Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

'Tranh cãi' việc 'tước quyền làm cha người hiếp dâm'


Ngày 18/7/2013 Báo Nguoiduatin.vn có đăng bài “Tước quyền làm cha người hiếp dâm: Nên hay không?” của tác giả Giang Văn Quyết phản biện lại bài “có con bằng cách hiếp dâm thì không được làm cha”của tôi đăng cùng trên báo ngày 17/7/2013.


Trước hết, xin hoan nghênh tác giả và những ai đã quan tâm đến vấn đề mà tôi đưa ra. Về các ý kiến phản biện, tôi xin được phản hồi lại và giải thích về bài viết trước của tôi như sau:


Tác giả Quyết không đồng tình với quan điểm của tôi cho rằng “vô hình chung pháp luật đã cho phép công dân có quyền làm cha qua việc có con bằng cách phạm tội hiếp dâm!”. Về phần này xin được giải thích là: khi tôi nêu “đối tượng hiếp dâm lại được pháp luật công nhận quyền làm cha với đứa con sinh ra từ việc thực hiện tội phạm (hiếp dâm).” thì tôi so sánh “vô hình chung pháp luật đã cho phép công dân có quyền làm cha qua việc có con bằng cách phạm tội hiếp dâm!”.


Ở đây tác giả Quyết cần chú ý và hiểu cụm từ “vô hình chung” là mang nghĩa so sánh 2 nội dung giống nhau với nhau, thì rõ ràng khi pháp luật công nhận quyền thì cũng là “vô hình chung” pháp luật cho phép, khi đối tượng có quyền làm cha từ việc phạm tội hiếp dâm sinh ra con thì cũng là “vô hình chung” đối tượng có quyền làm cha qua việc có con bằng cách phạm tội hiếp dâm.


Ở đây là tôi đang xét về lí luận, khi “đối tượng hiếp dâm lại được pháp luật công nhận quyền làm cha với đứa con sinh ra từ việc thực hiện tội phạm (hiếp dâm) thì vô hình chung (cũng tương tự như) pháp luật đã cho phép công dân có quyền làm cha qua việc có con bằng cách phạm tội hiếp dâm.


Cho nên qua việc so sánh như vậy để xét về lí luận, thì tôi đã khẳng định “trường hợp này pháp luật đã xử lí mâu thuẫn với quan điểm chung của pháp luật”. Ở đây tôi không bàn về “việc có con từ hành vi phạm tội hiếp dâm thông thường là điều mà nạn nhân, người bị hiếp dâm không mong muốn. Việc sinh đứa trẻ từ hành vi phạm tội đó vì một lý do nhân văn khác trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc bảo vệ quyền được sống, được sinh ra và lớn lên của một sinh linh, một đứa trẻ chứ không phải là pháp luật khuyến khích “sinh con bằng con đường hiếp dâm”.” như tác giả Quyết đưa ra.


Tiếp theo, tác giả Quyết cho rằng: “Mặt khác, có con bằng cách hiếp dâm thì không được làm cha chưa hẳn đã là hình phạt, là cách trừng trị đối với người đó, trong khi rất có thể chúng ta đã vô tình “tước quyền” có cha của một đứa trẻ”. Về phần này xin được giải thích là: ở đây tôi đang xét về mặt lí luận “Đối chiếu với quan điểm xây dựng pháp luật của nhà nước ta thì: pháp luật chỉ bảo vệ những quyền lợi được tạo nên từ những việc làm hợp pháp của công dân, những quyền lợi được tạo nên từ việc làm phạm pháp đều bị pháp luật tước bỏ ( như thu nhập, lợi ích từ việc buôn bán hàng cấm, làm hàng giả, lừa đảo,…).”, thì cần lưu ý quan điểm chung này của nhà nước là hoàn toàn đúng đắn trong mọi trường hợp áp dụng vào thực tế, kể cả với trường hợp có con từ việc hiếp dâm.


Vì bản chất của quyền được làm cha từ việc hiếp dâm đó vẫn là “những quyền lợi được tạo nên từ việc làm phạm pháp”, cho nên phải “bị pháp luật tước bỏ ( như thu nhập, lợi ích từ việc buôn bán hàng cấm, làm hàng giả, lừa đảo,…).”. Trong khi hiếp dâm làm nạn nhân có thai là tội phạm có mức độ từ rất nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng. Ở đây cũng cần lưu ý là quyền được có cha của đứa trẻ sinh ra từ việc hiếp dâm không phụ thuộc vào quyền được làm cha của kẻ hiếp dâm. Vì đứa bé đó hoàn toàn có thể nhận người cha khác.


Và khi pháp luật tước quyền làm cha của kẻ hiếp dâm cũng không có nghĩa là pháp luật tước quyền nhận cha của đứa trẻ đó. Ở đây tác giả Quyết cần chú ý “quyền” tức là “được đòi hỏi”, như vậy khi kẻ hiếp dâm không có quyền làm cha tức là không được đòi hỏi làm cha, như vậy thì đâu có mâu thuẫn gì với việc đứa bé có quyền (được đòi hỏi) có cha ! Theo khoản 2 điều 65 của luật hôn nhân và gia đình được giữ nguyên trong dự thảo thì dù mẹ đứa bé không đồng ý nhưng khi đứa bé đó đã thành niên nếu muốn vẫn có quyền nhận cha là kẻ hiếp dâm, và khi đó kẻ hiếp dâm mới được làm cha. Còn nếu mẹ đứa bé đồng ý thì đứa bé có quyền nhận cha là kẻ hiếp dâm ngay từ thời điểm mẹ đứa bé đồng ý (trường hợp này kẻ hiếp dâm cũng đồng ý làm cha).



Ảnh minh họa


Như vậy kẻ hiếp dâm không được quyền (đòi hỏi) làm cha khi mà mẹ đứa bé và đứa bé sinh ra từ việc hiếp dâm đó không cho phép. Cho nên lập luận như vậy là thỏa đáng. Về điều này tác giả Quyết cũng đồng tình nên bổ sung thêm vào đề xuất của tôi là “việc sinh con từ hành vi hiếp dâm không đương nhiên làm phát sinh quan hệ cha và con giữa người thực hiện hành vi hiếp dâm với người con được sinh ra từ hành vi hiếp dâm.” vì tác giả cho rằng “Trên cơ sở quy định như vậy sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn, dự liệu tốt hơn cho trường hợp đặc biệt này nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của đứa trẻ, quyền và lợi ích của người mẹ vừa đảm bảo những trừng phạt thích đáng cho loại tội phạm hiếp dâm trong điều kiện cụ thể.”.


Về phần này xin được giải thích là:cụm từ “không làm phát sinh” cũng có nghĩa tương tự như cụm từ “không đương nhiên làm phát sinh”. Vì như đã giải thích ở trên xét về lí luận bản chất của hành vi hiếp dâm là tội phạm cho nên bao giờ nó cũng không được coi là căn cứ việc làm hợp pháp để phát sinh quan hệ cha con như những trường hợp sinh con từ việc hợp pháp khác, mà quan hệ cha con trong trường hợp hiếp dâm này muốn phát sinh là phải từ căn cứ sự thỏa thuận (là việc hợp pháp) của các bên cha, mẹ, con. Và quyền được nhận cha của đứa bé sinh ra từ việc hiếp dâm không phụ thuộc vào quyền được làm cha của kẻ hiếp dâm. Ở đây tác giả Quyết cần hiểu là khi quy định “không làm phát sinh” là mang tính chất pháp luật không công nhận (quyền làm cha của kẻ hiếp dâm) khi (kẻ hiếp dâm)chưa được phép (của mẹ và con sinh ra từ việc hiếp dâm), chứ không phải hiểu theo ý là pháp luật nghiêm cấm có quan hệ cha con mà phải sửa lại là “không đương nhiên làm phát sinh” như tác giả đề xuất.


Vì vậy qua phản biện và sự đồng tình cơ bản của tác giả Quyết, trên cơ sở lí luận đến nay tôi khẳng định cần có quy định “Xác định cha trong trường hợp sinh con từ việc phạm tội: Việc sinh con từ tội phạm được quy định tại các điều từ 111 đến 115 Bộ luật hình sự không làm phát sinh quan hệ cha và con giữa người thực hiện tội phạm với người con được sinh ra từ tội phạm đó” là đúng đắn.


Theo Phạm Mạnh Hà (trường Đại học luật Hà Nội)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP