Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Thủ thuật đòi nợ khi bị 'xù'


Phần đông độc giả nhận định rằng việc cho người khác vay tiền không có giấy tờ, bằng chứng thì khi họ không có ý định trả thì coi như mất. Nhưng không ít độc giả lại đưa ra những cách thức có thể giúp người cho vay lấy lại được khoản tiền đó.


Trong trường hợp bì xù nợ mà không có bằng chứng để khởi kiện ra tòa, bạn đọc Tang O Buon hiến kế: "Trước tiên bạn đừng bứt dây động rừng. Hãy thu thập chứng cứ bằng cách nhắn tin hay ghi âm lại cuộc nói chuyện giữa bạn và anh ta. Sau đó dùng khổ nhục kế giả vờ xin hắn mỗi tuần góp 50 nghìn đồng để hắn dễ dàng bị sa lưới".


Cùng qua điểm với bạn đọc Tang O Buon, độc giả Nguyễn Huy Bình chia sẻ: "Cách tốt nhất là bạn cần phục hồi bằng chứng bằng cách giả vờ nói chuyện nhẹ nhàng thông qua điện thoại và ghi âm lại cuộc nói chuyện đó. Nội dung ghi âm cần phải rõ và xác định được tên xưng hô, thời điểm cho mượn tiền, đề nghị thanh toán".


Ngoài cách đó, bạn Nguyễn Huy Bình còn có thêm một cách khác: “Nhờ một người bạn cùng đi và mời người vay nợ đi uống cà phê, nói chuyện. Trong cuộc nói chuyện bạn khéo léo đề cập đến khoản nợ và nhớ là phải ghi âm lại để kẻ "xù" nợ không chối cãi được”. Sau khi thu thập được những bằng chứng bạn có thể khởi kiện ra tòa.


Độc giả Cường PsKov góp ý thêm: " Anh thử gọi điện cho bạn bảo trả anh 12 triệu. Bạn anh sẽ cãi là chỉ có 10 triệu thôi. Anh ghi âm lại cuộc điện thoại đó, đây chính là bằng chứng để anh khởi kiện".


Độc giả Hoang Tuyen khuyên:"Chắc chắn sẽ không đòi lại được vì không có giấy vay, vì vậy chỉ có cách làm giảm uy tín của tên "xù' nợ bằng việc báo cáo lãnh đạo để thông báo đến cho tất cả mọi người tránh xa con người đó".


"Thời buổi này dễ bị "làm ơn, mắc oán" lắm, nếu đồng nghiệp không trả, bạn có thể nói chuyện với gia đình họ xem sao? Nói chung, cũng là một kinh nghiệm xương máu, bạn à”, đó là ý kiến của bạn đọc Asia Dot.


Ngoài việc hiến kế giúp người bị xù nợ thu thập chứng cứ, có rất nhiều bạn đọc khuyên nếu đã cho mượn mà không lấy lại được thì tốt nhất hãy xem như mình làm từ thiện hoặc là học phí cho bài học giá trị chứ không nên xử theo "luật rừng", vì có thể gây ra những hậu quả khôn lường. "10 triệu không đáng để bạn phải đánh đổi bằng cả tương lai của mình"- độc giả LVu nói.


Theo VnExpress





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP