Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Đương sự dọa chết, Tòa án chùn tay


Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ mặc dù có công cụ xử lý trong tay nhưng nhiều Tòa án lại tỏ ra bất lực...


Đương sự dọa chết, Tòa án chùn tay


Năm 2012, TAND quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng thụ lý vụ kiện dân sự về chia tài sản thừa kế giữa nguyên đơn là ông Trần Minh D. và bị đơn là ông Trần K. Vì bị kiện nên ông K. luôn cảm thấy "ấm ức" và tìm cách gây khó cho Tòa. Ngoài việc gay gắt với thẩm phán, ông K. còn lên tận lãnh đạo Tòa "kiện" về một số vấn đề liên quan đến vụ án.


Khi việc định giá tài sản lần thứ nhất được tiến hành, ông K. đã không cho hội đồng định giá vào làm việc, ông còn đe dọa sẽ chết nếu cơ quan chức năng tiếp tục làm việc khiến buổi định giá phải hoãn. Đến lần thứ hai, dù không dọa chết, nhưng ông K. phản ứng bằng cách... khóa cửa bỏ đi nên việc định giá cũng không tiến hành được.


Còn tại một TAND quận của TP HCM vào năm 2012, anh Nguyễn Văn M. nộp đơn khởi kiện yêu cầu TAND buộc ông Trương Quang T. phải trả 200 triệu đồng nợ gốc và lãi suất theo quy định. Việc vay mượn nợ có giấy tờ rất rõ ràng giữa, phía ông Trương Quang T. cũng có địa chỉ cụ thể nên tòa ra thông báo đóng tạm ứng án phí và thụ lý.


Nhưng vụ kiện đòi nợ xem ra rất đơn giản này đã bị kéo dài nhiều năm vì ông Trương Quang T. luôn viện lý do sức khỏe yếu, bận rộn, không tham gia tố tụng được mà phải nhờ đại diện theo ủy quyền.


Tuy nhiên, khi cán bộ tòa liên lạc trực tiếp với ông thì ông từ chối gặp, yêu cầu làm việc với người đại diện. Nhưng, ông T. không những chỉ có một người đại diện mà liên tục thay đổi đến bốn người. Chỉ riêng khâu này, Tòa đã "chạy toát mồ hôi" trong việc tống đạt văn bản, triệu tập lấy lời khai, tổ chức hòa giải.


Giả ốm, thay đổi người đại diện, tự nhiên "biến mất" khỏi nơi cư trú, giả vờ thần kinh... là những "chiêu" thường gặp để kéo dài vụ án mà hầu như Tòa án nào cũng gặp phải khi giải quyết các vụ kiện dân sự.


Mạnh tay, án càng kéo dài?


Thống kê của nhiều Tòa án địa phương cho thấy, hiện nay các hành vi cản trở hoạt động tố tụng trên thực tế diễn ra rất nhiều, đặc biệt là các hành vi như triệu tập đến tòa nhưng không có mặt; khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tiến hành tố tụng, vi phạm nội quy, trật tự phiên tòa... Tuy nhiên, hầu hết các hành vi vi phạm này đều bị "cho qua".


Chánh án TAND TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận cho biết, từ khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1997) đến nay, TAND TP và các tòa án quận huyện chưa ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với bất cứ hành vi nào cản trở hoạt động của Tòa án.


“Sở dĩ thẩm phán, chánh án Tòa án các cấp không sử dụng thẩm quyền của mình là vì khối lượng công việc phải giải quyết nhiều, mỗi thẩm phán phải thụ lý lượng án lớn trong khi tâm lý thẩm phán chỉ muốn giải quyết xong vụ án theo đúng quy định của pháp luật”,ông Quận lý giải và cho biết thêm:


“Nếu áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với bị đơn như cảnh cáo, phạt tiền… thì sẽ làm gia tăng tính căng thẳng trong vụ án, họ sẽ tiếp tục thiếu hợp tác và càng làm cho vụ án khó khăn, kéo dài hơn”.


Chánh án TAND Tp. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) Nguyễn Minh Hoàng cũng thừa nhận: "Việc Tòa án không xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng đã ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật. Nhiều vụ án không được giải quyết đúng thời hạn, bị hủy, hay xử đi xử lại nhiều lần do Tòa không thể thẩm định, định giá tài sản trang chấp... vì đương sự bất hợp tác, cố tình xuyên tạc, hay tố cáo cán bộ Tòa án sai sự thật".


Chánh án Hoàng cho rằng, tất cả các hành vi cản trở của đương sự dù ở mức độ nào thì ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng giải quyết các vụ án.


Một lý do khác được nhiều Tòa án đưa ra để lý giải cho việc ngành chưa xử lý các trường hợp đương sự vi phạm khiến án bị kéo dài quá hạn là do các văn bản quy định về thẩm quyền, các hình thức xử phạt, mức phạt, trình tục phạt... chưa có (hiện mới chỉ có một số quy định về việc xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, vi phạm nội quy phiên tòa tại một số văn bản quy phạm pháp luật, nhưng cũng chưa cụ thể). Do đó, họ không có cơ sở để xử phạt.


TANDTC đang xây dựng Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND, trong đó các nội dung cụ thể nói trên sẽ được quy định rõ ràng, tạo điều kiện cho các Tòa án xử lý mạnh tay hơn đối với các hành vi vi phạm.


Điều đó có nghĩa là sẽ thúc đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, góp phần khắc phục tình trạng án quá hạn do đương sự chầy bửa, cố tình gây khó khăn cho cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, khi có công cụ trong tay, ngành Tòa án cũng cần có thái độ kiên quyết, khắc phục tâm lý nể nang, né tránh, nếu không các quy định về xử phạt sẽ chỉ là vật trang trí, có cho đẹp mà thôi.


Theo Đông Bình (Pháp luật Việt Nam)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP