Kẻ giết người dã man nhưng nổi tiếng… sợ vợ
Kẻ gây ra tội ác trong vụ án này là Nguyễn Tấn Lợi, một thợ sửa xe hơi cần mẫn và đam mê nghề nghiệp. Trước thời điểm gây án, Lợi hoàn toàn trong sạch trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan công an, chưa hề có tiền án tiền sự nào. Chỉ vì hoảng loạn khi sợ vợ biết được “sự thật”, Lợi đã gây ra cái chết thảm thương cho người khác. Vậy “sự thật” ở đây là gì? Điều gì đã khiến một anh thợ chăm chỉ, hiền lành trở thành kẻ giết người?
Làm việc thiện, rước phải tội
Người khiến Lợi “sợ” được nói đến là M., người vợ hơn anh 1 tuổi. Sợ vợ không phải là điều hiếm hoi trong nhiều gia đình, thế nhưng cách sợ như Lợi quả là hiếm. Có thể nói rằng mỗi lời lẽ của M. với Lợi đó là một chân lý, là điều hiển nhiên trong gia đình mà anh răm rắp nghe theo.
Bi kịch bắt đầu vào một ngày cận Tết nguyên đán 2010, có vị khách đến sửa ô tô ở tiệm của Lợi. Do trong quán đã hết phụ tùng mà tiền thù lao cho “ca sửa” này lại khá cao; mặc dù rất cần tiền để mua phụ tùng mới nhưng lại không dám hé nửa lời bảo vợ đưa, nghĩ đến cùng, Lợi đã “liều mạng” trộm lấy trang sức của vợ mang đi bán, sẽ bù lại sau. Nhưng không may, khi đã sửa xong, vị khách đánh bài chuồn lúc Lợi không để ý. Vốn sợ M., anh đã im lặng giấu kín sự việc.
Không lâu sau, M. phát hiện số nữ trang biến mất bèn hỏi chuyện chồng. Sau một hồi quanh co, Lợi đành nói ra sự thật là đã lấy “tạm” số trang sức để bán lấy tiền mua phụ tùng. Nhưng lại giấu việc bị khách xù tiền công, ngược lại, Lợi nói với vợ rằng khách đang nợ tiền sửa, sẽ mang trả sau.
Càng gần Tết, M. càng giục chồng đi đòi nợ trước khi sang năm mới. Cực chẳng đã, Lợi đành sang nhà chị Trần Thị Hương, vừa là hàng xóm cũng vừa là bà con với anh. Số tiền mà anh vay chị Hương là 30 triệu đồng với lãi suất 10%/tháng, đi kèm điều kiện rằng chỉ có Lợi và chị Hương biết việc vay mượn.
Dần già, hạn trả nợ càng đến gần trong khi Lợi vẫn chưa xoay được tiền. Càng đến ngày cuối năm, chị Hương càng thúc giục trả nợ càng nhiều. Lợi chỉ biết van xin, nài nỉ bà chủ nợ “cho thư thư thời gian rồi sẽ xoay tiền trả”. Chuyện bẵng đi một vài hôm, cho đến sau Tết, chị Hương có nhờ Lợi đèo đi đòi nợ hộ ở thị trấn Long Hải. Lần thứ hai, chị lại tiếp tục nhờ và lần này là ở xã Châu Pha. Lúc này, trong đầu Lợi bất chợt nảy sinh ý định giết chủ nợ để không phải trả số tiền kia, đồng thời sẽ không có ai “mách” với vợ của anh.
Nguyễn Tấn Lợi bị dẫn giải sau phiên tòa
Cắt cổ chủ nợ vì… sợ vợ
Trong cơn túng quẫn nên nghĩ là làm, trước khi sang chở chị Hương đi, Lợi thủ sẵn con dao nhọn Thái Lan trong cốp xe. Trên đường đi, Lợi cố tình chọn con đường tắt, vắng người qua lại, xa khu dân sinh để đi. Chị Hương không hề mảy may để ý đến ý đồ của Lợi.
Được nửa đường, con nợ của chị Hương gọi điện báo rằng vẫn chưa có tiền trả. Bực tức, chị Hương lại quay sang hằn học và ép Lợi phải sớm trả tiền mà không hề biết rằng, “con nợ” này của chị cũng đang trong cơn bấn loạn. Không còn gì để sợ, Lợi quay ngoắt lại cãi nhau với chị Hương. Đỉnh điểm của trận cãi xảy đến khi chị Hương tức giận và nói: “Em không trả tiền chị sẽ nói cho M. biết”. Nỗi sợ vợ vốn ngự trị bấy lâu nay lại ập đến lấn át lý trí, lợi dụng lúc chị Hương đang gọi điện thoại, Lợi mở cốp lấy con dao lao về phía chị Hương.
Thấy Lợi lạnh lùng tiến đến với con dao trên tay, chị Hương bỏ chạy nhưng bị Lợi đuổi kịp, dùng dao đâm và bóp cổ chị cho đến chết. Chiếc điện thoại của nạn nhân, Lợi ném xuống thửa ruộng gần đó, còn con dao gây án, y mang về nhà và vứt xuống một cái giếng bỏ hoang.
Sau khi nhận được tin báo và tiến hành điều tra, cơ quan công an đã ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Tấn Lợi sau 10 ngày gây án. Khi nghe đọc lệnh bắt và biết nguyên nhân bị bắt, cả gia đình của Lợi bàng hoàng không tin những gì đang diễn ra trước mắt họ. Đặc biệt là M., vợ của y, dường như chị đã thấm hiểu được vì sao một người thư sinh, hiền lành và sợ vợ như Lợi, lại gây ra tội ác chấn động dư luận đến thế.
Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tấn Lợi mức án chung thân về hành vi Giết người. Mặc dù đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng trong phiên xử phúc thẩm diễn ra tại TP.HCM, TAND tối cao không những đã tuyên y án, mà còn chấp nhận kiến nghị của VKS nhân dân tối cao, tăng mức án từ chung thân lên tử hình với bị cáo Lợi.
Có thể Lợi sẽ không còn cơ hội chuộc tội, bị cách ly ra khỏi đời sống xã hội bởi những hành vi gây án có phần “dị thường” mà y gây ra. Thế nhưng, sau phiên tòa, người gánh nhiều nỗi đau nhất ngoài gia đình nạn nhân, còn có M., người khiến hung thủ phải sợ, phải dấu giếm mọi chuyện để rồi dẫn đến kết cục đau lòng.
Theo Báo Công lý
www.nguoiduatin.vn