anh ta để mà xử phạt?”.



Muốn phạt phải... nhờ hàng xóm!!!


Quả thật, quy định hiện hành xử phạt người đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác với mức phạt nhẹ hều chỉ từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng. Đã nhẹ như vậy nhưng muốn xác định chung sống như vợ chồng với người khác thì không phải dễ. Theo Thông tư liên tịch 01/2001 thì “việc chung sống như vợ chồng phải được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó”.


Theo luật sư Nguyễn Sơn, trường hợp của chị B. dù có “bắt tại trận” cũng chịu thua nếu họ không có con chung, không có tài sản chung, không có ai xác nhận rằng họ ăn ở với nhau như vợ chồng, không có cơ quan đoàn thể nào giáo dục trước đó.


Theo TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Luật hôn nhân và gia đình - Trường ĐH Luật TP.HCM, hướng dẫn của Thông tư liên tịch 01/2001 còn mơ hồ và khó thể thực hiện. Bằng biện pháp nào để hàng xóm và xã hội xung quanh thể hiện là coi đôi tình nhân đó như là vợ chồng? Ký nhận vào một biên bản hay bỏ phiếu kín? Biên bản do ai lập?...


Tất cả chi tiết này luật hiện hành không nói rõ. Đó là chưa nói đến tâm lý xã hội đến nay vẫn còn xem đây là chuyện của mỗi gia đình nên để có được xác nhận “???c h?ng x?m v? x? h?i xung quanh coi nh? v? ch?ng? l? r?tđược hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng” là rất khó, gần như bất khả thi. “Mặt khác, có những người ngoại tình cả chục năm trời mà nếu họ và tình nhân không có con chung, không chứng minh được giữa họ có tài sản chung thì cũng đành chào thua. Tức là không thể chứng minh được yếu tố chung sống như vợ chồng mặc dù trên thực tế là có” - TS Tiến nói.


Xử hình sự: Càng khó hơn


Theo luật sư Nguyễn Sơn, xử lý hành chính đã khó, xử lý hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo Điều 147 BLHS càng khó vô ngần. Để xử lý hình sự được về tội này thì phải có một trong hai điều kiện: Một là đã xử lý hành chính về hành vi này rồi mà còn vi phạm. Hai là chưa bị xử lý hành chính về hành vi này nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.


Như đã phân tích ở trên, vì khó xử lý hành chính nên việc ngoại tình dù có diễn ra nhiều lần, với nhiều người cũng không thể xử hình sự được. Còn để xác định như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng thì luật lại quy định quá cứng nhắc. Theo Thông tư 01/2001, gây hậu quả nghiêm trọng là “làm cho gia đình của một hoặc hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát”. Do đó, nếu gia đình có người ngoại tình mà không dẫn đến ly hôn, không có tự sát thì khó có thể xử lý hình sự được. Trong khi đó, trên thực tế không ít những người vợ (chồng) đã phải sống trong héo mòn, trầm cảm vì người kia ngoại tình nhưng vì nhiều nguyên nhân mà không thể chọn giải pháp ly hôn.


Theo ông TrìnhMinh Hùng, Chánh án TAND huyện Phú Ninh, Quảng Nam, thì nhiều án ly hôn do ngoại tình nhưng hiếm khi được ghi vào hồ sơ. “Trong quá trình hòa giải, một bên tố bên kia ngoại tình, bên bị tố hiếm khi thừa nhận. Nếu cả hai bên thừa nhận ngoại tình thì hồ sơ lưu của tòa mới ghi là ly hôn do vi phạm chế độ một vợ một chồng. Vì vậy thực tế nguyên nhân ly hôn do ngoại tình thì khá nhiều nhưng trong hồ sơ lưu của tòa án huyện Phú Ninh chỉ có khoảng 6%. Còn về xử phạt hành chính về hành vi này thì tôi chưa từng thấy trường hợp nào cả” - ông Hùng nói.


Theo Thanh Mận (pháp luật TP HCM)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP