Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Phải tư vấn nếu cưới vợ nhiều hơn chồng 10 tuổi


Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân, gia đình có yếu tố nước ngoài.


Theo đó, khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, mỗi bên phải làm tờ khai với đầy đủ thông tin về tên họ, chữ ký. Trường hợp tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của cơ quan có thẩm quyền thì không phải nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân.


Thẩm tra hồ sơ, nếu thấy hai người đều kết hôn lần thứ hai trở lên; người nước ngoài từng ly dị với vợ/chồng là công dân Việt Nam... hoặc nhận thấy việc kết hôn có tính chất phức tạp thì Sở Tư pháp yêu cầu họ đến Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để được tư vấn trước khi hẹn thời gian phỏng vấn. Việc kết hôn giữa hai người có sự chênh lệch lớn về độ tuổi như nữ hơn nam từ 10 tuổi trở lên... cũng được áp dụng tương tự.



Ảnh minh họa


Đôi vợ chồng tương lai sẽ được cán bộ tư pháp tách riêng để phỏng vấn nhằm làm rõ sự tự nguyện kết hôn; mục đích kết hôn; hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, cá nhân; hiểu biết của mỗi bên với văn hóa, ngôn ngữ, phong tục của bạn đời...


Nếu qua phỏng vấn nhận thấy hai bên chưa thực sự hiểu về hoàn cảnh của nhau hoặc về văn hóa..., Sở Tư pháp yêu cầu họ đến Trung tâm hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để tư vấn. Nếu cho rằng người nước ngoài có biểu hiện không bình thường về nhận thức hoặc không làm chủ được hành vi thì yêu cầu đi khám tại tổ chức chuyên khoa về tâm thần. Nếu phát hiện việc kết hôn liên quan việc xuất nhập cảnh trái phép, buôn bán người, môi giới kết hôn trái pháp luật..., Sở đề nghị công an cùng cấp xác minh.


Sau 5 ngày kể từ khi được hẹn phỏng vấn, đương sự vắng mặt mà không có lý do chính đáng thì Sở Tư pháp chấm dứt việc giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Dự thảo nghị định cũng cho phép Sở chấm dứt việc giải quyết đăng ký kết hôn theo đề nghị của một hoặc cả hai bên nam, nữ.


Theo dự thảo, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã phụ trách. Trong hai ngày nếu thấy hồ sơ hợp lệ, xã sẽ thực hiện theo yêu cầu của công dân.


Các trường hợp hai bên kết hôn lần hai trở lên, có dấu hiệu không tự nguyện kết hôn, động cơ kết hôn không rõ ràng, người nước ngoài từng ly dị vợ hoặc chồng là người Việt Nam... thì xã chuyển hồ sơ để Sở phỏng vấn người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Sở có quyền từ chối cấp giấy nếu kết quả phỏng vấn cho thấy có việc lợi dụng kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh; trục lợi; việc kết hôn không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ.


Theo Xuân Hoa (Vnexpress)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP