Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Ly hôn ở nước ngoài, chia tài sản ra sao?


Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vừa tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng trong vụ tranh chấp đòi lại tài sản và chia tài sản chung giữa bà LTNL (ngụ Hoa Kỳ) và ông NTĐ.


Tòa sơ thẩm giải quyết


Theo đơn khởi kiện của bà L., bà kết hôn với ông Nguyễn Văn B. tại tỉnh Ninh Thuận vào năm 1975. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng bà có ba con chung và tạo lập được một số tài sản chung. Năm 1993, gia đình bà xuất cảnh sang Hoa Kỳ định cư. Đến năm 2005, vợ chồng bà ly hôn tại tòa án Hoa Kỳ và không có giải quyết phần tài sản.


Do tại thời điểm xuất cảnh Nhà nước không cho phép người Việt định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà đất nên vợ chồng bà giao hai căn nhà (một ở huyện Đơn Dương, một ở TP Đà Lạt) cho ông Đ. (cháu ông B.) đứng tên sở hữu và quản lý. Nay bà khởi kiện yêu cầu tòa buộc ông Đ. trả lại số tài sản này, đồng thời chia tài sản chung của vợ chồng bà.



Kèm đơn khởi kiện, bà L. nộp cho TAND tỉnh Lâm Đồng bản án ly hôn tại Hoa Kỳ (đã được hợp thức hóa lãnh sự).


Xử sơ thẩm hồi tháng 11-2012, TAND tỉnh Lâm Đồng đã chấp nhận các yêu cầu của bà L. cùng yêu cầu phản tố đòi tiền công trông coi và bảo quản nhà đất từ trước tới nay của ông Đ.. Cụ thể, bà L. được sở hữu căn nhà ở TP Đà Lạt, đồng thời phải thanh toán cho ông B. hơn 1 tỉ đồng. Ông Đ. được sở hữu căn nhà ở Đơn Dương, đồng thời thanh toán cho bà L. hơn 183 triệu đồng và nhận từ ông B. hơn 84 triệu đồng.


Tòa phúc thẩm hủy án


Sau đó, cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS cho rằng việc tòa sơ thẩm thụ lý yêu cầu phân chia tài sản chung có được trong thời kỳ hôn nhân của bà L. trong khi bản án ly hôn của vợ chồng bà chưa được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là vi phạm tố tụng, cần hủy án.


Đồng tình, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhận định: Vụ án có yêu cầu phân chia tài sản thuộc sở hữu chung mà bà L. và ông B. đã tạo lập trong thời kỳ hôn nhân. Để giải quyết án cần phải dựa vào việc xác định mối quan hệ hôn nhân giữa họ còn tồn tại hay đã chấm dứt, từ đó mới áp dụng các quy định hôn nhân và gia đình tương ứng. Nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng thì chia đôi nhưng còn tùy vào hoàn cảnh, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên trong việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản.


Trong vụ án, bà L. và ông B. đã ly hôn ở Hoa Kỳ và có quyết định của tòa án Hoa Kỳ nhưng chưa giải quyết chia tài sản chung. Một bản án hay quyết định của tòa án nước ngoài không đương nhiên được cho công nhận và thi hành tại Việt Nam nếu chưa được tòa án Việt Nam xem xét. Như vậy, bản án ly hôn của bà L. và ông B. chưa được tòa án Việt Nam công nhận nhưng tòa sơ thẩm mặc nhiên công nhận họ đã ly hôn rồi quyết định phân chia tài sản chung sau ly hôn là vi phạm tố tụng, phải hủy án để giải quyết lại.


Có nên linh hoạt?


Trường hợp ly hôn ở nước ngoài rồi về Việt Nam tranh chấp tài sản như trên gần đây đã xảy ra không ít. Về thủ tục, đúng là các đương sự cần phải yêu cầu tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành bản án ly hôn ở nước ngoài thì họ mới được pháp luật Việt Nam chấp nhận là đã ly hôn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn trong trường hợp các đương sự không tranh chấp về hôn nhân, chỉ muốn tòa án trong nước chia tài sản chung thì có cần phải cứng nhắc bắt họ làm thủ tục công nhận bản án ly hôn ở nước ngoài hay không?


Theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM và luật sư Lê Thành Kính (Đoàn Luật sư TP.HCM), các đương sự chỉ yêu cầu giải quyết chia tài sản chung thì tòa nên giải quyết phần việc này, không cần xem xét quan hệ hôn nhân nữa vì chính họ không có tranh chấp, không có yêu cầu. Như vậy, tiến độ giải quyết án sẽ nhanh hơn, các đương sự cũng hài lòng vì đỡ mất thời gian, công sức.


Trong khi đó, một kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao và luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì lại nghiêng về quan điểm là bắt buộc các đương sự phải làm thủ tục công nhận bản án ly hôn ở nước ngoài trước rồi mới tiến hành chia tài sản sau. Theo hai ông, về mặt pháp lý, bản án ly hôn ở nước ngoài dù đã được hợp thức hóa lãnh sự thì cũng chỉ là tài liệu tham khảo, không phải là căn cứ xác định mối quan hệ hôn nhân giữa các đương sự đã chấm dứt. Một khi vấn đề hôn nhân chưa giải quyết mà tòa lại chia tài sản chung của vợ chồng thì dễ dẫn đến các hậu quả pháp lý khó lường. Chẳng hạn, bản án chia tài sản chung này có hiệu lực, trong khi quan hệ hôn nhân của các đương sự ở Việt Nam vẫn tồn tại mà phát sinh tranh chấp tài sản với những người khác thì rất khó giải quyết...


Trước hai luồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia đề nghị TAND Tối cao nên sớm có hướng dẫn để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.









Công nhận và cho thi hành bản án nước ngoài


Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài trong các trường hợp sau đây:


- Bản án, quyết định dân sự của tòa án của nước ngoài mà Việt Nam và nước đó đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề này;


- Bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành.


- Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài trong trường hợp quyết định được tuyên tại nước đó hoặc của trọng tài của nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề này.


- Bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài cũng có thể được tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trên cơ sở có đi có lại mà không đòi hỏi Việt Nam và nước đó phải ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề đó.


- Bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài hoặc quyết định của trọng tài nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi được tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành.


...(Trích Điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự)



Theo Hoàng Yến (Pháp luật TP HCM)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP