Những cái chết thương tâm vì iPhone
Khi Sunah Yang mua iPhone cho em trai cách đây 2 năm, cô đã khuyến cáo em về phụ kiện tai nghe màu trắng của iPhone. Cô nói với em không bao giờ được dùng chúng vào ban đêm, chúng sẽ biến em thành mục tiêu của bọn trộm cướp.
"Rõ ràng là em ấy đã không nghe lời tôi", Sunah Yang nói.
Vào khoảng nửa đêm ngày 19/4/2012, Hwangbum Yang, một đầu bếp nhập cư đầy triển vọng người Hàn Quốc 26 tuổi kết thúc công việc tại một nhà hàng ở Manhattan (Mỹ). Anh bắt đầu đi bộ về nhà dưới trời mưa. Chỉ còn cách nhà một đoạn đường ngắn, Hwangbum Yang đã bị một người đàn ông chĩa súng vào. Theo cảnh sát, kẻ tấn công tên là Dominick Davis và muốn có iPhone của Yang. Khi anh từ chối, Davis đã bắn anh một phát vào ngực. Yang chết ngay bên vệ đường.
Yang vẫn đang đeo tai nghe màu trắng của iPhone khi các nhân viên y tế đến. Kẻ bắn anh không hề động đến ví của Yang mà chỉ lấy iPhone của anh. Sau đó cảnh sát phát hiện chiếc iPhone được rao bán trên mạng với giá 400 USD.
Gần một năm sau cái chết của Yang, đám mây u ám vẫn bao phủ trên gia đình anh. Bố anh ngủ trên giường của con trai, mẹ anh cầu nguyện tại nơi Yang bị bắn chết mỗi ngày trong 4 tuần liền cho đến khi chồng bà bảo thôi.
Bà mẹ Hyun Sup Yang cho rằng nguyên nhân cái chết của con trai là vì quá khao khát sở hữu chiếc điện thoại nổi tiếng nhất thế giới. "Nếu con trai tôi không có iPhone, nó sẽ vẫn còn sống", bà nói.
Vụ án chết người của Yang là một ví dụ trong mối lo ngại tội phạm hoành hành trên cả nước Mỹ. Từ New York đến San Francisco đến Washington D.C., cảnh sát cho biết những vụ trộm smartphone và tablet – đặc biệt là iPhone và iPad - gia tăng mạnh. Số vụ cướp giật tăng mạnh đến nỗi cảnh sát đã phải đặt riêng một "từ chuyên môn" cho những vụ án như thế: nạn cướp Apple.
Hàng ngày, những tên tội phạm cướp giật điện thoại trên các con phố đông người, bên trong các nhà hàng, ga tàu điện ngầm..., sau đó bán lại trên Internet, trên các góc phố và các cửa hàng địa phương. Theo Sở cảnh sát New York, nạn trộm cắp điện thoại có xu hướng gia tăng sau mỗi đợt Apple ra mắt sản phẩm mới.
Số các vụ án đường phố gia tăng là dấu hiệu rõ ràng nhất minh hoạ cho cái mà các nhà chức trách luật pháp thường gọi là nền công nghiệp "ngầm" toàn cầu. Nhiều điện thoại trộm cắp tại Mỹ được bán cho những nơi xa xôi như châu Á, Đông Âu và Mỹ Latin. Theo Lookout, hãng bảo mật di động ở San Francisco (Mỹ), thị trường này có giá trị khoảng 30 tỷ USD mỗi năm.
Bản chất của ngành thương mại trái phép này bắt nguồn một phần từ những biện pháp mà các nhà mạng Mỹ áp đặt khiến những chiếc điện thoại trộm cắp khó bán lại tại Mỹ hơn, buộc tội phạm phải tìm kiếm thị trường nước ngoài để tiêu thụ. Tại Mỹ, nhà mạng trợ giá máy điện thoại cho người dùng, trong khi ở hầu hết các nước, người tiêu dùng phải trả toàn bộ mức giá bán sản phẩm. Ngành thương mại mua bán điện thoại trộm cướp lớn và sinh lãi cao đến nỗi thu hút cả những bọn tội phạm có tổ chức và các tổ chức khủng bố, từ băng đảng ma tuý Mexico đến nhóm vũ trang Hezbollah.
Khoảng 40% bọn trộm cướp tại các thành phố ở Mỹ có liên quan đến các vụ cướp ĐTDĐ. iPhone của Apple đã trở thành mục tiêu rõ ràng nhất của bọn tội phạm. "Bọn trộm cướp ngày nay không quan tâm đến số tiền trong ví của bạn", Albie Esparza, một đại diện của Sở Cảnh sát San Francisco, nói. "Chúng quan tâm đến điện thoại của bạn bởi chúng có thể bán lại và thu về số tiền lớn nhanh chóng".
Món lợi lớn từ những smartphone trộm cướp được
Vấn nạn này đã nổi lên từ cách đây vài năm. Lúc đó, các vụ trộm cướp tăng lên và rất kỳ lạ là chúng bỏ qua hết các đồ vật giá trị khác mà chỉ cần lấy điện thoại. Tháng 3 năm ngoái, cảnh sát Washington D.C đã bắt giữ 13 kẻ chuyên buôn bán iPhone và các mặt hàng điện tử trộm cắp. 2 năm trước, cảnh sát New York đã bắt giữ 141 nhân viên của các cửa hàng cắt tóc, quầy thông tin, cửa hàng tạp hoá và các doanh nghiệp khác vì tiêu thụ iPhone và iPad ăn cắp.
Cathy Lanier, cảnh sát trưởng của Washington D.C, nói rằng những kẻ trộm cắp là nguồn cung cấp chính cho thị trường buôn bán điện thoại trái phép này. Cảnh sát đã phải nghĩ ra nhiều phương kế để dụ bọn chúng. Tại Washington D.C, các nhân viên cảnh sát bí mật đi tàu điện và giả vờ như những người vô gia cư, uống rượu say và ngủ trong khi tay vẫn cầm điện thoại. Họ sẽ lập tức bật dậy khi bọn trộm cướp sập bẫy lấy điện thoại. Trong khi đó, cảnh sát New York đã thu thập số serial của những chiếc iPhone vừa được mua bên ngoài các cửa hàng Apple, vì thế họ có thể theo dõi thiết bị bị đánh cắp và trả về cho chủ sở hữu.
Các công ty điện thoại cũng tham gia vào nỗ lực chống lại thị trường đen này. Trong nhiều năm liền, các nhà mạng đã chặn điện thoại trộm cắp, khiến chúng không thể dùng trên hệ thống bằng cách đóng thẻ SIM. Nhưng bọn trộm chỉ cần thay chiếc SIM bị chặn bằng một SIM mới và bán lại điện thoại để dùng trên các mạng khác.
Tháng 4 năm ngoái, dưới áp lực của Uỷ ban truyền thông Mỹ (FCC) và các sở cảnh sát, nhà mạng Mỹ AT&T, Verizon Wireless, Sprint và T-Mobile đã đồng ý tham gia và chia sẻ danh sách những số serial của những điện thoại bị đánh cắp. Một khi chính sách được thực thi vào cuối năm nay, những chiếc điện thoại trộm cắp sẽ không thể hoạt động trên bất kỳ nhà mạng lớn nào của Mỹ nữa.
"Chỉ cần nhấn một nút, nhà mạng có thể vô hiệu chiếc điện thoại và biến tài sản lấy cắp thành một khối nhựa vô ích", cảnh sát New York Ray Kelly nói.
Nhưng dù thế, các vụ trộm cướp điện thoại vẫn không ngừng xảy ra. Mới tháng trước, những kẻ bịt mặt đã xông vào cướp một cửa hàng của AT&T và lấy đi số iPhone mới trị giá 15.000 USD. Đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi những vụ cướp gần đây và có vũ trang tại các nhà bán lẻ smartphone.
Thậm chí, bọn trộm cướp còn tìm ra những cách mới để kiếm tiền từ điện thoại trộm cắp. Chúng thả điện thoại vào các máy tái chế của hãng ecoATM. Những người dùng tái chế điện thoại cũ trong các máy của ecoATM – giống như máy ATM của ngân hàng – sẽ được nhận đến 300 USD/cái, tuỳ thuộc vào giá trị của máy trên thị trường toàn cầu.
Ryan Kuder, đại diện của ecoATM, nói rằng công ty cố gắng ngăn chặn bọn trộm nhận tiền từ điện thoại trộm cắp bằng cách kiểm tra số ID và giữ điện thoại trong 30 ngày hoặc hơn, để cảnh sát có thời gian xem liệu đó có phải điện thoại trộm cướp không. Nhưng công ty không kiểm tra được theo thời gian thực. Kuder nói đó là vì họ không được tiếp cận danh sách đen những điện thoại bị trộm cướp mà cảnh sát và nhà mạng có.
Cảnh sát cho biết họ đã lập riêng một nhóm chuyên điều tra vấn đề này và gần đây họ đã bắt giữ được một người đàn ông đã thả 22 máy điện thoại trộm cắp trong các máy ecoATM trong 30 ngày để lấy về hơn 2.200 USD tiền mặt.
Như vậy, có rất nhiều mối lợi mà bọn tội phạm được hưởng khi trộm, cướp điện thoại. Những công ty như ecoATM cũng đang tạo ra động lực cho bọn tội phạm.
Trên eBay, chỉ cần tìm kiếm nhanh những smartphone chạy mạng Verizon sẽ cho ra hàng ngàn kết quả chứa từ "BadESN" – để chỉ một chiếc điện thoại không thể dùng được trên bất kỳ mạng nào ở Mỹ vì số serial của nó đã được báo cáo là mất hoặc bị lấy cắp. Những chiếc điện thoại này chắc chắn sẽ rất hấp dẫn những kẻ buôn bán điện thoại ở các nước khác.
Những kẻ buôn lậu ma tuý Mexico thường dùng điện thoại trộm cắp tại Mỹ để liên lạc với gia đình có người bị bắt cóc, bởi cách dễ dàng nhất để liên lạc trong trường hợp này là dùng một thiết bị di động không bị theo dõi. Hồi tháng 11 năm ngoái, chính phủ Mỹ và Mexico đã đồng ý sẽ vô hiệu điện thoại trộm cắp ở cả hai nước để ngăn chặn tình trạng buôn lậu xuyên biên giới. Đây là thoả thuận kiểu này đầu tiên giữa Mỹ và một nước khác.
Nhưng Mexico không phải là thị trường nước ngoài duy nhất của điện thoại trộm cắp. Cảnh sát Anh đã theo dõi và nhận thấy những chiếc điện thoại trộm cắp đi đến tận 16 nước ở Đông Âu, châu Phi và châu Á, và ở đó chúng lại được kích hoạt lại trên các mạng nước ngoài.
Năm 2009, cảnh sát Mỹ đã bắt giữ những gián điệp của tổ chức vũ trang Hezbollah ở Philadelphia vì đang mua hàng ngàn điện thoại trộm cắp và các đồ điện tử khác để bán ra Hong Kong và các tiểu vương quốc Ả Rập. Bọn chúng định dùng số tiền này để tài trợ cho lực lượng Lebanese thuộc tổ chức quân sự Shiite mà Mỹ xem đó là bọn khủng bố.
Các chuyên gia nói rằng những chiếc điện thoại trộm cắp đã tạo ra hàng chục ngành kinh doanh phi pháp khác trên thế giới. Đó là nó sinh ra những kẻ chuyên mua hoặc trộm điện thoại với số lượng lớn, nhưng hacker chuyên bẻ khoá phần mềm điện thoại để dùng máy trên các mạng khác, những nhân viên đóng gói điện thoại lại trong những chiếc hộp mới với hướng dẫn sử dụng dùng tiếng địa phương của nơi chiếc điện thoại sẽ được bán ra. Người tiêu dùng bước vào cửa hàng và khi người bán hàng đưa ra một chiếc điện thoại còn nguyên trong hộp, họ không thể biết chiếc điện thoại đó là hàng trộm cướp của một nạn nhân ở San Francisco.
Những cái chết thương tâm vì iPhone
Các sản phẩm Apple không phải là đích ngắm duy nhất, nhưng iPhone và cả iPad dường như đang là nhu cầu cao nhất của bọn tội phạm. Theo một trang tin tức, cách đây 2 năm, một tên cướp đã tấn công những sinh viên trường Đại học Columbia ở thành phố New York để đòi iPhone. Khi các sinh viên đưa điện thoại BlackBerry ra, tên cướp đã không muốn lấy và trả lại.
iPhone không phải là sản phẩm mới nhất của Apple được bọn tội phạm nhắm đến. Năm 2005, cảnh sát New York đã khuyến cáo những người đi xe điện về nạn trộm cắp iPod gia tăng. Trong năm đó, 2 thiếu niên đã bị buộc tội đâm một cậu bé 15 tuổi đến chết trong một vụ ẩu đả tranh giành iPod. Trên website của mình, Apple khuyến cáo các nạn nhân trình báo vụ trộm cướp với cảnh sát và dùng tính năng "Find My iPhone" của công ty. Trong mấy tháng gần đây, Apple đã giúp một nhóm các cảnh sát New York định vị những chiếc iPhone và iPad bị mất trộm bằng cách theo dõi các định vị của thiết bị dùng các số serial. Nhưng một số chuyên gia nói rằng Apple có thể làm nhiều hơn nữa để những chiếc iPhone bị mất trộm khó bán lại hơn. Chẳng hạn, chính sách bảo hành của công ty hiện đang liên kết các gói dịch vụ khách hàng đến thiết bị, chứ không phải đến người dùng. Như thế, nếu một chiếc iPhone còn hạn bảo hành, tên trộm có thể đổi thiết bị tại một cửa hàng Apple, lấy chiếc iPhone mới mà không bị xem lại iPhone trộm cắp và tránh bị dò tìm.
Với Paul Boken, bất cứ nỗ lực ngăn chặn bọn trộm cướp iPhone nào cũng đã trở nên quá muộn màng.
Trong nhiều năm liền, con gái của anh là Megan dùng một chiếc BlackBerry, nhưng muốn có iPhone vì cô nghĩ sẽ dễ dùng mạng xã hội và chụp ảnh hơn. Tháng 7 năm ngoái, Paul Boken đã mua một chiếc iPhone trắng cho con gái. Và 1 tháng sau, Megan, lúc đó là 23 tuổi, đã bị bắn 2 phát, một phát vào ngực và một vào cổ. Cô gái đã chết và mục tiêu của kẻ phạm tội là chiếc iPhone của cô.
Paul Boken không chỉ đổ lỗi cho những kẻ đã giết hại con gái, mà còn đổi lỗi cho một nền công nghiệp mà theo ông là đã chậm chạp trong việc làm giảm giá trị những chiếc điện thoại bị lấy cắp. "Các nhà sản xuất điện thoại, gồm cả Apple, nhẽ ra phải xử lý vấn đề từ cách đây 3-4 năm", ông nói.
Sau đó, cảnh sát đã lấy lại chiếc iPhone của Megan và trả về cho bố của cô. Ông đã giữ nó trong một cái hộp để trong nhà. Cũng như mọi thứ của con gái, ông nói ông không thể từ bỏ nó. Ông vẫn giữ nguyên phòng ngủ của con gái đúng như khi cô ra đi.
Megan Boken và bố (Paul) trong một bức ảnh trước khi cô gái bị bắn chết
Câu chuyện của Megan không phải là duy nhất. Trong khi cảnh sát và nhà mạng tìm giải pháp chống nạn trộm cướp điện thoại, nhiều người đã phải từ bỏ mạng sống vì những vụ cướp bóc bạo lực gia tăng.
"Nhiều nạn nhân hoặc đã mất đi cả mạng sống hoặc cuộc sống đã thay đổi sau khi bị tấn công cướp điện thoại", Lainer, cảnh sát trưởng của Washingto D.C nói.
Alex Herald xem mình thật may mắn vì còn sống.
Ngày 28/4 năm ngoái, Herald, 20 tuổi và bạn là Miguel Gonzalez đang đi trên tàu điện ngầm ở New York. Lúc đó là 4 giờ sáng và họ đều ngủ thiếp đi. Khi Herald thức giấc, anh nhận thấy một lỗ thủng phía túi quần bên phải, nơi anh thường để smartphone. Anh nhìn quanh trên tàu và thấy một người đàn ông đang một tay cầm dao, tay kia là chiếc điện thoại của anh.
Herald đã vật lộn với tên trộm – mà sau đó cảnh sát cho biết tên là Victor Montalvo, 22 tuổi, để lấy lại điện thoại. Tên trộm đã đâm Herald 5 nhát trên mặt, một nhát vào cổ và một nhát vào lưng. Herald nằm trên sàn tàu trong một vũng máu còn bạn anh nhanh chóng tìm sự giúp đỡ.
Herald đã bị đâm nhiều nhát khi vật lộn với tên trộm iPhone. "Tôi nghĩ tôi sẽ chết mất".
"Tôi tự nghĩ mình sẽ chết mất", Herald nhớ lại. 10 tháng sau đó, anh đã phải điều trị trong 3 bệnh viện liền. Mẹ của anh nói chiếc điện thoại là một trong những tài sản giá trị nhất của anh, anh đã đánh nhau để lấy nó lại vì anh không muốn mất đi âm nhạc và các bức ảnh lưu trong đó. "Chiếc điện thoại chứa đựng một thế giới nhỏ của con tôi trong đó", bà nói. Còn Herald thì ước giá mà anh vẫn tiếp tục ngủ lúc bị mất chiếc điện thoại. "Nếu tôi không thức giấc và phát hiện mất chiếc điện thoại, sau đó tôi đã có thể mua cái khác", anh nói. "Nhưng giờ thì tôi không thể mua lại cuộc sống của mình".
Trở lại với câu chuyện của cậu bé Hwangbum Yang ở đầu bài viết. Chị gái Sunah cho biết vào lúc khoảng 1.30 phút sáng ngày 19/4, cảnh sát đã đến gõ cửa nhà cô và thông báo em trai đã bị giết. "Lúc đó, toàn thân tôi run lên", Sunah kể lại.
Sau cái chết của Hwangbum, những người hàng xóm đã đặt những bông hoa cẩm chướng trên vỉa hè gần nơi Hwangbum bị bắn chết. Còn Sunah luôn tránh đi con đường này vì nó khiến cô nhớ đến hình ảnh em trai bị bắt chết. "Tôi cố gắng tưởng tượng em mình vẫn đang đi du lịch đâu đó trên thế giới, và tôi sẽ sớm gặp lại em", cô nói.
Bố mẹ của Hwangbum đang cầm những bức ảnh của con trai. Anh bị giết chết năm ngoái trong vụ cướp iPhone
Còn bố của cô không bao giờ mua iPhone nữa dù bạn bè ông vẫn động viên ông mua iPhone vì nó tiện lợi hơn chiếc điện thoại đời cũ của ông. "Nếu tôi mua iPhone", bố của Hwangbum nói, "Tôi sẽ nghĩ về con trai của mình bất kỳ khi nào tôi nhìn vào nó".
Theo ICTNews
www.nguoiduatin.vn