Bé 6 tuổi chết ở trường Academy: Có dấu hiệu hình sự
Trước đó, vào khoảng 9h20 sáng 11/7/2013, gần 20 cháu bé đã tham gia lớp bơi lội tại bể bơi trong khuôn viên Trường song ngữ Hà Nội Academy (địa chỉ: D45, D46 Khu đô thị quốc tế Nam Thăng Long Ciputra, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội). Đây là một hoạt động ngoại khóa do trường học này tổ chức cho các cháu thiếu nhi nhân dịp nghỉ hè, bất cứ cháu nào cũng có thể đăng ký tham gia.
Trong giờ học hôm đó, lớp học bơi diễn ra dưới sự quản lý, điều hành của 4 giáo viên, bao gồm 2 giáo viên dạy bơi lội và 2 giáo viên hỗ trợ. Đến khoảng 10h45, các giáo viên phát hiện một học sinh của mình “có vấn đề” dưới đáy bể bơi. Nạn nhân được đưa lên bờ, xe cứu thương được gọi tới. Có điều, khi xe cứu thương đến nơi thì cháu bé đã tử vong.
Bể bơi nơi cháu bé 6 tuổi bị tử vong. |
Theo thông tin ban đầu, cháu bé xấu số nói trên sinh năm 2007, là con trai duy nhất của một cặp vợ chồng cư trú tại quận Ba Đình, Hà Nội.
Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân tử vong của cháu bé. Tức là các nghi vấn về việc cháu bé tử vong ở dưới bể bơi hay tử vong sau khi được đưa lên bờ, tử vong do đuối nước hay tử vong do nguyên nhân khác, tử vong vì yếu tố khách quan hay tử vong do sự bất cẩn của giáo viên đứng lớp... vẫn chưa được làm rõ.
Liên quan đến khía cạnh pháp lý của vụ việc này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Trưởng Văn phòng luật sư Đức Thịnh (Hà Nội).
Xung quanh vụ việc này còn rất nhiều nghi vấn cần làm rõ. Chẳng hạn như nạn nhân có bệnh lý gì không; trong giờ học bơi, ngoài 4 giáo viên đứng lớp thì tại bể bơi có đầy đủ sự có mặt của các nhân viên cứu hộ với đầy đủ thiết bị cứu hộ hay không; bể bơi có được trang bị phòng y tế, nhân viên y tế đúng tiêu chuẩn hay không; bể bơi có bảng nội quy khuyến cáo người mắc các bệnh có nguy cơ cao dễ gây tai biến ảnh hưởng đến sức khỏe, người ăn no không nên tham gia bơi, lặn hay không...
Phóng viên: Thưa luật sư, trong sự việc trên, ai là người phải chịu trách nhiệm về cái chết của cháu bé và chịu trách nhiệm như thế nào?
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Để xảy ra cái chết cho cháu bé 6 tuổi trong giờ tập bơi tại bể bơi của trường khi có tới 4 giáo viên dạy bơi và giám sát các cháu học bơi, thì trách nhiệm trước tiên thuộc về 4 giáo viên này, sau đó là trách nhiệm của nhà trường Academy nơi gia đình cháu bé tin tưởng gửi con mình vào học tập.
Sau khi có kết quả điều tra, pháp y tử thi của cơ quan chức năng thì mới có thể xác định được trách nhiệm của cá nhân giáo viên và nhà trường như thế nào.
Phóng viên: Theo luật sư, khi tiến hành điều tra, cơ quan chức năng phải xác minh làm rõ những vấn đề gì trong vụ việc này?
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Theo qui định của pháp luật, những trường hợp chết còn chưa rõ nguyên nhân thì phải được cơ quan điều tra tổ chức khám nghiệm tử thi, pháp y có sự tham gia của các chuyên gia y tế, nhà trường, viện kiểm sát cùng cấp...
Mục đích của việc làm này là để kết luận cháu bé bị chết là do đuối nước hay do nguyên nhân bệnh lý, hoặc nguyên nhân khác.
Phóng viên: Điều 99, Bộ Luật Hình sự có đề cập về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”. Trong vụ việc trên, liệu Trường song ngữ Hà Nội Academy mà trực tiếp là 4 giáo viên có mặt tại bể bơi hôm xảy ra vụ việc có vi phạm điều luật này hay không? Nếu vi phạm thì những người liên quan sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Nếu kết luận cái chết của cháu bé có dấu hiệu hình sự thì cơ quan điều tra sẽ tự mình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và sẽ được VKS cùng cấp phê chuẩn, để tiến hành điều tra xử lý những người phạm tội trước pháp luật. Việc gia đình cháu có hay không yêu cầu, không phải là điều kiện bắt buộc để cơ quan điều có hay không khởi tố vụ án hình sự.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến |
Nếu cháu bé chết được pháp y kết luận là do bị đuối nước, thì 4 giáo viên dạy bơi và giám sát các cháu bơi có thể bị khởi tố về tội: "Vô ý làm chết người do vi phạm qui tắc nghề nghiệp hoặc qui tắc hành chính", qui định tại Điều 99, Bộ Luật Hình sự.
Nếu đúng những giáo viên đó vi phạm điều luật này thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với một mức hình phạt tương ứng với hành vi vi phạm pháp luật của họ. Đồng thời họ còn phải bồi thường thiệt hại vật chất cho gia đình cháu bé. Họ còn có thể bị áp dụng hình phạt phụ là cấm hành nghề trong một thời gian nhất định.
Phóng viên: Ý kiến, nhận định khác của luật sư liên quan đến vụ việc nói trên?
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Việc quản lý các cháu bé ở độ tuổi từ 5 đến 7 tuổi là rất khó. Vì ở độ tuổi này các cháu có rất ít hiểu biết về những nguy hiểm xung quanh mình (gần như không phân biệt được cái gì là nguy hiểm đến mình), nhưng lại rất hiếu động thích khám phá thế giới xung quanh.
Bởi vậy, khi cho các cháu vào bể bơi có nước thì phải cho nước ở mức độ hoàn toàn an toàn cho các cháu, không cho nước vượt quá đầu các cháu trong trường hợp các cháu ngồi mà không đứng dậy được.
Đồng thời các giáo viên phải xuống bể bơi cùng các cháu để có thể phát hiện và kịp thời cứu giúp các cháu khi có dấu hiệu không bình thường về sức khỏe, hoặc ngay tức thời khi các cháu bị đuối nước. Các giáo viên phải tập trung sự chú ý vào tất cả các cháu khi còn ở dưới nước với tinh thần trách nhiệm cao nhất của người giáo viên. Có như vậy mới tránh được những sự việc đáng tiếc như cháu bé 6 tuổi này.
Xin cảm ơn luật sư...
Điều 99, Bộ luật Hình sự quy định về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” như sau: 1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 6 năm. 2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |
Theo Giáo dục Việt Nam
www.nguoiduatin.vn